Mức xử phạt vi phạm quy định về thoát nạn trong phòng cháy và chữa cháy từ ngày 01/7/2025

Nội dung bài viết là quy định về mức xử phạt hành chính với hành vi vi phạm quy định về thoát nạn trong phòng cháy và chữa cháy từ ngày 01/7/2025.

Mức xử phạt vi phạm quy định về thoát nạn trong phòng cháy và chữa cháy từ ngày 01/7/2025

Mức xử phạt vi phạm quy định về thoát nạn trong phòng cháy và chữa cháy từ ngày 01/7/2025 (Hình từ Internet)

Chính phủ ban hành Nghị định 106/2025/NĐ-CP ngày 15/5/2025 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Mức xử phạt vi phạm quy định về thoát nạn trong phòng cháy và chữa cháy từ ngày 01/7/2025

Theo Điều 24 Nghị định 106/2025/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính với hành vi vi phạm quy định về thoát nạn trong phòng cháy và chữa cháy như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Lắp gương trên đường thoát nạn;

+ Cửa đi trên lối ra thoát nạn không mở theo chiều thoát nạn.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi để vật tư, hàng hóa, phương tiện giao thông, vật dụng, thiết bị khác cản trở lối thoát nạn hoặc đường thoát nạn.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Không duy trì của đi đã được lắp đặt trên lối thoát nạn hoặc đường thoát nạn;

+ Khóa cửa đi lắp đặt trên lối thoát nạn hoặc đường thoát nạn.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Không duy trì lối thoát nạn hoặc đường thoát nạn của gian phòng, khu vực;

+ Không có đủ lối thoát nạn hoặc đường thoát nạn của gian phòng, khu vực.

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Không duy trì lối thoát nạn hoặc đường thoát nạn của nhà, công trình;

+ Không có đủ lối thoát nạn hoặc đường thoát nạn của nhà, công trình.

- Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 24 Nghị định 106/2025/NĐ-CP.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc tháo gương trên đường thoát nạn đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Nghị định 106/2025/NĐ-CP;

+ Buộc mở cửa theo chiều thoát nạn đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24 Nghị định 106/2025/NĐ-CP;

+ Buộc di chuyển vật tư, hàng hóa, phương tiện giao thông, vật dụng, thiết bị khác đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 106/2025/NĐ-CP;

+ Buộc duy trì cửa đi trên lối thoát nạn, đường thoát nạn đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định 106/2025/NĐ-CP.

>> Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Nghị định 106/2025/NĐ-CP, mức xử phạt hành chính trên áp dụng với cá nhân vi phạm. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Xem thêm tại Nghị định 106/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

Lưu ý về điều khoản chuyển tiếp theo Điều 40 Nghị định 106/2025/NĐ-CP như sau:

- Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ xảy ra và kết thúc trước thời điểm Nghị định 106/2025/NĐ-CP có hiệu lực mà bị phát hiện nhưng chưa hết thời hiệu xử phạt hoặc đang xem xét, giải quyết khi Nghị định 106/2025/NĐ-CP đã có hiệu lực thì áp dụng Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm để xử lý.

Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ xảy ra trước thời điểm Nghị định 106/2025/NĐ-CP có hiệu lực nhưng vẫn đang diễn ra khi Nghị định 106/2025/NĐ-CP đã có hiệu lực thì áp dụng quy định của Nghị định 106/2025/NĐ-CP để xử lý.

- Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định 106/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính tại thời điểm ban hành quyết định xử phạt để giải quyết.

 

24

tin noi bat
Tin mới
Các tin khác