Trong phần đầu của loạt bài CHỦ QUYỀN HOÀNG SA, TRƯỜNG
SA NHÌN TỪ CÔNG PHÁP QUỐC TẾ, chúng tôi đã chứng minh rằng, Việt Nam
là quốc gia đầu tiên xác lập chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là: Việt Nam có tiếp tục làm
chủ hai quần đảo này không? Và việc chiếm hữu, khai thác nó của Nhà nước Việt
Nam có bao giờ gặp phải sự phản đối của một quốc gia nào khác không?
Nhóm phóng viên Thùy Vân, Thu Lan, Lê Phúc và Lê Bình tiếp tục
phân tích vấn đề này.
Sau Hội nghị về châu Phi năm 1885 của 13 nước châu Âu và Hoa
Kỳ và sau khóa họp của Viện Pháp luật quốc tế ở Lausanne (Thụy Sỹ) năm 1888,
người ta đã thông nhất áp dụng một nguyên tắc thủ đắc mới. Đó là nguyên tắc
“Chiếm hữu thật sự”.
Điều 3, Điều 34 và Điều 35 của Định ước Berlin ký ngày 26
tháng 6 năm 1885 đã xác định nội dung của nguyên tắc chiếm hữu thật sự và các
điều kiện chủ yếu để có việc chiếm hữu thật sự như sau: “Phải duy trì trên vùng
lãnh thổ mà nước đã thực hiện hành vi chiếm hữu trên vùng lãnh thổ ấy một quyền
lực đủ để khiến cho các quyền của nước chiếm hữu được tôn trọng.”
Như vậy, cơ chế củng cố chủ quyền là rất quan trọng. Muốn được
thừa nhận chủ quyền lãnh thổ, quốc gia đó phải chứng minh một quá trình sử dụng
lâu dài, thể hiện tổng thể các lợi ích hoặc các quan hệ gắn bó với lãnh thổ
này.
Việc củng cố và duy trì danh nghĩa qua các thời kỳ cần được
gắn với sự đồng ý của các nước khác. Việc củng cố có thể đạt được không chỉ bằng
sự đồng ý rõ ràng, mà còn có thể là việc không chống đối trong một khoảng thời
gian đủ dài từ phía các nước hữu quan đối với việc chiếm hữu. Có nghĩa là, việc
quốc gia đầu tiên tiến hành quản lý liên tục trong nhiều năm vùng đất vô chủ mà
không có sự phản đối nào của nước khác cũng chính là hình thức củng cố quyền
cho quốc gia đó.
Trên cơ sở của luật pháp quốc tế như vậy, chúng ta cùng phân
tích, xem xét vấn đề củng cố danh nghĩa và nhất là việc duy trì danh nghĩa chủ
quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Các tài liệu lịch sử của Việt Nam rất nhiều và khớp với các
tài liệu nước ngoài đáng tin cậy cho phép kết luận rằng, từ lâu và liên tục
trong hàng mấy trăm năm, từ triều đại này đến triều đại khác, Nhà nước Việt Nam
đã làm chủ và luôn duy trì quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường
Sa.
Nhiều bản đồ, tập địa đồ hay sách địa lý nước ta chỉ rõ, các quần
đảo là một bộ phận của nước ta, cụ thể là: Giáp Ngọ Bình Nam Đồ, 1774; Đại Nam
Nhất Thống toàn đồ, 1838; Đại Nam Nhất Thống chí, 1882…
Sự quản lý thật sự các quần đảo cũng xuất hiện trong nhiều
tài liệu khác của Việt Nam. Những tài liệu quan trọng nhất có thể kể ra là: Đại
Nam thực lục tiền biên, 1884 và Đại Nam thực lục chính biên, 1848; Đại Nam nhất
thống chí, 1882…

|
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính
Phủ, ảnh: Vietnamnet |
TS. Trần Công Trục:
TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ
cho biết, một số tài liệu này có những lời phê bằng mực son, bút tích của nhà
vua: “Trong kho lưu trữ ở Huế, chúng ta đã tìm được những bút phê của nhà vua
trong việc thành lập đội Hoàng Sa, rồi cử đội này ra Hoàng Sa và Trường Sa, với
thời gian cụ thể và cả các quyết định phong chức cho các đội trưởng để chỉ huy
ra Hoàng Sa và Trường Sa như Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật,vv... Chúng ta cũng
tìm được trong các gia phả của các dòng họ ở xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn các văn
bản của nhà vua trong việc cử các đinh tráng xung vào đội Hoàng Sa. Đây chính
là bằng chứng pháp lý để nói rằng, rõ ràng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện chủ
quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Rõ ràng, Nhà nước phong kiến Việt Nam từ lâu đã tổ chức việc
khai thác hai quần đảo này, thể hiện chính sách quốc gia chú trọng tới các lợi
ích biển.
Trong thế kỷ XVIII, nhà Nguyễn đã thành lập các đội đi biển
có tính Nhà nước. Tổ chức và hoạt động của chúng được mô tả chi tiết trong cuốn
sách của Lê Quý Đôn năm 1776. Các đội này có nhiệm vụ đặc biệt, một số để thu
lượm các hải sản tại các đảo gần bờ, số khác để thu lượm các đồ vật từ các tàu
bị đắm ở ngoài khơi.
Điều này cũng được mô tả trong Toản tập Thiên nam chí lộ đồ thư
từ thế kỷ XVII: “Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền
đến (Bãi Cát Vàng) lấy hoá vật, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn".
Trong giai đoạn từ năm 1771 đến năm 1802, lịch sử nước ta được
đánh dấu bằng sự đối đầu của các triều đại phong kiến. Khi nhà Nguyễn được khôi
phục lại (1802) đến khi ký với Pháp Hiệp ước 1884, nhà Nguyễn đã ra sức củng cố
chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Đại Nam thực lục chính biên kể lại, năm 1815, vua Gia Long cử
Phạm Quang Ảnh chỉ huy đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để khảo sát và đo đạc.
Vua Minh Mạng, năm 1833, đã ra chỉ thị cho Bộ Công phái người
tới dựng miếu, lập bia, trồng nhiều cây cối ở Hoàng Sa. Chỉ thị viết: “Ngày
sau, cây cối to lớn, xanh tốt, người dễ nhận biết, có thể tránh được nhiều mắc
cạn.”
Năm 1836, vua Minh Mạng tiếp tục thực hiện làm địa bạ toàn
quốc. Đại Nam thực lục chính biên ghi lại như sau:“Phải ghi chép mọi việc, mọi
chi tiết và tường trình cho trẫm rõ. Khi thuyền đến một nơi nào, một hòn đảo
hay một bãi cát, thuyền trưởng phải đo kĩ chiều dài, chiều ngang, chiều cao,
chiều sâu, chiều rộng và cả chu vi của hòn đảo hoặc của bãi cát, độ sâu của nước
vùng ở xung quanh, dò tìm các bãi đá ngầm, xem đó có nguy hiểm cho tàu bè hay
không, khảo sát đất đai, đo đạc và vẽ bản đồ.”
Cùng năm này, vua Minh Mạng sai đội trưởng suất đội Phạm Hữu
Nhật đưa binh thuyền ra Hoàng Sa vẽ bản đồ và cắm các cọc để đánh dấu những nơi
đã kiểm tra, trên mỗi cọc ghi dòng chữ: “Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân
(1836), thừa hành Hoàng thượng, thủy quân đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật đã
ra đây, tại đảo Hoàng Sa để đo đạc địa hình và cắm cọc này để làm dấu tích.”
Bà Monique Chemillier Gendreau:
Bà Monique Chemillier Gendreau, nguyên Chủ tịch Hội luật gia
dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu khẳng định, đó chính là những
hoạt động để xác lập chủ quyền theo đúng các quy tắc của luật pháp quốc tế áp dụng
vào thời điểm đó: “Khi nghiên cứu các giấy tờ chứng thực lịch sử thấy rõ các
hoàng đế An Nam có giấy chứng thực chủ quyền từ xa xưa, vào khoảng thế kỷ XVI,
đặc biệt là trong thế kỷ XVIII, họ đã tổ chức quản lý các quần đảo này
thông qua các đội tàu biển. Theo mùa, các đội tàu này đến các đảo để khai thác
tài nguyên thiên nhiên và của cải từ xác các con tàu đắm trôi dạt vào, dùng nhiều
biện pháp như trồng cây để bảo đảm cho các vùng đó bớt nguy hiểm hơn cho các
tàu bè qua lại. Người ta đã tìm thấy bằng chứng trong chiếu chỉ của vua Minh Mạng
về việc này. Trong luật quốc tế, đó là những bằng chứng của chủ quyền.”
Có một vấn đề đặt ra là: khi xác lập chủ quyền của mình trên
các đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có bị một nước nào phản bác và chống đối
hay không? Vì trong công pháp quốc tế thì chủ quyền trên một vùng đất sẽ phải bị
xét lại nếu khi vừa xác lập đã bị một hay nhiều nước phản đối.
Như đã phân tích trong chương trình hôm qua, trong thời gian
này, các tài liệu của Trung Quốc không cho phép xác định nước này đã xác lập chủ
quyền lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong khi đó, việc chiếm hữu và khai thác của Nhà nước Việt
Nam đối với hai quần đảo này chưa bao giờ gặp phải sự phản đối của một quốc gia
nào khác kể cả Trung Quốc.
Trong các sử liệu Trung Quốc còn có cả các tài liệu cho thấy,
nước này không hề có một đòi hỏi nào đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa. Ví như Trong Hải lục viết: “Vạn lý Trường Sa là đất nổi giữa biển, dài vài
ngàn dặm, là phên dậu của An Nam”. Từ đó ta thấy rằng, Trung Quốc không có các
hành vi thực thi chủ quyền mà còn im lặng, đồng tình với sự chiếm hữu của Việt
Nam.
Tuy nhiên, trong tất cả các tài liệu của Trung Quốc đều nhắc
rằng, ngư dân nước này đã đến các đảo này hàng ngàn năm, đã “phát hiện”, “khai
phá kinh doanh” nhằm khẳng định chủ quyền từ xa xưa của mình. Nhưng đó chỉ là
những hành vi cá nhân, không có đặc quyền, không phù hợp với một sự chiếm hữu
hay ý định khẳng định chủ quyền. Việc chiếm cứ của cá nhân không thể là hành động
nhân danh chính phủ của họ, không thể tạo thành một sự chiếm hữu. Hơn nữa,
trong cùng thời kỳ này, chính ngư dân Việt Nam cũng hay lui tới các quần đảo
đó.

|
Tướng quân đội Pháp Daniel Schaeffer: Việt Nam có những
tài liệu khẳng định quyền của mình từ xa xưa không có nghi ngờ gì đối với các
đảo Hoàng Sa |
Tướng quân đội Pháp Daniel Schaeffer:
Tướng quân đội Pháp Daniel Schaeffer, nguyên tùy viên quân sự
của Pháp ở Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan, một chuyên gia về các vấn đề an
ninh và quốc phòng ở khu vực Đông Á đưa ra kết luận: “Bằng chứng của Trung Quốc
về chủ quyền Hoàng Sa không thuyết phục. Trong khi đó, Việt Nam có những tài liệu
khẳng định quyền của mình từ xa xưa không có nghi ngờ gì đối với các đảo Hoàng
Sa.”
Ngoài Trung Quốc, các quốc gia khác có hay không biểu lộ ý định
thực thi chủ quyền? Câu trả lời là, lúc đó, không có một quốc gia nào khác
trong vùng đưa ra yêu sách. Thực tế ngày nay cũng cho thấy, không một quốc gia
nào có ý định đưa ra yêu sách có từ thế kỷ XIX hay trước đó.
Như vậy, trước khi có Hiệp ước bảo hộ của Pháp năm 1884, Việt
Nam đã thực sự chiếm hữu mà không có cạnh tranh trong nhiều thế kỷ đối với các
đảo theo đúng chế độ luật pháp của thời kỳ đó.
Tuy nhiên, trong thời kỳ thuộc địa, khi Việt Nam không thể
phát biểu với tư cách như một quốc gia thì danh nghĩa này có tiếp tục được duy
trì?/.
Lê Phúc-Lê Bình-Thùy Vân-Thu Lan
Theo VOV
3,810