
Tiểu thương chợ vải Soái Kình Lâm (Q.5,
TP.HCM) lo lắng trước cách tính thuế mới - Ảnh: Thuận Thắng
Theo đó, ngoài số thuế khoán hằng tháng
như hiện nay, họ sẽ phải nộp thêm thuế với tỉ lệ 1,5% trên doanh thu nếu xuất
hóa đơn.
Đây là một điều khoản trong thông
tư 92 được Bộ Tài chính ban hành.
Chính sách thuế mới này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 54.000 hộ khoán có sử dụng hóa
đơn trên địa bàn TP.HCM.
Thu
thuế hai lần?
Chị T.T.K.L. - tiểu thương kinh doanh tại
chợ vải Soái Kình Lâm (Q.5) - cho biết nhiều tiểu thương tại chợ này đang đứng
ngồi không yên sau khi nhận được thông báo của Chi cục Thuế Q.5 về chính sách
thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân mới, và được cán bộ thuế giải
thích rằng từ năm 2016, cứ mỗi tờ hóa đơn xuất cho bạn hàng phải nộp thêm 1,5%
thuế trên doanh thu.
Theo chị L., hiện mỗi tháng chị nộp thuế
khoán 8,55 triệu đồng (gồm thuế thu nhập cá nhân và giá trị gia tăng) và không
nộp thêm bất cứ khoản nào nếu doanh thu xuất hóa đơn từ 500 triệu đồng trở xuống.
Nếu trên mức này, chị phải nộp thuế cho
phần doanh thu chênh lệch. “Cách tính này là tương đối công bằng cho cả người
kinh doanh và cơ quan thuế. Nếu áp theo cách tính mới, số thuế tôi phải nộp sẽ
tăng cao do bị tính trùng doanh thu hay nói cách khác là thu thuế hai lần” - chị
L. lo lắng.
Chị Trần Thị Xuân Mai, quầy 70 chợ Soái
Kình Lâm, cho biết dù gần cuối năm nhưng kinh doanh ế ẩm, nếu tới đây phải nộp
thuế hai lần tiểu thương sẽ càng khó khăn.
“Chúng tôi được cho xuất hóa đơn đến 500
triệu đồng/tháng nhưng không bao giờ sử dụng hết số này, bởi hoạt động buôn bán
đang gặp rất nhiều khó khăn” - chị Mai nói.
Theo bà Lê Thị Kim Chơi (chủ sạp 51), tại
cuộc họp bất thường với các tiểu thương tại chợ Soái Kình Lâm vào chiều 21-9, đại
diện Chi cục Thuế Q.5 giải thích rằng đây là chủ trương của Bộ Tài chính, ngành
thuế địa phương chỉ là người thừa hành.
“Họ cũng giải thích đó là biện pháp khuyến
khích hộ khoán chuyển lên doanh nghiệp nhưng tôi 65 tuổi rồi, lại không hiểu luật
trong khi nếu chuyển sang doanh nghiệp phải thực hiện chế độ kế toán, rồi thanh
tra, kiểm tra... là rất khó” - bà Chơi nói.
Tại các chợ khác, tiểu thương cũng bàn
tán xôn xao về chính sách thuế mới. Trao đổi với Tuổi Trẻ trưa 24-9, bà Loan -
tiểu thương tại chợ Bình Tây (Q.6) - cho biết cũng được Chi cục Thuế Q.6 mời
lên phổ biến về mức thuế mới và đang rất lo tới đây số thuế phải nộp không còn
là 10 triệu đồng/tháng như hiện nay mà sẽ tăng cao.
Chị Linh, tiểu thương bán quần áo trẻ em
chợ Bình Tây, cho rằng nếu thuế tăng cao nữa sẽ không kham nổi vì làm ăn khó
khăn, chưa kể tới đây chợ sẽ sửa nên phải dời sạp ra ngoài nhà lồng, buôn bán sẽ
ít nhiều bị ảnh hưởng.
“Theo tôi, cơ quan thuế nên giữ nguyên
cách tính như hiện nay hoặc nếu không phải giảm bớt doanh thu khoán để sát với
thực tế hơn” - chị Linh nói.
Ép hộ
lên doanh nghiệp, tiểu thương làm giám đốc?
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, sở dĩ Bộ Tài
chính đưa ra chính sách trên là vì không khuyến khích hộ khoán thuế sử dụng hóa
đơn. Quan điểm của Bộ Tài chính là doanh thu khoán chỉ tính trên phần doanh thu
không sử dụng hóa đơn, còn nếu muốn sử dụng hóa đơn thì phải khai thuế. Đây là
cách gián tiếp để buộc các hộ khoán phải lập doanh nghiệp.
Trong khi đó, chi cục thuế tại các địa
bàn tập trung đông các hộ khoán như Q.5, 6, 11... cho biết đã nhận được phản ảnh
rất bức xúc của tiểu thương. Tuần qua Chi cục Thuế Q.6 đã mời đại diện 1.200 hộ
khoán có sử dụng hóa đơn đến để đối thoại.
Các tiểu thương đều ý kiến nên làm theo
cách cũ vì theo cách mới tăng gấp đôi doanh thu. Đặc biệt thời điểm áp dụng lại
trùng vào dịp tết, kinh doanh sôi động nhất năm, do vậy ảnh hưởng rất lớn đến
người kinh doanh.
“Theo tôi, nếu hộ kinh doanh không thể
lên doanh nghiệp được, phải xem xét lại mức khoán cho phù hợp với cách tính mới
chứ nếu lấy mức khoán năm nay mà phiên ngang sang năm sau thì e rằng không phù
hợp. Chúng tôi đã có ý kiến lên Cục Thuế TP.HCM để nơi này có kiến nghị lên cấp
trên” - lãnh đạo một chi cục thuế nói.
Theo vị lãnh đạo này, các hộ kinh doanh
người Hoa rất ngại lên doanh nghiệp vì không rành chữ nghĩa, pháp luật. Hơn nữa
họ kinh doanh trong những lĩnh vực ít sử dụng hóa đơn vì thường là bán cho người
tiêu dùng cuối cùng.
Chưa kể họ muốn thuế giống như một khoản
chi phí, mỗi tháng chỉ đóng gọn một khoản còn lại là lợi nhuận, pháp lý được giảm
thiểu vì tất cả đã khoán.
Về vấn đề này, luật sự Trần Cẩm Chương
cho rằng cần xem lại quy định vì không thể trong hai thời kỳ mà quan điểm thay
đổi 1800 như vậy, người dân cảm thấy quyền lợi của họ không đảm bảo.
“Bộ Tài chính và nhà làm luật phải thống
nhất quan điểm, không thể vì muốn tăng thuế mà sửa lại điều luật trái hoàn toàn
với trước khiến người dân không yên tâm kinh doanh” - vị luật sư này nói.
Sáng 24-9, trao đổi với Tuổi
Trẻ, một số hộ khoán đã chuyển thành doanh nghiệp tư nhân tại chợ vải Soái
Kình Lâm cho biết có những lợi ích nhất định khi chuyển thành doanh nghiệp,
như thuận lợi hơn trong kinh doanh, có hóa đơn để bán cho các mối hàng công
ty. Tuy nhiên, trở ngại là
không phải mặt hàng nào đầu vào cũng có hóa đơn chứng từ nên chỉ có thể xuất
hóa đơn cho những mặt hàng mà đầu vào có chứng từ. |
Ánh Hồng
Theo Tuổi trẻ
7,472
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN