
Tăng cường lấy mẫu kem chống nắng để kiểm tra chỉ số SPF (Hình từ internet)
Ngày 19/5/2025, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có Công văn 1372/QLD-MP năm 2025 về việc tăng cường công tác quản lý mỹ phẩm đối với sản phẩm chống nắng.
 |
Công văn 1372/QLD-MP |
Tăng cường lấy mẫu kem chống nắng để kiểm tra chỉ số SPF
Cụ thể, theo Công văn 1372/QLD-MP thì Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện các nội dung tại các văn bản đã nêu tại Công văn 1372 và tăng cường công tác quản lý mỹ phẩm đối với sản phẩm mỹ phẩm chống nắng, cụ thể như sau:
- Rà soát các phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm có công bố tính năng, công dụng chống nắng đã được tiếp nhận, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định hiện hành về quản lý mỹ phẩm; Thu hồi các số tiếp nhận phiếu công bố không đáp ứng quy định;
- Chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra việc ghi nhãn, quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm chống nắng trên địa bàn;
- Chỉ đạo Trung tâm kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu mỹ phẩm chống nắng để kiểm tra, xác định chỉ số SPF (Sun Protection Factor);
- Kịp thời báo cáo về Cục Quản lý Dược các mẫu mỹ phẩm chống nắng vi phạm để thu hồi, tiêu hủy và xử lý, xử phạt nghiêm theo quy định.
Ngoài ra, Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường thực hiện đúng các quy định về quản lý mỹ phẩm và thực hiện rà soát hồ sơ thông tin sản phẩm (Product Information File -PIF), phương pháp và kết quả xác định chỉ số SPF của sản phẩm, bảo đảm đầy đủ, chính xác, sẵn sàng cung cấp khi cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra chất lượng.
Rà soát nội dung phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm có ghi tính năng, công dụng chống nắng, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định hiện hành; rà soát nhãn sản phẩm ghi tính năng, công dụng chống nắng, chỉ số SPF, bảo đảm phù hợp với quy định ghi nhãn, nội dung chính xác, thống nhất với phiếu công bố và tuân thủ Hướng dẫn của ASEAN về ghi nhãn sản phẩm mỹ phẩm chống nắng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt về công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái kém chất lượng trong thời gian này qua các Công điện và Chỉ thị dưới đây:
- Công điện 55/CĐ-TTg ngày 02/05/2025 về việc tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả;
- Công điện 65/CĐ-TTg ngày 15/05/2025 về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
- Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 17/05/2025 về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Quy định về quảng cáo mỹ phẩm mà các nhà sản xuất, nhà bán hàng phải tuân thủ
- Quảng cáo mỹ phẩm được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, truyền thanh, trang thông tin điện tử (Internet, Website), sách, báo, tạp chí, tờ rơi, pano, áp phích, vật thể trên không, vật thể dưới nước hoặc các phương tiện quảng cáo khác do đơn vị kinh doanh mỹ phẩm thực hiện hoặc tài trợ, uỷ quyền cho đơn vị khác thực hiện và các hoạt động tổ chức hội thảo, thông tin, giới thiệu sản phẩm mỹ phẩm.
- Các đơn vị chỉ được phép quảng cáo, tổ chức hội thảo, sự kiện giới thiệu các sản phẩm mỹ phẩm khi có Phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo, tổ chức hội thảo, sự kiện giới thiệu mỹ phẩm theo quy định của pháp luật.
- Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu chứng minh tính an toàn và hiệu quả của mỹ phẩm và phải tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của ASEAN.
(Điều 21 Thông tư 06/2011/TT-BYT)
Đề xuất các từ và cụm từ bị cấm sử dụng khi quảng cáo mỹ phẩm
Cụ thể, tại Điều 33 dự thảo Nghị định quy định về quản lý mỹ phẩm đã đề xuất các từ và cụm từ bị cấm sử dụng khi quảng cáo mỹ phẩm như sau:
- Các từ :
“điều trị”, “tiệt trừ”, “chuyên trị”, “hàng đầu”, “đầu bảng”, “đầu tay”, “lựa chọn”, “chất lượng cao / tuyệt hảo / tuyệt vời / cực kỳ”, “bảo đảm / đảm bảo 100%”, “an toàn”, “dứt”, “cắt đứt”, “chặn đứng”, “giảm ngay”, “giảm liền”, “giảm tức thì”, “khỏi ngay”, “khỏi hẳn”, “chữa bệnh”, “tốt nhất”, “duy nhất”, “nhất”, “trị nám vĩnh viễn trong 7 ngày”, “trị mụn, trắng da “thần tốc”, “kem trị nám, mỹ phẩm “tự nhiên 100%”, “trắng da cấp tốc / siêu tốc”, “khỏi”, “khỏi hẳn”
- Các cụm từ :
Chữa viêm da, giảm dị ứng, diệt nấm, diệt virus, sản phẩm kích thích mọc tóc/mọc lông mi, sản phẩm loại bỏ/giảm mỡ/giảm béo/giảm kích thước của cơ thể, sản phẩm giảm cân, ngăn ngừa/dừng sự phát triển của lông, sản phẩm dừng quá trình ra mồ hôi, mực xăm vĩnh viễn, sản phẩm xóa sẹo, giảm sẹo lồi, sản phẩm làm sạch vết thương và các từ, cụm từ có ý nghĩa tương tự
Ngoài ra còn có các cụm từ không được chấp nhận trong công bố tính năng và tên sản phẩm quy định tại Phần 2. Công bố tính năng mỹ phẩm Phụ lục số 02 ban hành kèm theo dự thảo Nghị định.
Xem thêm tại dự thảo Nghị định.
8