
Hành nghề kế toán phải tuân thủ
những điều kiện khắt khe hơn. Ảnh minh họa, TL SGT
Không cần thiết và thiếu tính khả thi
Điều 55d về điều kiện cấp
giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán quy định công ty trách
nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên trở lên phải có đủ các điều kiện:
a) Có giấy chứng nhận
đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận
đầu tư theo quy định của pháp luật;
b) Có ít nhất ba kế toán
viên hành nghề, trong đó tối thiểu phải có hai thành viên góp vốn;
c) Người đại diện theo
pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc phải là kế toán viên hành nghề;
d) Bảo đảm vốn pháp định
theo quy định của Chính phủ;
đ) Phần vốn góp của người
có chứng chỉ hành nghề kế toán phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của doanh
nghiệp; phần vốn góp của các thành viên là tổ chức không quá 35% vốn điều lệ
của công ty.
Những điều kiện nêu trên
là không cần thiết. Ban soạn thảo đã áp đặt những quy định đối với quản lý hoạt
động kinh doanh của lĩnh vực kiểm toán độc lập cho dịch vụ kế toán. Trong khi
đó, từ phạm vi hoạt động đến giá trị pháp lý của kết quả giữa dịch vụ kế toán
và kiểm toán độc lập có sự khác nhau rất cơ bản.
Kiểm toán độc lập có báo
cáo kiểm toán riêng và báo cáo này được sử dụng với nhiều mục đích như tham gia
đấu thầu, vay vốn, liên doanh, liên kết, chia lợi nhuận... Ngược lại, các sổ
sách kế toán và báo cáo tài chính do doanh nghiệp dịch vụ kế toán lập cho khách
hàng, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp khách hàng vẫn phải ký và
chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hơn nữa, các sổ kế toán và báo cáo tài chính
này, trong phần lớn trường hợp, chỉ phục vụ mục đích kê khai, quyết toán thuế.
Vì vậy, yêu cầu “có ít nhất ba kế toán viên hành nghề, trong đó tối thiểu phải
có hai thành viên góp vốn” là quá mức cần thiết.
Điều kiện “người đại diện
theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc công ty TNHH phải là kế toán viên
hành nghề” cũng là điều kiện vô lý. Bởi người đại diện theo pháp luật của doanh
nghiệp phải chịu trách nhiệm toàn diện về mọi hoạt động của doanh nghiệp nên
phải có kinh nghiệm quản lý, kiến thức tương đối toàn diện. Không phải bất cứ
ai có chứng chỉ hành nghề kế toán cũng có kinh nghiệm trong quản lý doanh
nghiệp. Do đó, chỉ cần quy định giám đốc (hoặc tổng giám đốc) doanh nghiệp dịch
vụ kế toán phải có chứng chỉ hành nghề kế toán và chỉ người có chứng chỉ hành
nghề kế toán mới được ký hợp đồng dịch vụ kế toán là đủ.
Điều kiện “bảo đảm vốn
pháp định theo quy định của Chính phủ” lại là một “sáng tạo” lạ đời! Bởi lẽ
dịch vụ kế toán không đòi hỏi vốn lớn, cũng không phải là lĩnh vực kinh doanh
nhạy cảm có thể phải bồi thường vật chất đến mức phải quy định vốn pháp định.
Những rủi ro thường gặp trong dịch vụ kế toán đều có nguyên nhân từ sự không
hợp pháp của chứng từ, tài liệu được sử dụng trong công tác kế toán. Song, các
hợp đồng dịch vụ kế toán đều quy định về trách nhiệm của khách hàng là “chịu trách
nhiệm trước pháp luật về sự hợp pháp của chứng từ, tài liệu kế toán được cung
cấp để sử dụng trong công tác kế toán”. Do đó, những khoản mà doanh nghiệp dịch
vụ kế toán phải bồi thường cho khách hàng (nếu có) thường chỉ là phạt vi phạm
hành chính từ những lỗi kỹ thuật của kế toán viên.
Quy định “phần vốn góp
của người có chứng chỉ hành nghề kế toán phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của
doanh nghiệp...” là không khả thi. Bởi lẽ dịch vụ kế toán là lĩnh vực “năng
nhặt, chặt bị”, không phải cứ có chứng chỉ hành nghề là đã có tiền để góp vốn
thành lập doanh nghiệp. Chẳng hạn một công ty TNHH có năm thành viên (trong đó,
ba thành viên có chứng chỉ hành nghề kế toán) có vốn điều lệ 1 tỉ đồng, thì ba
thành viên có chứng chỉ hành nghề phải góp ít nhất 505 triệu đồng. Rất ít người
có đủ số tiền theo yêu cầu trên để góp vốn.
Đi ngược lại yêu cầu cải cách thủ tục hành
chính
Theo quy định của Luật
Kế toán hiện hành, doanh nghiệp kinh
doanh dịch vụ kế toán chỉ cần có hai người có chứng chỉ hành nghề và đăng ký
hành nghề với Hội Kế toán - Kiểm toán Việt Nam (VAA). Song, theo dự thảo sửa đổi,
doanh nghiệp phải xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế
toán với quy định về hồ sơ gồm:
1. Đơn đề nghị cấp giấy
chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán;
2. Bản sao giấy chứng nhận
đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận
đầu tư;
3. Bản sao giấy chứng
nhận đăng ký hành nghề kế toán của các kế toán viên hành nghề;
4. Hợp đồng lao động làm
toàn bộ thời gian của các kế toán viên hành nghề;
5. Tài liệu chứng minh về
vốn góp đối với công ty TNHH;
6. Các giấy tờ khác do Bộ
Tài chính quy định.
Như vậy, có hai giấy phép
con xuất hiện là giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kế toán của các kế toán viên
hành nghề và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán. Điều này
đi ngược lại yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.
Điều ngạc nhiên lớn nhất
là những người đã đủ những tiêu chuẩn khá cao và có tới năm năm làm kế toán
phải qua một kỳ thi quốc gia mới có thể lấy được “chứng chỉ hành nghề kế toán”.
Bản thân chứng chỉ hành nghề đã là một “giấy phép con”, nhưng để được hành nghề
lại phải xin cấp giấy chứng nhận hành nghề? Phải chăng giấy chứng nhận hành
nghề có giá trị pháp lý cao hơn chứng chỉ hành nghề và có một “giấy phép con”
mới chồng lên “giấy phép con” cũ?
Hơn nữa, trong cải cách
thủ tục hành chính, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của
doanh nghiệp, với những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, luật pháp cho phép có
hai trường hợp: phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và được
phép kinh doanh khi có đủ điều kiện. Dịch vụ kế toán ở trường hợp thứ hai đã
thực hiện từ năm 2007 đến nay. Không biết vì lý do gì, Bộ Tài chính lại “nâng
cấp” dịch vụ kế toán lên ngang tầm với kiểm toán độc lập và các ngân hàng, công
ty chứng khoán? Và còn không biết “các giấy tờ khác do Bộ Tài chính quy định”
sẽ là những giấy tờ gì nữa? Rất có thể khi luật đã cho phép, một thông tư của
Bộ Tài chính sẽ “đẻ” thêm những thủ tục khác chỉ để... “hành” doanh nghiệp!
Nếu những quy định vô lý,
thiếu tính khả thi như trên được thông qua, trong những năm tới sẽ có nhiều
doanh nghiệp dịch vụ kế toán biến mất trên thị trường. Sự biến mất của các
doanh nghiệp theo một trong hai cách. Thứ nhất là chấm dứt hoạt động kinh doanh
dịch vụ kế toán vì chủ doanh nghiệp không đủ sức (cả về thời gian lẫn tiền bạc)
để “xin” các giấy phép con. Thứ hai là không đăng ký hành nghề, không xin giấy
chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nhưng vẫn vô tư kinh doanh dịch vụ kế toán. Chắc
chắn sự “biến mất” theo cách thứ hai sẽ gia tăng. Bộ Tài chính có đủ lực lượng
để kiểm tra xử phạt?
Luật gia Vũ Xuân
Tiền
Chủ tịch Hội đồng thành viên
Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
7,571
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN