Tháng 12/2013, phòng chức năng đề nghị
nâng lương cho ông Hùng lên bậc 5/6 chuyên viên chính, nhưng Giám đốc không đồng
ý với lý do thời gian xét nâng lương cho ông Hùng chỉ tính từ khi ông chuyển đến
(tháng 4/2012).
Tháng 10/2015, Giám đốc ký quyết định nâng
lương cho ông Hùng hưởng bậc 5/6 chuyên viên chính kể từ ngày 1/10/2015. Ông
Hùng hỏi, doanh nghiệp tính thời gian xét nâng bậc lương cho ông như vậy có
đúng quy định không?
Luật
sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn
đề này như sau:
Trước ngày 1/1/1995, khi người lao động
làm việc trong doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) này chuyển đến làm việc tại DNNN
khác được bảo lưu ngạch, bậc lương, bảo lưu thời gian giữ bậc để xét hoặc thi
nâng bậc lương lần sau theo Giấy thôi trả lương của doanh nghiệp cũ.
Kể từ ngày 1/1/1995, thực hiện quy định
của Bộ
luật Lao động năm 1994 (sửa đổi bổ sung năm 2002, 2006, 2007) và Bộ luật
Lao động năm 2012, khi người lao động thôi việc để chuyển đến nơi làm việc mới
thì phải chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp cũ, hưởng chế độ thôi việc.
Khi đến
doanh nghiệp mới phải giao kết hợp đồng lao động.
Vào thời điểm ông Võ Thế Hùng đến làm việc
tại DNNN mới (tháng 4/2012), áp dụng quy định tại Điều 26 Bộ luật Lao động năm
1994 (sửa đổi bổ sung năm 2002, 2006, 2007), ông Hùng và doanh nghiệp mới phải
ký kết hợp đồng lao động để thỏa thuận về việc làm, tiền lương, điều kiện lao động,
quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Chế độ nâng bậc lương tại thời điểm
tháng 4/2012, đối với viên chức chuyên môn, nghiệp vụ ở DNNN thực hiện theo quy
định tại Điểm b, Điểm c, Khoản 1 Mục IV Thông
tư số 12/2003/TT-BLĐTBXH đã được sửa
đổi bổ sung theo Khoản
4, Điều 1 Thông tư số 18/2008/TT-BLĐTBXH, như sau:
- Căn cứ để nâng bậc lương đối với viên
chức chuyên môn, nghiệp vụ là tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ viên chức và
thâm niên làm việc trong công ty.
- Điều kiện về thời gian để xét nâng bậc
lương: Viên chức chuyên môn, nghiệp vụ có thời gian giữ bậc lương hiện hưởng tại
doanh nghiệp ít nhất 3 năm (đủ 36 tháng) đối với các ngạch có hệ số mức lương
khởi điểm (bậc 1) từ 2,34 trở lên quy định tại Nghị
định số 205/2004/NĐ-CP thì được xét
nâng lên 1 bậc.
Như ông Hùng trình bày, khi đến làm việc
cho DNNN mới, ông và doanh nghiệp mới đã thỏa thuận mức lương bậc 4/6, hệ số
4,99 ngạch chuyên viên chính theo Bảng lương viên chức chuyên môn nghiệp vụ ở
các công ty Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP.
Căn cứ quy định về nâng bậc lương nêu
trên, thời gian giữ bậc 4/6 chuyên viên chính để xét nâng bậc lần sau của ông
Hùng tại doanh nghiệp mới bắt đầu được tính từ tháng 4/2012, ít nhất từ đủ 3
năm (đủ 36 tháng) thâm niên làm việc trong công ty mới trở lên ông Hùng sẽ được
xét nâng bậc 5/6 chuyên viên chính.
Việc Giám đốc doanh nghiệp ra quyết định
nâng bậc lương đối với ông Hùng, hưởng lương bậc 5/6 chuyên viên chính, hệ số
5,32 kể từ ngày 1/10/2015 (sau 42 tháng giữ bậc 4/6 chuyên viên chính tại doanh
nghiệp) là không trái với quy định của pháp luật về lao động - tiền lương.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ
4,091
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN