TS Nguyễn Đình Cung cho rằng cần có cơ chế hiệu quả bảo vệ tài sản của người dân và doanh nghiệp
|
Không phải đứng về bên nào, nhưng tôi
cho đây là một trường hợp điển hình về yêu cầu cải thiện thể chế, cải thiện môi
trường kinh doanh.
Thứ nhất,
trong nền kinh tế thị trường, thì sở hữu và quyền sở hữu tài sản phải được minh
định rõ ràng, đồng thời phải được bảo vệ chắc chắn để doanh nghiệp và người dân
yên tâm sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, những quy định tác động trực tiếp đến
tài sản, quyền sở hữu tài sản của người dân và doanh nghiệp phải do Quốc hội
quy định, mang tính ổn định, lâu dài.
Thuế là một trong những quy định như vậy,
luật thuế là do Quốc hội ban hành, nhưng hành thuế bị chi phối chủ yếu bởi các
Thông tư của Bộ Tài chính và như thế theo tôi là không bảo đảm được tính chắc
chắn, tính ổn định, bảo vệ có hiệu quả quyền sở hữu tài sản của người dân. Vì mức
thuế là do luật quy định, nhưng các yếu tố quyết định tổng số thuế phải nộp lại
không chỉ phụ thuộc vào mức thuế, mà phụ thuộc vào nhiều thứ khác như giá tính
thuế.
Do đó về lâu dài, các thông tư – không
chỉ của Bộ Tài chính mà cả của các Bộ khác – phải bị hạn chế và riêng các quy định
về thuế thì phải hoàn toàn do luật quy định, nếu không một sự thay đổi về cách
giải thích có thể khiến một công ty sạt nghiệp, phá sản.
Thứ hai, việc
doanh nghiệp tận dụng được những lợi thế của chính sách và cả kẽ hở của chính
sách là điều hoàn toàn tự nhiên. Lách luật không phải là vi phạm luật, mà là họ
tuân thủ theo cách có lợi cho người ta. Nếu doanh nghiệp vi phạm thì phải chỉ
ra vi phạm điều nào, khoản nào, phải rất cụ thể. Nếu không vi phạm điều khoản
nào cả thì họ đang làm đúng pháp luật.
Cũng không có hệ thông luật pháp nào
không có kẽ hở. Tôi tin rằng hệ thống luật pháp của Việt Nam còn rất nhiều kẽ hở
ở rất nhiều văn bản, chẳng nhẽ cứ mỗi lần phát hiện ra lại bắt người dân gánh
chịu rủi ro này, khiến người dân bất an vì chẳng biết mình vi phạm pháp luật
lúc nào? Hoàn thiện luật pháp, bịt kẽ hở là chức năng của cơ quan nhà nước, chứ
không thể vì kẽ hở mà buộc người dân và doanh nghiệp phải gánh chịu chi phí.
Điều này khiến môi trường kinh doanh rất
rủi ro, đặc biệt là khi doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, khi luật chơi không ổn
định phụ thuộc vào nhiều cơ quan can thiệp. Tôi có trao đổi với nhiều nhà đầu
tư nước ngoài thì họ rất băn khoăn mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa, vì
họ rất sợ can thiệp hành chính.
Doanh nghiệp tư nhân cũng vậy, nếu ta
luôn luôn giải thích theo hướng có lợi cho cơ quan nhà nước thì họ không muốn sản
xuất lớn, lâu dài. Một thay đổi rất nhỏ, ví dụ rút ngắn thời hạn nộp thuế, có
thể khiến họ phá sản. Tính bất định, tính không tiên lượng được của áp dụng
chính sách đang là rủi ro lớn nhất với môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Sabeco là một doanh nghiệp tương đối lớn nên mới nói được, chứ giả sử đây là một
người dân bình thường, mà tôi tin là rất nhiều người dân gặp trường hợp này,
thì biết kêu ai?
Tôi rất muốn nhân trường hợp này để nói
lên yêu cầu bảo vệ tài sản của người dân tốt hơn, để họ yên tâm làm ăn hơn. Nếu
Sabeco đã niêm yết thì gặp trường hợp này, thì cổ đông có thể sẽ rút, giá cổ
phiếu sẽ sụt giảm. Không chỉ nhà đầu tư bị thiệt, các nhà cung cấp, phân phối
và những người tiêu thụ sẽ nghĩ sao?
Do đó, phải xem lại cách thức bảo vệ tài
sản của nhà đầu tư và một trong những cách đó là không bao giờ được đẩy rủi ro,
chi phí của kẽ hở pháp luật về cho người dân và doanh nghiệp. Nếu có kẽ hở thì
phải giải thích pháp luật theo hướng có lợi cho người dân và doanh nghiệp vì họ
là những người yếu thế hơn, đó là nguyên tắc phố biến của kinh tế thị trường.
TS Nguyễn Đình Cung
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
10,311
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN