
TienphongBank là một trong 10 ngân hàng
TMCP chưa giải ngân một đồng vốn nào cho vay hỗ trợ nhà ở theo gói 30.000 tỉ đồng
của Chính phủ - Ảnh: Lê Thanh
Nhiều người đi vay vốn để xây mới, sửa
chữa nhà theo gói tín dụng hỗ trợ của Chính phủ (chương trình gói tín dụng
30.000 tỉ đồng). Nhưng đến gõ cửa nhiều ngân hàng, cán bộ tín dụng không biết
có chính sách này, thậm chí còn tư vấn thẳng là người vay rất khó tiếp cận.
Để đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng ưu
đãi cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỉ đồng, theo chỉ đạo của Chính phủ tại nghị
quyết 61 năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành thông tư 32 bổ sung
quy định người vay có thể vay tối đa 700 triệu đồng để xây mới, sửa chữa nhà ở.
Theo đó, công chức, lực lượng vũ trang,
người lao động được vay vốn để mua nhà xã hội, nhà thu nhập thấp và xây, sửa chữa
nhà ở.
Tính đến nay, chính sách đã có hiệu lực
hơn 3 tháng nhưng nhiều ngân hàng chưa có hướng dẫn triển khai quy định này khiến
người vay gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn.
Cụ thể, theo NHNN, có 15 ngân hàng tham
gia cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở của Chính phủ. Cụ thể là các ngân hàng:
BIDV, Agribank, MHB, Vietinbank, Vietcombank, VPBank, SeaBank, TPBank, OCB,
Eximbank…
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê mà NHNN
vừa cung cấp cho Tuổi Trẻ, tính đến ngày 31-1, chỉ có 5 ngân hàng gồm BIDV,
Agribank, Vietcombank, VietinBank, MHB có dư nợ cho vay theo chương trình này,
còn 10 ngân hàng như SeaBank, TienphongBank… chưa cho vay được một đồng vốn
nào.
Riêng việc cho vay xây mới, sửa chữa nhà
ở thì phía NHNN cũng không cung cấp dư nợ cho vay đối với sản phẩm này là bao
nhiêu.
Gian
nan đi vay xây, sửa chữa nhà
Theo thông tin từ phía khách vay, nhiều
cán bộ công chức kêu trời vì không thể vay được. Lý do là từ phía ngân hàng từ
chối.
Chị Lưu Hải Phương (Hà Đông, Hà Nội) cho
biết cách đây vài hôm chị có đến chi nhánh Ngân hàng Đông Nam Á (SeaBank) trên
phố Đội Cấn (Hà Nội) hỏi vay 200 triệu đồng trong 2 năm để xây nhà mới theo chương
trình hỗ trợ nhà ở của Chính phủ. Thế nhưng, cán bộ tín dụng của chi nhánh này
cho hay là phải đợi hai tuần nữa ngân hàng mới có hướng dẫn cho vay cụ thể.
“Đại diện ngân hàng nói thẳng rằng vay được
vốn từ gói này là không dễ vì điều kiện quá chặt chẽ. Với trường hợp của tôi
vay có 200 triệu mà chỉ trong 2-3 năm thì càng khó hơn vì số lượng vay quá ít
và thời gian lại ngắn nữa. Thêm nữa, nếu trả trước hạn thì tôi còn bị phạt.
Tôi băn khoăn tại sao ngân hàng lại phạt
người dân nếu trả trước? Vì đây là gói tín dụng ưu đãi của Chính phủ chứ không
phải gói vay thương mại của ngân hàng. Do đó, nên khuyến khích người vay trả nợ
trước hạn để ai chưa được vay sẽ có cơ hội thụ hưởng chính sách tốt đẹp này” -
chị Phương chia sẻ.
Chung tâm trạng, chị Hà Thu Hiền (Thanh
Xuân, Hà Nội) cho biết vừa đến hội sở của TienphongBank nằm trên phố Lý Thường
Kiệt (Hà Nội) để vay 300 triệu đồng sửa nhà theo gói hỗ trợ cho vay nhà ở của
Chính phủ.
Cán bộ tín dụng của ngân hàng này nói với
chị Hiền rằng họ không biết gói tín dụng ưu đãi của Chính phủ cho vay để xây, sửa
nhà ở. Do đó, họ chỉ tập trung giới thiệu gói cho vay tín dụng tiêu dùng của
TienphongBank.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TienphongBank thừa
nhận hiện ngân hàng này đang xem xét phê duyệt văn bản hướng dẫn triển khai gói
tín dụng của Chính phủ về cho vay xây mới, sửa chữa nhà.
Chương trình tín dụng
30.000 tỉ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội được triển khai từ tháng 6-2013. Theo số
liệu mới nhất do NHNN cung cấp, dư nợ cho vay đạt xấp xỉ 5.400 tỉ đồng, bằng
xấp xỉ 18% tổng gói tín dụng chương trình này. Đây là tổng dư nợ của 5
ngân hàng triển khai đợt đầu gồm BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank,
MHB, còn 10 ngân hàng TMCP triển khai đợt sau như TienphongBank, SeaBank, Bảo
Việt, Saigonbank, PVCombank... chưa giải ngân được một đồng vốn nào theo chương
trình này. |
LÊ THANH
Theo
Tuổi Trẻ
3,983
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN