
Bệnh nhân nằm ghép hai người một giường, tình trạng phổ biến ở các
bệnh viện ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà
"Tất cả những bệnh nhân khác đều nói với tôi rằng, ai
cũng phải dùng tiền để cảm ơn các bác sĩ", một phụ nữ 33 tuổi, đến từ vùng
ngoại ô phía nam Hà Nội, nói sau khi dúi một phong bì chứa 500.000 đồng, số tiền
cao gấp đôi thu nhập mỗi tháng của cô, cho nhân viên y tế tại một bệnh viện cấp
thành phố.
Trước đó, người phụ nữ này đã phải chi tới hai phong bì, mỗi
chiếc chứa 50.000 đồng, để con trai cô được các bác sĩ tại bệnh viện tuyến
huyện chuyển lên cơ sở y tế cấp cao hơn.
Không ai nói ra, nhưng cô, cùng rất nhiều người Việt Nam
khác tin rằng, việc đưa phong bì cho các y bác sĩ sẽ giúp người nhà của họ được
ưu ái và chăm sóc cẩn thận hơn.
Dù phải chi một khoản không nhỏ cho ca mổ mắt tại bệnh viện,
bà Phin, người chỉ có thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng, vẫn quyết định gửi
thêm một phong bì chứa 200.000 đồng cho bác sĩ.
"Tôi chỉ cố được đến thế", bà nói về số tiền được
đặt trong chiếc phong bì, vốn được sinh ra để chứa những lá thư và bưu thiếp.
Bà Luyến, một giáo viên đã nghỉ hưu, cho rằng phong bì cảm
ơn là nguyên tắc bất di bất dịch. "Không phải bác sĩ nào cũng yêu cầu
phong bì, nhưng đó là thứ không thể thiếu khi tới bệnh viện. Đó là văn hóa của chúng
tôi", bà Luyến, người đang sống tại một thị trấn nhỏ cách Hà Nội 35 km,
nói.
Viện phí cho người dân Việt Nam vẫn thường được chính phủ và
các doanh nghiệp hỗ trợ thông qua hệ thống bảo hiểm y tế, nhưng do số lượng lớn
bệnh nhân cùng tình trạng quá tải ở các bệnh viện công, trong khi mức lương của
hầu hết các nhân viên y tế lại không đủ sống, khiến "văn hóa phong
bì" ngày càng trở nên phổ biến.
Theo một nghiên cứu đáng tin cậy, số lượng người nhận phong
bì tại các cơ sở y tế ở Việt Nam đã tăng gấp đôi trong sau ba năm, từ 13%
vào năm 2007 lên tới 29% trong năm 2010.
Một cuộc khảo sát được Ngân hàng Quốc tế và Thanh tra Chính
phủ thực hiện hồi năm ngoái cũng cho thấy, 76% những người dùng phong bì để cảm
ơn các y bác sĩ đều hoàn toàn tự nguyện, chỉ có 21% làm việc đó vì bị yêu cầu.
Trong một nỗ lực để ngăn chặn nạn tham nhũng, 5 bệnh viện
lớn tại Hà Nội hồi năm 2011 đã quyết định triển khai một chiến dịch chỉnh đốn
đạo đức và thái độ làm việc của các nhân viên y tế, trong đó bao gồm chính sách
"Nói không với phong bì".

Thông báo nghiêm cấm y bác sĩ nhận, người nhà đưa phong bì ở Bệnh viện
K, Hà Nội. Ảnh: NamPhương
Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng Việt
Nam (RTCCD) cũng đang tiến hành một cuộc vận động với mục tiêu tương tự, nhằm
thay đổi nhận thức của người dân và các y bác sĩ về những khoản chi không chính
thức, hay còn gọi là phong bì. Thông qua chương trình này, giới chức Việt Nam muốn nâng
cao hiểu biết của bệnh nhân về quyền lợi của họ, cũng như trách nhiệm của những
người đang làm việc trong ngành y.
Ông Nguyễn Hữu Ngọc, một học giả có tiếng tại Hà Nội, cho
rằng nguồn gốc của vấn đề nằm ở truyền thống quà cáp, "có đi có lại",
vốn bị ảnh hưởng từ Nho giáo Trung Quốc.
"Ở xã hội Việt Nam cũng như tại Trung Quốc, những
món quà thường xuất phát từ lòng biết ơn", học giả này nói.
"Trước đây, việc thể hiện lòng biết ơn thường mang giá
trị tinh thần nhiều hơn là vật chất. Nhưng qua thời gian, nó dần thiên về những
giá trị vật chất. Và hiện tại, trong nền kinh tế thị trường, nó giống như một
sự giao dịch.
Người ta thường sử dụng khái niệm "văn hóa" để
biện minh cho những khoản chi không chính thức, nhưng văn hóa cũng có lúc phải
thay đổi, theo ông Soren Davidsen, một chuyên gia quản trị cấp cao của
Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội.
"Chúng ta đều hiểu rằng việc tặng quà là một phần quan
trọng của văn hóa. Nhưng chúng ta cũng biết rằng, văn hóa không phải thứ đứng
yên, mà nó luôn chuyển động. Ở một số nước Á Đông, như Singapore, Hàn
Quốc hay Nhật Bản, còn từng tồn tại cả văn hóa tham nhũng. Tuy nhiên, chính phủ
các quốc gia này đã tìm ra cách để hạn chế và kiểm soát nó."
"Chúng ta, bằng sự hợp tác của người dân, doanh nghiệp
và chính phủ, hoàn toàn có thể thay đổi thứ văn hóa này", ông Davidsen
nói.
'Tiền và quyền'
Với nhiều người, khoảng cách giữa những món quà và sự hối lộ
dường như đã bị xóa nhòa, bà Trần Thu Hà, phó giám đốc RTCCD, cho
biết và nói thêm rằng đây chính là lý do để họ biện minh cho việc "chấp
nhận phong bì".
Nhưng với những người đang lên kế hoạch ngăn chặn lối suy
nghĩ đó, không khó để phân biệt rõ ràng hai khái niệm này.
"Một món quà có thể được tặng ở nơi công cộng hay bất
cứ đâu, và người ta cần thời gian để trò chuyện và nói lời cảm ơn. Trong khi
đó, việc hối lộ thường diễn ra rất nhanh, và cả người cho lẫn kẻ nhận đều lo
lắng bị người khác bắt gặp", bà Hà nói.
Tuy nhiên, không dễ để thay đổi những thứ đã trở thành thói
quen, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Phòng
chống tham nhũng, thừa nhận.
Ông Hùng cho biết, đã có không ít đề xuất được đưa ra, liên
quan tới việc làm thế nào để ngăn chặn nạn phong bì trong ngành y tế, và một
trong những biện pháp đầu tiên được tính tới là tăng lương cho các y bác sĩ.
Nhưng theo Phó giáo sư Tạ Văn Bình, giám đốc Viện Đái
tháo đường và Rối loạn chuyển hóa Quốc gia, thì chỉ tăng lương là không đủ. Ông
tin rằng chính phủ Việt Nam
phải có những quy định rõ ràng và các hình phạt cứng rắn nếu thực sự muốn chặn
đứng nạn phong bì và hối lộ trong bệnh viện.
Ngoài ra, cũng phải giúp người dân hiểu rằng họ không cần
dùng đến phong bì khi tới bệnh viện, bởi làm thế chính là tiếp tay cho các hoạt
động tham nhũng.
Ông Nguyễn Hữu Ngọc thậm chí còn cho rằng, nên ban hành lệnh
cấm các bệnh nhân sử dụng phong bì. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ không thể giải
quyết nếu chỉ có sự can thiệp từ một phía, thay vì sự phối hợp của cả bệnh
nhân, các y bác sĩ và chính phủ.
"Đây là một nhiệm vụ không dễ dàng, bởi tham nhũng liên
quan đến tiền, đến con người và đến quyền lực", Davidsen nói.
"Đối với tiến trình phòng chống tham nhũng thì đây là một thách thức không
nhỏ. Đây không phải việc có thể diễn ra nhanh chóng sau một đêm".
Quỳnh Hoa
Theo BBC
6,511