Mức phạt hành vi vi phạm về lắp đặt phương tiện phòng cháy chữa cháy

Dưới đây là bài viết về mức phạt hành vi vi phạm về lắp đặt phương tiện phòng cháy chữa cháy.

Mức phạt hành vi vi phạm về lắp đặt phương tiện phòng cháy chữa cháy (Hình từ Internet)

Ngày 15/05/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 106/2025/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. 

1. Mức phạt hành vi vi phạm về lắp đặt phương tiện phòng cháy chữa cháy

Theo Điều 20 Nghị định 106/2025/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về trang bị, lắp đặt phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ như sau:

(1) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng, dụng cụ phá dỡ thô sơ không bảo đảm theo quy định. 

(2) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không" trang bị, lắp đặt phương tiện chữa cháy thông dụng, dụng cụ phá dỡ thô sơ. 

(3) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi trang bị, lắp đặt đèn, phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn không bảo đảm theo quy định. 

(4) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành không bảo đảm theo quy định. 

(5) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không trang bị, lắp đặt đèn, phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn. 

(6) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở.

(7) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành. 

(8) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: 

(i) Trang bị, lắp đặt thiết bị thuộc hệ thống báo cháy không bảo đảm theo quy định; 

(ii) Trang bị, lắp đặt thiết bị thuộc hệ thống chữa cháy không bảo đảm theo quy định. 

(9) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: 

(i) Không trang bị, lắp đặt hệ thống báo cháy; 

(ii) Không trang bị, lắp đặt hệ thống chữa cháy; 

(iii) Không trang bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cơ giới. 

(10) Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với các hành vi quy định tại các khoản (2), (5), (6) và (7) khi để xảy ra cháy nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. 

(11) Hình thức xử phạt bổ sung: 

Đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm (i), (ii) khoản (9).

(12) Biện pháp khắc phục hậu quả: 

- Buộc trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng, dụng cụ phá dỡ thô sơ đối với hành vi vi phạm tại khoản (1); 

- Buộc trang bị, lắp đặt đèn, phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn đối với hành vi vi phạm tại khoản (3); 

- Buộc trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành đối với hành vi vi phạm tại khoản (4); 

- Buộc trang bị, lắp đặt hệ thống báo cháy đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm (i) khoản (8); 

- Buộc trang bị, lắp đặt hệ thống chữa cháy đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm (ii) khoản (8).

2. Nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ từ ngày 01/7/2025

Tại Điều 5 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 quy định nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ như sau:

- Tuân thủ Hiến pháp 2013, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế thì hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại hoặc yêu cầu đối ngoại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.

- Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Chủ động phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính; kịp thời phát hiện sơ hở, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy và có biện pháp khắc phục; xác định phòng cháy, phòng ngừa tai nạn, sự cố là nhiệm vụ thường xuyên.

- Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện cần thiết để kịp thời chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

- Thống nhất chỉ huy, điều hành, phát huy vai trò của lực lượng, phương tiện, hậu cần tại chỗ khi xảy ra cháy, tai nạn, sự cố; ưu tiên cứu người, cứu tài sản; mọi nguồn nước, chất chữa cháy phải được ưu tiên sử dụng cho chữa cháy.

- Ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

- Mọi hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

- Bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, bình đẳng giới trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Nguyễn Thị Mỹ Quyền

8

tin noi bat
Tin mới
Các tin khác