
Nghị quyết 66: Có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp phát triển cung cấp tiện ích số trong lĩnh vực pháp luật (Hình từ Internet)
Có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp phát triển cung cấp tiện ích số trong lĩnh vực pháp luật
Theo Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30/4/2025, Bộ Chính trị chủ trương một số nội dung về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Theo đó, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Cụ thể như sau:
- Ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số đồng bộ trong phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, đăng ký biện pháp bảo đảm; lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật vào phong trào “học tập số”. Có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số phát triển, cung cấp các dịch vụ, tiện ích số trong lĩnh vực pháp luật.
- Ưu tiên nguồn lực xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”, liên thông, dễ khai thác, dễ sử dụng, an toàn thông tin và bí mật nhà nước. Bố trí kịp thời, đủ kinh phí để xây dựng, triển khai ngay Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật và Đề án ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
- Áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đối với hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật
Cũng theo Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30/4/2025, Bộ Chính trị chỉ đạo thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật như sau:
- Đổi mới cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách dành cho công tác xây dựng pháp luật trên nguyên tắc kịp thời, đúng, đủ và gắn với khoán chi theo kết quả, sản phẩm của từng nhiệm vụ, hoạt động. Người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ, hoạt động xây dựng pháp luật được quyền chủ động và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí được giao.
- Bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật do ngân sách nhà nước bảo đảm, kết hợp nguồn kinh phí xã hội hóa hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong nước, góp phần hỗ trợ, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật; bảo đảm hiệu quả, gắn với quản lý công khai, minh bạch, phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách.
- Bố trí nguồn ngân sách phù hợp, tương xứng cho công tác tổ chức thi hành pháp luật. Ưu tiên nguồn lực tương xứng cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đối tượng đặc thù, yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số.
Xem thêm tại Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30/4/2025.
Lê Quang Nhật Minh
9
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN