Khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa Nghị định 24 về kinh doanh vàng trong quý II năm 2025

Tại Nghị quyết 124/NQ-CP năm 2025, đã yêu cầu khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa Nghị định 24 về kinh doanh vàng trong quý II năm 2025.

Khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa Nghị định 24 về kinh doanh vàng trong quý II năm 2025

Ngày 08/05/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết 124/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2025.

Theo nội dung tại nhiệm vụ về ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:

(1) Điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng tín dụng năm 2025 ít nhất đạt khoảng 16%.

(2) Tăng cường quản lý thị trường vàng, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định; khẩn trương trình Chính phủ trong quý II năm 2025 Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

(3) Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực quản trị và chất lượng nguồn nhân lực; tập trung nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính, đầu tư các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, tác động lan tỏa, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kém hiệu quả.

Ngoài ra, cũng tại Nghị quyết 124/NQ-CP năm 2025, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao:

- Theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiên quyết hoàn thành các chỉ tiêu của ngành, lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý được Chính phủ giao tại Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 05/02/2025, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.

- Chuẩn bị phương án, lộ trình điều chỉnh giá phù hợp một số mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá trên cơ sở đánh giá tổng thể, kỹ lưỡng tác động của việc điều chỉnh giá đến lạm phát, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân để bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Xem thêm tại Nghị quyết 124/NQ-CP năm 2025.

Khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa Nghị định 24 về kinh doanh vàng trong quý II năm 2025

Khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa Nghị định 24 về kinh doanh vàng trong quý II năm 2025 (Hình từ internet)

Nguyên tắc quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo Nghị định 24 năm 2012

Hiện hành, theo Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định nguyên tắc quản lý hoạt động kinh doanh vàng như sau:

(1) Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật.

(2) Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

(3) Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

(4) Quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng, bảo đảm hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu theo quy định của pháp luật.

(5) Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vàng phải tuân thủ các quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

(6) Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

(7) Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

(8) Hoạt động phái sinh về vàng của các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo Điều 105 Luật Các tổ chức tín dụng.

(9) Các hoạt động kinh doanh vàng khác, trừ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu trong nước của doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và các hoạt động quy định tại (6), (7) và (8), là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép.

40

tin noi bat
Tin mới
Các tin khác