Hoàn thiện Luật Cán bộ công chức để bổ sung cơ chế miễn trừ trách nhiệm đối với cán bộ có thiệt hại do rủi ro khách quan

Dưới đây là bài viết về việc hoàn thiện Luật Cán bộ công chức để bổ sung cơ chế miễn trừ trách nhiệm đối với cán bộ có thiệt hại do rủi ro khách quan.

Hoàn thiện Luật Cán bộ công chức để bổ sung cơ chế miễn trừ trách nhiệm đối với cán bộ có thiệt hại do rủi ro khách quan (Hình từ Internet)

Ngày 17/05/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết 139/NQ-CP ban hành kế hoạch của Chính phủ triển khai Nghị quyết 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 của quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

1. Hoàn thiện Luật Cán bộ công chức để bổ sung cơ chế miễn trừ trách nhiệm đối với cán bộ có thiệt hại do rủi ro khách quan

Nhằm khẩn trương triển khai Nghị quyết 198/2025/QH15, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, ngành, địa phương cần cụ thể hóa và quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, cạnh tranh, phá sản doanh nghiệp.

Trong đó, Bộ Nội vụ rà soát, hoàn thiện Luật cán bộ, công chức 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành để: 

- Quy định cụ thể trách nhiệm của công chức, người đứng đầu trong giải quyết thủ tục hành chính; 

- Bổ sung chế tài xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi cá nhân, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức; 

- Bổ sung cơ chế miễn trừ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định, không tư lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng có thiệt hại do rủi ro khách quan;

- Bổ sung hướng dẫn về trách nhiệm công vụ của người đứng đầu trong hỗ trợ doanh nghiệp gắn với công tác thi đua khen thưởng; hoàn thành trong năm 2025-2026.

2. Trường hợp miễn trách nhiệm đối với cán bộ, công chức

Theo Điều 77 Luật cán bộ, công chức 2008 quy định cán bộ, công chức được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

- Phải chấp hành quyết định trái pháp luật của cấp trên nhưng đã báo cáo người ra quyết định trước khi chấp hành;

- Do bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

3. Trách nhiệm của cán bộ, công chức về thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị

Căn cứ Điều 6 Nghị định 04/2015/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức như sau:

- Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời; thực hiện các quy định về nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp, quy tắc ứng xử, nguyên tắc trong hoạt động nghề nghiệp và những việc không được làm theo quy định của pháp luật.

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người phụ trách trực tiếp và trước người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị về việc thi hành nhiệm vụ của mình. Trong khi thi hành công vụ, cán bộ, công chức được trình bày ý kiến, đề xuất việc giải quyết những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của mình khác với ý kiến của người phụ trách trực tiếp, nhưng vẫn phải chấp hành sự chỉ đạo và hướng dẫn của người phụ trách trực tiếp, đồng thời có quyền bảo lưu ý kiến và báo cáo lên cấp có thẩm quyền. Đối với viên chức được quyền từ chối thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ trái với quy định của pháp luật, được quyết định vấn đề mang tính chuyên môn gắn với công việc hoặc nhiệm vụ được giao.

- Thực hiện phê bình và tự phê bình nghiêm túc, phát huy ưu điểm, có giải pháp sửa chữa khuyết điểm; thẳng thắn đóng góp ý kiến để xây dựng nội bộ cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.

- Đóng góp ý kiến vào việc xây dựng các văn bản, đề án của cơ quan, đơn vị khi được yêu cầu.

- Báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Nguyễn Thị Mỹ Quyền

8

tin noi bat
Tin mới
Các tin khác