
Các dự án đã thực hiện một phần
công việc sẽ không bị cắt giảm kế hoạch vốn đã giao. Ảnh: Internet.
Ngày 10-9-2013, Bộ Tài
chính ban hành văn bản số 12067/BTC-HCSN về việc điều hành chi ngân sách nhà nước
năm 2013. Theo đó, sẽ thu hồi vốn đối với các dự án đầu tư được bố trí kế hoạch
vốn năm 2013, đến 30-6-2013 chưa triển khai thủ tục thanh toán như: chọn thầu,
ký hợp đồng, nghiệm thu khối lượng hoàn thành... hoặc chưa gửi hồ sơ đề nghị
thanh toán đến Kho bạc Nhà nước nhưng chưa có cam kết với Kho bạc Nhà nước về
những công việc nêu trên.
Theo kiến nghị của một số
địa phương, việc quy định như vậy là không phù hợp vì kế hoạch vốn được giao là
để thực hiện trong cả năm và nếu không thu hồi thì địa phương sẽ chủ động điều hành
giải ngân trước 31-12-2013.
Bên cạnh đó, các dự án
đến 30-6-2013 chưa được giải ngân kế hoạch vốn do nhiều lý do như: Nhà thầu thi
công hoàn ứng khối lượng năm trước; Dự án giải quyết những vướng mắc trong quá trình
thi công; Chưa điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án; Dự án được bố trí kế hoạch
vốn từ đầu năm nhưng trong năm địa phương đã huy động được nguồn vốn khác đầu
tư cho dự án nhưng chưa thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn cho dự án còn thiếu
vốn. Do đó, có ý kiến đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh nội dung văn bản nêu trên
cho phù hợp với các địa phương khó khăn.
Bộ Tài chính cho biết,
ngày 10-9-2013, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản số 12067/BTC-HCSN về việc điều hành chi ngân sách nhà nước
năm 2013. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại công văn số
9500/VPCP-KTTH ngày 11-11-2013 của Văn phòng Chính phủ về việc hướng dẫn thực
hiện Chỉ thị 09/CT-TTg ngày 24-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ),
Bộ Tài chính đã có văn bản số 15441/BTC-HCSN ngày 11-11-2013 hướng dẫn bổ sung một số
nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối tượng vốn
đầu tư thực hiện cắt giảm, thu hồi gồm: Vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước
được giao kế hoạch đầu năm 2013 theo Quyết định số 1902/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1756/QĐ-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Quyết định
của Ủy ban nhân dân các cấp.
Đối tượng vốn đầu tư thực
hiện cắt giảm, thu hồi không bao gồm: Vốn ứng trước; vốn năm trước được phép
kéo dài; vốn CK; vốn trái phiếu Chính phủ; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia; vốn
phòng chống lụt, bão, thiên tai; vốn ngoài nước (ODA); vốn đối ứng các dự án
ODA. Vốn ngân sách nhà nước được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc bổ sung kế
hoạch trong năm 2013; và vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước như: vốn quảng
cáo truyền hình, vốn Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quỹ bảo trì đường bộ, vốn thực
hiện theo cơ chế tài chính đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định...
Theo Bộ Tài chính, vốn
đầu tư thuộc các đối tượng nêu trên đã phân bổ cho các dự án nhưng đến ngày
30-6-2013 chưa triển khai thực hiện các công việc của dự án theo quy định quản
lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành, do đó yêu cầu các bộ, cơ quan trung
ương và địa phương thực hiện cắt giảm kế hoạch vốn đã giao để bổ sung dự phòng
ngân sách nhà nước, Kho bạc Nhà nước không thanh toán các khoản vốn này.
Đối với vốn đầu tư thuộc
các đối tượng nêu trên đã phân bổ cho các dự án đến ngày 30-6-2013 đã thực hiện
được một trong các công việc để thực hiện dự án theo quy định quản lý vốn đầu
tư xây dựng cơ bản hiện hành thì được sử dụng và thanh toán vốn, không cắt giảm
kế hoạch vốn đã giao. Đối với các dự án trong năm được cấp có thẩm quyền điều
chỉnh tăng kế hoạch vốn thì kế hoạch vốn tăng này được sử dụng, thanh toán vốn.
Được biết, trước đó, Bộ
Tài chính đã có văn bản hướng dẫn các địa phương, những dự án đầu tư được bố
trí kế hoạch vốn năm 2013 nhưng tới hết ngày 30-6-2013 vẫn chưa triển khai một số
thủ tục cần thiết sẽ bị thu hồi vốn để đảm bảo quản lý ngân sách chặt chẽ hơn.
Với những công trình mới
được khởi công trong năm 2013 của các địa phương, bộ, ngành nhưng tới hết
30-6-2013 các đơn vị, cơ quan chưa tới Kho bạc Nhà nước mở tài khoản giao dịch,
cũng sẽ thu hồi vốn.
Ngoài ra, để siết quản lý
chi ngân sách, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị rà soát các chương trình,
dự án, đề tài được bố trí ngân sách nhưng tới hết quý 3 chưa triển khai thực
hiện để đề nghị tạm dừng, chưa thực hiện.
Cũng tại công văn này, để
tăng cường tiết kiệm chi, Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan, đơn vị siết lại đặc
biệt là việc mua sắm xe công, chi phí điện, nước, văn phòng phẩm, xăng dầu hay những
khoản dành cho tổ chức lễ hội, tổng kết, ký kết...
Đặc biệt, Bộ Tài chính đề
nghị các đơn vị rà soát triệt để giúp ngăn chặn tình trạng kết hợp đi công tác
với tham quan, du lịch. Những đoàn công tác, nghiên cứu học tập trong và ngoài nước
cũng là những đối tượng được Bộ Tài chính nhắc tới trong danh sách đề nghị cần
rà soát kỹ lưỡng để tiết kiệm chi.
Minh Anh
Theo Báo Hải quan
3,344
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN