Bản kháng nghị cho rằng
bản án sơ thẩm đã áp dụng điều 298 Bộ luật hình sự để xét xử năm công an về tội
dùng nhục hình là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Khẳng định này chắc chắn sẽ
không được dư luận đồng tình.
Hành vi
của năm công an đã tra tấn anh Ngô Thanh Kiều đến chết, tuy có tính chất nhục
hình nhưng không phải hành vi phạm tội “dùng nhục hình”.
Tội dùng
nhục hình quy định tại điều 298 Bộ luật hình sự là hành vi xâm phạm hoạt động
đúng đắn của các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án trong việc
bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân
(xâm phạm hoạt động tư pháp).
Hành vi
tra tấn anh Kiều của năm công an không “xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ
quan điều tra”, vì anh Kiều chưa phải là bị can, anh Kiều bị bắt không đúng
pháp luật, công an bắt người lúc 3g sáng lại không thuộc trường hợp bắt khẩn
cấp hay bắt người phạm tội quả tang... Hoạt động điều tra chỉ được tính từ sau
khi khởi tố. Khi chưa bị khởi tố thì nghi can nằm ngoài vòng tố tụng. Như vậy,
tội dùng nhục hình chỉ xảy ra khi và chỉ khi cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án,
khởi tố bị can và bắt người phạm tội theo đúng quy định của pháp luật.
Hành vi
tra tấn anh Kiều đến chết cũng không phải là hành vi làm chết người trong khi
thi hành công vụ, vì trong vụ việc này năm công an là người có chức vụ, quyền
hạn nhưng việc làm của họ không phải là thực hiện một công vụ hợp pháp.
Nếu thi
hành một công vụ không hợp pháp hoặc lợi dụng việc thi hành công vụ mà đánh
chết người thì phải xử về tội giết người với tình tiết “thực hiện tội phạm một
cách man rợ” và “bằng cách lợi dụng nghề nghiệp”. Hướng dẫn của Tòa án nhân dân
tối cao từ năm 1986 đã khẳng định như vậy.
Kháng
nghị của viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh còn cho rằng đối với ông Lê
Đức Hoàn - phó trưởng Công an TP Tuy Hòa, trưởng ban chuyên án, ông Hoàn đã có
hành vi thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, để xảy ra việc dùng
nhục hình gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của ông có dấu hiệu phạm
tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điều 285 Bộ luật
hình sự nhưng chưa được cấp sơ thẩm điều tra, xử lý theo quy định của pháp
luật. Nhận định này tuy đúng nhưng chưa đủ, mà trước hết phải xem xét trách
nhiệm của ông Hoàn về hành vi “bắt người trái pháp luật”, rồi mới xem xét về
tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, ông Hoàn chưa bị
khởi tố, cáo trạng của viện kiểm sát cũng chưa truy tố ông Hoàn về bất cứ hành
vi phạm tội nào, nên tòa án cấp sơ thẩm cũng không thể xét xử và kết án ông
Hoàn được. Những gì mà bản án sơ thẩm chưa đề cập, chưa quyết định thì không
thuộc đối tượng kháng nghị phúc thẩm; thẩm quyền xem xét trách nhiệm của ông
Hoàn là của cấp giám đốc thẩm; bản án của tòa án cấp phúc thẩm cũng không thể
căn cứ vào việc bỏ lọt tội phạm do chưa khởi tố, điều tra, truy tố để hủy bản
án sơ thẩm điều tra lại hay xét xử lại được.
Luật sư Đinh Văn Quế - nguyên chánh tòa hình sự, Tòa án
nhân dân tối cao
(Theo Tuổi trẻ)
2,545
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN