Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ đang cân nhắc giữa các
phương án, nhưng thuận về phương án thi tốt nghiệp 4 môn và ngoại ngữ là môn tự
chọn. Để tiếp tục có thêm thông tin trước khi Bộ GD&ĐT đưa ra phương án
cuối cùng, chúng tôi xin trở lại vấn đề này.
20% miễn thi không giảm được tốn kém, lại
thiếu cơ sở khoa học
Tại sao Bộ lại miễn thi tốt nghiệp cho khoảng 20% học
sinh? Câu hỏi này được Bộ GD&ĐT phân tích như sau: Chủ trương miễn thi cho
một bộ phận học sinh xuất sắc là thực hiện định hướng của Nghị quyết Hội nghị
Trung ương 8 sẽ giảm tốn kém cho xã hội, tạo động lực để học sinh phấn đấu học
tập, rèn luyện toàn diện trong quá trình học THPT, nhất là ở lớp 12, phối hợp
kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học. Những
học sinh nếu miễn thi sẽ được xếp loại tốt nghiệp dựa theo kết quả học tập, rèn
luyện cả năm lớp 12 nhưng vẫn được quyền đăng ký dự thi tốt nghiệp để được xét
công nhận và xếp loại tốt nghiệp như đối với học sinh dự thi.
Trong điều kiện bệnh thành tích chưa được giải quyết triệt
để và vấn đề kỷ cương, kỷ luật còn phải được tăng cường, nếu không khống chế tỷ
lệ được miễn thi, thì sẽ có thể xuất hiện việc các trường nới lỏng khâu kiểm
tra, đánh giá để có nhiều học sinh được miễn thi không thực chất; chính việc
khống chế tỷ lệ sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh, góp phần đảm bảo việc kiểm
tra đánh giá được nghiêm túc, việc xét miễn thi được thực hiện theo quy trình
thống nhất, đảm bảo công khai, minh bạch và chịu sự giám sát từ nhiều phía (học
sinh, phụ huynh, giáo viên, xã hội…) với các tiêu chí cụ thể, yêu cầu trách
nhiệm cao của giáo viên và nhà trường.

Học sinh đang chờ đón phương án
thi tốt nghiệp hợp lý, công bằng và gọn nhẹ. Ảnh: Thiện Hoàng.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Tấn Thắng,
Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cho hay, nếu miễn thi 20% để tập dượt cho chủ
trương bỏ thi tốt nghiệp thì ông đồng tình. Nhưng nếu miễn thi 20% để tiết
kiệm, gọn nhẹ là không đúng với Quảng Nam và nhiều địa phương khác, vì quy mô
học sinh lớp 12 giảm liên tục hằng năm (do quy mô dân số giảm dần), không cần
phải miễn thi 20% thì số lượng học sinh cũng giảm dần, đương nhiên số hội đồng
thi tốt nghiệp cũng giảm dần. 20% vì lẽ đó không đủ độ lớn để tiết kiệm chi phí.
Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tấn Thắng, nếu
căn cứ theo thành tích của mỗi trường để miễn thi thì các trường chuyên phải
miễn đến 100%. Quảng Nam đã thử làm một phép toán, có trường trên địa bàn có tỷ
lệ miễn tới 100%, có trường chỉ 19,9%, có trường thì chỉ được 2,11%. Như vậy đã
có sự không bình thường giữa miền núi và đồng bằng, giữa công lập và dân lập.
Ngay cả việc xếp loại khá, giỏi ở các lớp 12 là do giáo viên đánh giá, nếu giao
việc này cho Giám đốc Sở GD&ĐT thì việc này quá tầm tay Sở, vì thời gian
thi đã gấp rồi, nếu xuất hiện đơn khiếu kiện về việc xếp loại thì sẽ không đủ
thời gian để giải quyết. “Phương án này thực sự không ổn và thiếu cơ sở khoa
học” - ông Thắng bày tỏ.
Cùng chung quan điểm, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở
GD&ĐT Thanh Hóa chia sẻ, nếu miễn thi thì ngoài các đối tượng ưu tiên, đã
miễn thi như quy định đã có (áp dụng với học sinh giỏi quốc gia, khiếm thính,
khiếm thị), thì tỷ lệ miễn thi 20% theo tiêu chí Bộ đưa ra cần phải là Bộ tiêu
chí chung cho cả nước, chặt chẽ hơn nữa. Nên nếu áp dụng học sinh có học lực từ
khá trở lên, hạnh kiểm tốt thì không nên khống chế tỷ lệ, 20% rất khó phân bổ
cho các nhà trường và không công bằng với học sinh ở các khu vực.

Ông Đặng Hữu Vân, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh
Bình khi chia sẻ với PV CAND cũng bày tỏ, tỷ lệ 20% không hợp lý vì nếu áp dụng
theo tiêu chuẩn Bộ đưa ra thì với địa phương có điều kiện dạy tốt, học tốt tỷ
lệ miễn có khi lên đến 70%, còn những địa phương khó khăn hơn như Sơn La, Lào
Cai tỷ lệ sẽ rất thấp. Ngay như Ninh Bình giáo dục ở mức khá thì tỷ lệ miễn
cũng phải vượt trên 20%. Như vậy sẽ đặt ra tình huống, sẽ có trường cố gắng
phải miễn thật nhiều để tỷ lệ chung đạt 20%, mà như thế rất phức tạp vì không
phù hợp với giáo dục vùng miền.
Nhiều nhà giáo tiếp tục đề nghị ngoại ngữ chỉ
nên là môn tự chọn
Về số phận môn thi ngoại ngữ ở dạng tự chọn, bắt buộc
hay khuyến khích, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay, do điều kiện khó khăn khách
quan, nên việc dạy - học môn ngoại ngữ ở trường phổ thông rất khác nhau giữa
các vùng miền. Do vậy, dự thảo đề xuất phương án đưa môn ngoại ngữ là môn thi
khuyến khích. Nhưng vừa qua, qua các kênh thông tin khác nhau, Bộ nhận được rất
nhiều đề xuất đưa môn ngoại ngữ là môn thi tự chọn (để nâng cao vị trí của môn
học này và khuyến khích việc dạy và học môn ngoại ngữ). Do đó, Bộ sẽ thảo luận,
cân nhắc vấn đề này một cách nghiêm túc và cầu thị.
Như các số báo trước Báo CAND đề cập thì phần lớn các
ý kiến cũng đều đồng tình môn ngoại ngữ là môn tự chọn. Ngày 19/2, khi trao đổi
với PV CAND, nhiều nhà giáo, nhà khoa học cũng vẫn tán thành ngoại ngữ nên là
môn tự chọn.
Ông Đặng Hữu Vân, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh
Bình cho hay, những vùng có điều kiện phát triển như thành phố, thị xã thì nhu
cầu học ngoại ngữ mạnh mẽ hơn rất nhiều, còn những tỉnh vùng sâu, vùng xa, nếu
thi ngoại ngữ là bắt buộc thì sẽ rất khó (vì hai nguyên nhân chính là trình độ
giáo viên không chuẩn và nhu cầu sử dụng ngoại ngữ không rõ nét). Ngoại ngữ chỉ
là phương tiện, cho các em tự chọn là hợp lý nhất. Thầy giáo Nguyễn Văn Tiến,
Phó Hiệu trưởng THPT Việt – Úc (Hà Nội) cũng tán đồng ngoại ngữ là môn thi tự
chọn vì nhà trường có lợi thế về tiếng Anh, như thế rất có lợi cho học sinh.
Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD & ĐT Thanh Hóa đồng
tình phương án thi tốt nghiệp 4 môn, đồng thời mong muốn Bộ đưa môn ngoại ngữ
vào môn tự chọn cũng sẽ khuyến khích các em học tốt môn ngoại ngữ và không trở
thành gánh nặng đối với các em thi đại học ở khối không có ngoại ngữ…
Thầy Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng THPT chuyên
Khoa học tự nhiên(ĐH Quốc gia Hà Nội):
“Chủ trương thi 4 bốn môn, xét về góc độ xã hội thì
cả giáo viên, học sinh và phụ huynh đều đồng tình ủng hộ. Như chúng ta đã biết,
nếu như trước kia thì thí sinh phải hồi hộp chờ đợi đến cuối tháng 3 để biết ba
môn thi tốt nghiệp THPT còn lại. Bây giờ chúng ta cho các em biết trước, xác
định mục tiêu ngay từ đầu để học thì sẽ kích thích học sinh hơn. Sẽ có nhiều
người lo lắng với chủ trương thì 4 môn sẽ dẫn đến học sinh bỏ học môn này, môn
kia. Nhưng nếu chưa có chính sách này thì liệu học sinh có bỏ môn này, môn kia
hay không? Tôi khẳng định là có. Sở dĩ tôi rất tán thành việc cho học sinh chọn
hai môn thi là do các em được chọn cái gì mình thích. Đã đến lúc chúng ta phải
đổi lại cách học. Chẳng hạn như học Sử chúng ta phải tạo cho học sinh cách học
thông minh chứ không phải yêu cầu các em phải học mốc các sự kiện thuộc lòng. Các
em không có trái tim, không có sự lãng mạn, say mê khoa học môn Sử thì đây là
trách nhiệm của những người dạy môn Sử. Trong quá trình đổi mới nếu chúng ta cứ
ngại ngần lo sợ đưa ra chính sách này lợi cho người này rồi lại động chạm đến
người khác thì không thể thực hiện được”.
Thu Phương
Theo
cand.com.vn
2,514