Ưu tiên cũng... kẹt
Dù là một trong những
loại xe được ưu tiên nhờ đặc thù “cứu người như cứu hỏa” nhưng tình cảnh “cướp
đường”, chặn đầu, không nhường đường vẫn thường xuyên diễn ra với cả các xe cứu
thương hoạt động tại các đô thị và địa phương. “Bây giờ người đi đường họ quá
vô cảm với xe cứu thương; còi rát cả tai mà không tránh. CSGT thấy xe cứu
thương kẹt cứng giữa đám đông cũng lơ đi”, anh Trung Kiên, nhân viên lái xe của
Đội Xe cấp cứu Bệnh viện Việt Đức nói.
Với kinh nghiệm cả chục
năm lái xe cứu thương, anh Vũ Bá Nghiên (đội xe cứu thương Bệnh viện Phụ sản
Trung ương) cũng ngán ngẩm với tình trạng xe ưu tiên… bất lực. “Đành rằng,
đường phố Hà Nội đông đúc, dễ ùn tắc, tuy nhiên, ngay cả đoạn đường thông
thoáng, nhiều khi, bệnh nhân có nguy cơ chết trên xe nhưng còi đến rát tay,
người đi đường cũng không tránh”, anh Nghiên nói.

Xe cứu thương chết dí do tắc
đường. Ảnh: Sỹ Lực
Trao đổi với PV Tiền
Phong, ông Nguyễn Văn Chánh, Phó GĐ Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cũng cho rằng,
cảnh xe cứu thương đi qua, dòng người hai bên dạt sang nhường đường hoặc dừng
lại giờ trở thành của hiếm. “Trước đây, sau chiến tranh, với lớp người già
tiếng còi hụ, đèn tín hiệu là cái gì đó rất khẩn cấp. Giờ, anh em lái xe qua
ngã tư, muốn vượt cũng phải hết sức e dè. Với chúng tôi, khi trên đường đón
bệnh nhân khẩn cấp hơn cả khi đón được bệnh nhân. Nhưng nhiều người ngó vào xe không
thấy bệnh nhân lại quay sang chửi mắng lái xe”, ông Chánh nói.
Ngoài xe cứu thương, các
loại xe lắp còi, đèn ưu tiên khác cũng đang chịu chung tình cảnh. Tuyến đường
Nghi Tàm, Âu Cơ rẽ ra hướng Bắc Thăng Long đi sân bay Nội Bài (Hà Nội), thường
có nhiều xe ưu tiên chở cán bộ cấp cao đi công tác. Nhưng không ít trường hợp,
còi đèn ưu tiên của các xe này cũng đã bớt “thiêng”. Gần đây nhất, một thanh
niên đi xe máy đã cản đường xe chở một lãnh đạo cấp cao của Chính phủ dù xe
liên tục bấm còi ưu tiên.
“Mất thiêng” vì
quá dễ dãi
Theo Nghị
định 109, các xe được quyền sử dụng còi, đèn và cờ ưu tiên gồm: Xe chữa
cháy, xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe CSGT dẫn đường, xe
cứu thương, xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục thiên tai, dịch bệnh và các
nhiệm vụ khẩn cấp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận
tải ô tô Việt Nam, việc xuất hiện nhiều xe không có phép nhưng vẫn dùng còi đèn
ưu tiên khiến người đi đường dần xem thường các tín hiệu này.
“Nên hạn chế tối đa các
chức vụ lãnh đạo được sử dụng tín hiệu ưu tiên; chỉ nên để những thành viên
cấp cao sử dụng. Những quan chức cấp dưới, có thể dậy sớm, bố trí lịch làm
việc hợp lý. Còi đèn ưu tiên dùng cho tình huống khẩn cấp, dùng nhiều, gây
tâm lý bất an cho xã hội” Ông Thanh nói |
Ông Thanh kể, tuần trước,
chính ông đi trên đường cao tốc bị một chiếc xe hú còi ưu tiên phía sau. Khi
nhường đường xong, cả đoàn bực dọc bởi xe dùng còi hú là một xe biển trắng của
cá nhân.
Chiều 7/3, chúng tôi tìm
đến các cửa hàng bán còi, đèn trên phố Huế để hỏi mua loại “lọ mực” (tiếng lóng
gọi đèn ưu tiên). Không khó để mua được các thiết bị đặc chủng này. “Mua đèn
của công an à, 250.000 đồng/cái. Số lượng mua bao nhiêu cũng có. Đèn cũ mới đều
có hết” – nhân viên một cửa hàng góc phố Huế - Thịnh Yên cho biết.
Theo các nhân viên ở đây,
ngoài việc dùng cho các xe tư nhân muốn “giải quyết khâu oai”, “càn quét trên
đường”, đèn này đang dùng cho các kiot bán thuốc hoặc bất cứ thứ gì muốn tạo sự
chú ý cho người đi đường. Trong khi đó, theo Thông tư liên tịch giữa Bộ Công an
và Bộ Công Thương về vấn đề này, các điểm bán còi, đèn ưu tiên phải được quản
lý và chỉ được bán cho các cá nhân, đơn vị có giấy phép sử dụng tín hiệu ưu
tiên.
Nhiều lái xe cứu thương
của các bệnh viện cho biết, tình trạng xe cứu thương nhái, lắp đèn ưu tiên bán
ở chợ trời cũng làm hại đến xe “cứu thương xịn”. Đây chính là nguyên nhân, xe
ưu tiên “xịn” khi bấm còi, đèn đều bị “nhờn”, không được nhường đường.
Một lãnh đạo Ủy ban ATGT
Quốc gia cho rằng, tình trạng “phổ cập” các xe có giấy phép dùng còi đèn ưu
tiên, dẫn đến người dân “bão hòa” với các tín hiệu này. Vị này cho rằng, không
ít cán bộ chuyên viên đi công tác không có việc gấp cũng hú còi. Lái xe chở
lãnh đạo ra sân bay về cũng nháy đèn xanh đỏ. Khiếp nhất là các cuộc hội họp
của ngành y tế, phần lớn các xe lắp thiết bị ưu tiên; thậm chí là đi họp bằng
xe cứu thương.
Ông Nguyễn Văn Thanh cho
rằng, để lấy lại sự tôn trọng của người dân với còi hụ, đèn màu cần kiểm soát
chặt hơn việc mua bán, sử dụng trái pháp luật. Đối với các xe được phép của các
cơ quan chức năng, lãnh đạo các đơn vị phải thường xuyên quán xuyến. “Việc xử
lý các xe ưu tiên là thách thức đầy nhạy cảm với CSGT. Bản thân các quan chức
đi xe có còi hụ cần quán xuyến trong đơn vị mình. Ai cũng muốn dùng còi hụ, đèn
nháy thì người dân sẽ nhàm, dẫn đến xem thường”, ông Thanh nói.
Sỹ Lực - Lê Tươi
Theo Báo Tiền Phong
5,889
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN