Theo báo cáo vừa được
Thống đốc ký gửi các ĐBQH cho thấy, thời gian qua, ngành ngân hàng đã tiến hành
nhiều giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đồng thời khuyến
khích, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung nguồn vốn phục
vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Thứ nhất, về lãi suất, mặt bằng lãi suất
cho vay đến cuối năm 2013 đã giảm mạnh và ở mức thấp, chỉ bằng 50% lãi suất năm
2011. Bước sang năm 2014, trên cơ sở xu hướng giảm vững chắc của lạm phát, NHNN
tiếp tục điều chỉnh giảm đồng bộ các loại lãi suất. Hiện lãi suất cho vay ngắn
hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1%/năm, hiện phổ biến ở
mức 7-8%/năm, thấp hơn lãi suất cho vay các lĩnh vực khác khoảng 2-3%/năm.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã quy định mức lãi
suất cho vay đối với các doanh nghiệp thực hiện thu mua tạm trữ vụ Đông Xuân
2014 tối đa là 7%/năm; yêu cầu 5 NHTM Nhà nước thực hiện cho vay mới đối với
các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển sản xuất chăn
nuôi, giết mổ để cấp đông, chế biến thịt lợn, thịt gia cầm, nuôi và chế biến cá
tra, tôm xuất khẩu với lãi suất tối đa 8%/năm.
Thứ hai, về tín dụng, tính đến
31/12/2013, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 671.986 tỷ đồng,
chiếm tỷ trọng gần 20% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế và tăng 19,67% so
với 31/12/2012 (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung 12,51% của nền kinh tế
cùng thời điểm), tăng 2,29 lần so với cuối năm 2009 (trước khi có Nghị định
41/2010/NĐ-CP).
Ngoài ra, để đẩy mạnh cho vay nông
nghiệp, nông thôn, thời gian qua, NHNN cũng đã có các chính sách hỗ trợ các
TCTD tập trung cho vay lĩnh vực này; đồng thời chỉ đạo các TCTD thực hiện các
giải pháp nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Theo đó, NHNN hỗ trợ các TCTD có tỷ trọng
cho vay nông nghiệp, nông thôn lớn (từ 40% trở lên) thông qua tái cấp vốn và
giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng mạng lưới
tại các vùng sâu, vùng xa, các địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Chỉ đạo các TCTD
đẩy mạnh, đa dạng hóa hoạt động tín dụng ở nông thôn.
NHNN cũng chủ động phối hợp với các Bộ,
ngành liên quan nghiên cứu việc xây dựng, triển khai thí điểm cho vay với các
mô hình mới như mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình sản xuất áp dụng công nghệ
cao, mô hình chuỗi sản xuất liên kết các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu...
Không chỉ có các chính sách hỗ trợ
tín dụng chung, thời gian qua, NHNN cũng đã tung ra 5 chương trình tín dụng
nông nghiệp đặc thù: Một là, chính sách tín dụng đối với chăn nuôi và nuôi
trồng thủy sản. Hai là chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông
nghiệp. Ba là chính sách cho vay đối với ngành lúa, gạo. Bốn là chính sách tái
canh cây cà phê và cuối cùng là chính sách hỗ trợ ngư dân.
(Theo Báo đầu tư)
3,322
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN