
Tranh
minh họa
Phải thừa nhận một thực
tế rằng con số cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về chuyên môn, thoái hóa
biến chất về đạo đức trong bộ máy hành chính sự nghiệp ở nước ta không hề nhỏ.
Dù chưa có thống kê cụ thể, chính xác con số này là bao nhiêu, 30% hay 1%,
nhưng chính số công chức yếu kém này đã làm suy yếu, trì trệ hệ thống, guồng
máy vận hành của đất nước, cản trở sự phát triển và đi lên của xã hội. Vậy đó
là ai? Có thể điểm mặt số đối tượng này qua các vụ bê bối, tiêu cực xảy ra liên
tục trong thời gian qua như những cán bộ, công chức liên quan đến các vụ tiêu
cực về đất đai, xây dựng trái phép ở các thành phố lớn, các cảnh sát, thanh tra
giao thông bảo kê, nhận mãi lộ, các cán bộ, công chức sử dụng bằng giả, những
y, bác sĩ vô trách nhiệm với bệnh nhân, ăn hoa hồng của trình dược viên, những
cán bộ thuế, hải quan cấu kết với doanh nghiệp để trục lợi, tham nhũng… Số cán
bộ, công chức vi phạm đạo đức nghề nghiệp, dính líu tới tiêu cực xuất hiện minh
bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng nhiều nhưng vẫn chỉ là
phần nổi của tảng băng trì trệ. Phần chìm hay con số thực tế thật sự lớn hơn
rất nhiều. Nhưng những trường hợp đã bị phát hiện, phanh phui hầu hết cũng chỉ
nhận những hình thức kỷ luật nhẹ hầu như ở mức phê bình, khiển trách, cảnh cáo,
thuyên chuyển công tác, trừ những trường hợp bị xử lý hình sự. Số đối tượng bị
cho thôi việc chỉ đếm trên đầu ngón tay! Có thể dẫn chứng như vụ xây nhà không
phép ở Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình về bất cập trong xử lý
công bộc sai phạm nghiêm trọng. Vụ bê bối trong quản lý xây dựng này khiến hàng
ngàn căn nhà dân phải đập bỏ nhưng tất cả cán bộ có trách nhiệm liên quan chỉ
nhận hình thức kỷ luật khiển trách và cảnh cáo (15 người bị khiển trách, 6
người bị cảnh cáo). Có những trường hợp cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo nhiều lần mà
vẫn tại vị như Trưởng Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Bù Đốp, Bình Phước nhận kỷ
luật cảnh cáo tới lần thứ 4 do sai phạm nghiêm trọng về dùng ngân sách trái
phép, hợp thức hóa hồ sơ bất hợp pháp.
Dự thảo Nghị định tinh
giản biên chế của Bộ Nội vụ đã đề xuất 5 trường hợp tinh giản biên chế. Tuy
nhiên, trong cả 5 trường hợp đưa ra đều không đề cập tới những đối tượng cán
bộ, công chức đã bị xử lý kỷ luật vì dính líu tới tiêu cực, tham nhũng hay vi
phạm đạo đức nghề nghiệp (mà chưa tới mức bị xử lý hình sự). Trong khi những
cán bộ có dấu hiệu tham nhũng lẽ ra phải là những đối tượng đầu tiên bị loại
khỏi đội ngũ cán bộ công viên chức Nhà nước. Theo ông Thái Quang Toản, Vụ trưởng
Vụ Tổ chức- Biên chế Bộ Nội vụ, các tiêu chí đánh giá để loại bỏ công chức phải
theo Luật Công chức (VTC News 10-2-2014). Hiện nay, việc kỷ luật cán bộ công
chức, viên chức căn cứ vào Luật
Công chức, Luật
Viên chức và Nghị định số 34/2011/NĐ-CP (về xử lý kỷ luật công chức) và Nghị
định số 27/2012/NĐ-CP (về xử lý kỷ luật viên chức). Trong Luật Cán bộ công chức và Luật Viên
chức, phần qui định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức vi
phạm quá sơ sài, chỉ đưa ra các hình thức kỷ luật mà không kèm theo nội dung vi
phạm cụ thể. Vì thế khi xét kỷ luật cán bộ công chức, viên chức phải dựa vào
Nghị định 34/2011/NĐ-CP và Nghị định 27/2012/NĐ-CP. Xem chi tiết hướng dẫn
trong hai Nghị định này thì thấy với hầu hết các lỗi vi phạm của cán bộ công
chức, viên chức khi áp dụng theo hai Nghị định này đều có thể chỉ bị xử lý
khiển trách hoặc cảnh cáo, kể cả những vi phạm khá nặng như: "sử dụng
giấy tờ không hợp pháp để dự thi nâng ngạch; cấp giấy tờ pháp lý cho người
không đủ điều kiện; bị phạt tù cho hưởng án treo; vi phạm ở mức độ nghiêm trọng
quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng…” (kỷ luật cảnh cáo);
"xác nhận giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện; sử dụng tài sản
công trái pháp luật; vi phạm quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng…”
(kỷ luật khiển trách). Với quy định hiện hành như vậy, hầu hết các trường hợp
cán bộ công chức, viên chức vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà chưa đủ bằng chứng
để xử lý hình sự, truy tố trước pháp luật chỉ nhận hình thức kỷ luật khiển
trách hay cảnh cáo cũng là điều dễ hiểu cho dù một số đơn vị, cơ quan có cá
nhân vi phạm đã thực hiện việc xử lý cán bộ theo đúng quy định, quy trình.
Như vậy có thể nói, chế
tài của chúng ta đã có nhưng chưa đủ mạnh trong việc xử lý kỷ luật các sai phạm
của cán bộ, công chức, viên chức. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn
tới bộ máy công quyền, khu vực hành chính công của nước ta ngày càng trì trệ
với thói quan liêu, vô trách nhiệm, tệ tham ô, tham nhũng. Điều nguy hiểm nhất
là mọi người dần quen với những tệ nạn đó đến mức coi đó là bình thường. Các
biện pháp chế tài kiểu "cảnh cáo”, "khiển trách” hay "thuyên
chuyển công tác” sẽ chẳng là gì so với những lợi ích về vật chất, tiền bạc hay
quyền lực mà các sai phạm mang lại khiến ngày càng nhiều người "nhúng
chàm”. Ranh giới giữa cái xấu và cái tốt ngày càng mong manh khiến những người
trong sạch, lương thiện cũng phải băn khoăn tự hỏi mình như vậy có bất bình
thường, có "khác người”, có "dại” quá không? Để việc tinh giản biên
chế có thể đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ công chức yếu kém, thoái
hóa biến chất, cần chỉnh sửa, bổ sung Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức.
Các hình thức xử lý kỷ luật trong luật phải nghiêm khắc hơn. Luật cũng cần phải
chi tiết hơn với những nội dung sai phạm cụ thể cho mỗi hình thức xử lý. Tuy
nhiên, để một đạo luật được chỉnh sửa và Quốc hội thông qua, cần những trình
tự, thủ tục và thời gian nhất định. Vậy nên, thiết nghĩ trước mắt Bộ Nội vụ cần
đề xuất những điều chỉnh bổ sung nội dung của Nghị định số 34/2011/NĐ-CP và
Nghị định số 27/2012/NĐ-CP hướng dẫn xử lý kỷ luật cán bộ công viên chức theo
hướng cụ thể hơn và nghiêm khắc hơn, cho thôi việc những cán bộ, công viên chức
sai phạm liên quan tới đạo đức nghề nghiệp và dính líu tới tham ô, tham nhũng.
Dự thảo Nghị định tinh giản biên chế của Bộ Nội vụ cần qui định thêm trường hợp
những cán bộ công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật mà còn mắc sai phạm là
đối tượng tinh giản biên chế.
Một chế tài nghiêm khắc,
đủ mạnh, rõ ràng trong luật pháp sẽ góp phần giúp việc tinh giản biên chế thực
hiện được những mục tiêu cải cách hành chính, cải cách tiền lương, nâng cao
chất lượng đội ngũ công chức, xây dựng một nền hành chính sự nghiệp công trong
sạch vững mạnh.
Nguyễn Thị Dung
Theo Đại Đoàn Kết
3,828
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN