Tổng Bí thư Tô Lâm – Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ký ban hành Hướng dẫn 63-HD/BCĐTW năm 2025 nội dung trọng tâm về công tác phòng, chống lãng phí.
Lãng phí là gì?
Lãng phí là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, vốn đầu tư công, tài sản công, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên, năng lượng, các nguồn lực khác của nền kinh tế vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc việc quản lý, sử dụng không hiệu quả, không đạt được mục tiêu đã định hoặc tạo rào cản phát triển kinh tế, xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Các hành vi lãng phí cần tập trung chỉ đạo phòng chống theo Hướng dẫn 63
Theo Hướng dẫn 63-HD/BCĐTW năm 2025, từ trọng tâm chỉ đạo công tác phòng, chống lãng phí của Ban Chỉ đạo Trung ương, các hành vi gây lãng phí cần tập trung chỉ đạo phòng, chống bao gồm:
1. Hành vi vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, gây lãng phí
- Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc phạm vi trực tiếp lãnh đạo, quản lý hoặc phân công phụ trách.
- Chỉ đạo hoặc cho chủ trương thực hiện trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc không rõ việc, không cụ thể, không nhất quán gây lãng phí tài chính công, tài sản công.
- Không xử lý, bao che, dung túng cho tổ chức, cá nhân có hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công thuộc phạm vi trực tiếp quản lý, phụ trách; chỉ đạo chỉ xử lý nội bộ hoặc xử lý hành chính, kinh tế đối với hành vi gây lãng phí có dấu hiệu tội phạm.
2. Hành vi gây lãng phí liên quan đến xây dựng, ban hành thể chế về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công
- Lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, ban hành các văn bản về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây lãng phí.
- Không ban hành hoặc chậm ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc cố ý ban hành các văn bản về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trái quy định, gây lãng phí.
3. Hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước
- Lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ và giao dự toán không đúng thẩm quyền, trình tự, nội dung và thời gian, không đúng đối tượng, vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định, gây lãng phí.
- Sử dụng ngân sách nhà nước không đúng mục đích đã được phê duyệt, đối tượng, dự toán được giao; vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định. Trì hoãn việc chi ngân sách khi đã bảo đảm các điều kiện chi theo quy định của pháp luật, gây lãng phí.
- Quyết toán chi ngân sách nhà nước không đúng, đủ thủ tục, sai nội dung, đối tượng, vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định; duyệt quyết toán chậm, trì hoãn quyết toán sai quy định của pháp luật, gây lãng phí.
- Quản lý, sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và các quỹ được thành lập theo quy định của pháp luật không đúng mục đích, tôn chỉ, quy chế hoạt động và cơ chế tài chính của quỹ, gây lãng phí.
- Thực hiện vay trái quy định của pháp luật; vay vượt quá khả năng cân đối của ngân sách; sử dụng ngân sách nhà nước để cho vay, tạm ứng, góp vốn trái quy định của pháp luật, gây lãng phí.
4. Hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công
- Quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
- Quyết định đầu tư khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định; quyết định đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chương trình, dự án không đúng với các nội dung về mục tiêu, địa điểm, cơ cấu nguồn vốn, vượt tổng mức đầu tư trong chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư của chương trình, tổng mức đầu tư của dự án trái với quy định của pháp luật.
- Thông đồng với tổ chức tư vấn, thẩm định, định giá, nhà thầu dẫn tới quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên quốc gia. Yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt, gây nợ đọng xây dựng cơ bản.
- Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, bán, cho thuê, cho mượn, sử dụng tài sản công, sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Chậm giải ngân vốn đầu tư công do nguyên nhân chủ quan; không quyết toán, chậm quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công dẫn đến lãng phí.
- Giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức, không đúng đối tượng hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng. Sử dụng xe ô tô và tài sản công khác do tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.
- Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật.
- Xử lý tài sản công trái quy định của pháp luật; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản công.
- Không xử lý kịp thời đối với tài sản công không sử dụng được, không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng hiệu quả thấp, không đạt mục tiêu đã định.
- Thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng tài sản công, gây lãng phí.
5. Hành vi gây lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai và các tài nguyên khác
- Quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên không đúng quy hoạch, kế hoạch, quy trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; quy hoạch chồng lấn các loại đất.
- Gây ô nhiễm, hủy hoại tài nguyên, năng lượng quốc gia, gây lãng phí.
- Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không đúng đối tượng, định mức, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; sử dụng đất không đúng mục đích, không hiệu quả; chậm đưa vào sử dụng theo quyết định giao đất, hợp đồng thuê đất; không thực hiện đúng thời hạn trả lại đất theo quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không sử dụng hết diện tích được giao.
- Giao đất khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Không thực hiện đấu giá, đấu thầu theo quy định đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất phải đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, gây lãng phí. Chậm thực hiện các thủ tục theo quy định để xác định giá đất, dẫn đến chậm hoặc không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai.
- Giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án chậm so với tiến độ đã được phê duyệt do nguyên nhân chủ quan; thực hiện dự án, khởi công công trình trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư không đúng quy định, gây lãng phí.
- Quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt, gây lãng phí.
- Cấp phép, thăm dò, khai thác tài nguyên không đúng quy định, thẩm quyền, đối tượng; khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước vượt quá khả năng tái tạo, gây cạn kiệt và suy thoái môi trường; cố ý sử dụng công nghệ lạc hậu trong khai thác tài nguyên, gây lãng phí.
- Cấp giấy phép xây dựng cho công trình xây dựng không tuân thủ định mức về sử dụng năng lượng, quy chuẩn kỹ thuật, gây lãng phí.
- Quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu số trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây lãng phí.
6. Hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); vốn nhà nước tại doanh nghiệp
- Quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP có sử dụng vốn nhà nước không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn nhà nước trong dự án PPP đối với dự án có yêu cầu sử dụng vốn nhà nước; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, gây lãng phí.
- Phê duyệt dự án PPP có sử dụng vốn nhà nước khi chưa có chủ trương đầu tư; không phù hợp với chủ trương đầu tư; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định, gây lãng phí.
- Quyết định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp không đúng thẩm quyền, phạm vi, trình tự, thủ tục quy định, gây lãng phí. Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài; đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp nhà nước không đúng mục đích, kém hiệu quả, gây lãng phí.
- Thực hiện không đúng quyền hạn, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước trong việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp dẫn đến lãng phí.
- Quản lý nợ, tài sản của doanh nghiệp có vốn nhà nước không chặt chẽ, kém hiệu quả dẫn đến thất thoát vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp bị thua lỗ, mất vốn, mất khả năng thanh toán, giải thể, phá sản.
- Trích lập và quản lý, sử dụng các quỹ không đúng mục đích, chế độ do cấp có thẩm quyền ban hành dẫn đến lãng phí.
7. Các hành vi khác gây lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
45