Ngày 11-9, nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho biết
bảy cán bộ thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh đã bị cấp trên nhắc nhở vì khi tham
dự buổi liên hoan đã uống bia sản xuất ở nơi khác mà không uống bia sản xuất ở
tỉnh Hà Tĩnh.
Theo đó, giữa tháng 6-2015,
ngành GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn
2010-2015. Ban tổ chức có tổ chức một buổi cơm cho các cán bộ sau khi hội nghị
kết thúc. Buổi liên hoan được tổ chức tại nhà hàng của khách sạn BM (TP Hà
Tĩnh). Lúc này, một số cán bộ đã không uống bia Sài Gòn sản xuất trên địa bàn
tỉnh Hà Tĩnh mà gọi một loại bia khác.
Trả lời báo chí, ông Dư Lý
Trí, Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh, cho biết các nhân viên tiếp
thị, kinh doanh tại nhà hàng thấy cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh không uống bia của
hãng nên nhắn tin cho lãnh đạo tỉnh. Sau đó, vị này trao đổi với giám đốc Sở
GD&ĐT.

Quang cảnh lễ hội “Tôi yêu bia Sài Gòn” do
UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tổng Công ty Bia Sài Gòn tổ chức ngày 5-9.
Thế là bảy cán bộ trên đã bị
buộc viết tường trình lý do không sử dụng hàng hóa sản xuất trên địa bàn tỉnh
Hà Tĩnh để ủng hộ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Họ cũng bị nhắc nhở trong một
cuộc họp nội bộ.
Chiều 11-9, trao đổi qua
điện thoại, ông Nguyễn Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết những
việc lặt vặt như thế thì cứ hỏi bên dưới. PV hỏi thẳng có phải công ty bia đã
nhắn tin cho ông và sau đó ông “lệnh” cho giám đốc Sở GD&ĐT yêu cầu các cán
bộ viết tường trình thì ông Thiện nói: “Rồi, rồi rồi… không phải nói những việc
đó nha. Tôi đang bận”. PV liên lạc với giám đốc và phó giám đốc Sở GD&ĐT
cũng không nhận được câu trả lời. Còn ông Dư Lý Trí, người phát ngôn Sở
GD&ĐT, lại cho rằng: “Tôi không biết. Cái nớ (việc bảy cán bộ thuộc Sở
G&ĐT phải viết bản tường trình, bị nhắc nhở) tôi không biết. Tôi cũng không
biết cán bộ có bị viết tường trình hay không” (?!).
Thực tế, loại bia Sài Gòn
này được sự “hưởng ứng tích cực” từ tỉnh Hà Tĩnh. Gần đây, vào đầu tháng
9-2015, ông Lê Minh Đạo, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh, ký công văn hỏa tốc
mời tham gia chương trình lễ hội “Tôi yêu bia Sài Gòn”. Thành phần được mời là
các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, thủ trưởng các ban ngành, đoàn thể, lãnh đạo
các thành phố, thị xã, huyện trong tỉnh… tham gia chương trình lễ hội tại quảng
trường sân vận động TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) vào tối 5-9.
“Thư mời” trên cũng nêu rõ
để thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…, UBND
tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn tổ
chức lễ hội. Từ đó, công văn hỏa tốc đề nghị các đại biểu tham gia đầy đủ và
đúng thời gian.
Theo quan sát của PV, chiều
5-9, có hai quầy phát bia miễn phí và sân khấu nghệ thuật cũng được dựng lên
trong sân vận động Hà Tĩnh. Nhiều chiến sĩ công an được huy động để bảo vệ, đảm
bảo trật tự. Cán bộ và người dân đến được phát miễn phí bia lon Sài Gòn và một
số người dân còn đem theo cả mực khô và nem chua, giò… để nhấm nháp.
Trước đó, tháng 8-2014, Pháp Luật TP.HCMphản
ánh chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (nay tách thành thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh,
Hà Tĩnh) có công văn yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, phòng, ban, đơn vị, UBND
các xã, thị trấn, trong các cuộc hội thảo, hội nghị, tiếp khách phải ưu tiên
dùng các sản phẩm, đồ uống sản xuất trong tỉnh như bia Sài Gòn, nước khoáng
Sơn Kim… Sau đó, trưởng Phòng Văn
hóa và Thông tin huyện Kỳ Anh có văn bản gửi các chủ nhà hàng, khách sạn,
quán karaoke trên địa bàn yêu cầu: “Từ ngày 10-2 trở đi, nhà hàng, khách sạn,
karaoke tăng số lượng tiêu thụ bia Sài Gòn (gồm bia Sài Gòn, bia 333…) và
nước khoáng Sơn Kim. Giảm dần và tiến tới không tiêu thụ các loại bia khác và
các loại nước khoáng khác”. Cạnh đó, UBND tỉnh Nghệ An
cũng có văn bản yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể và địa phương tăng cường vận
động các đơn vị trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức và người dân ưu tiên
dùng bia Sài Gòn, bia Hà Nội, bia Vida… Sau đó, tỉnh này phải hủy bỏ công văn
trên vì vi phạm Luật
Cạnh tranh. |
Theo
Báo Pháp Luật
6,758
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN