Trong mỗi kỳ QH, phiên chất vấn đều được mong đợi là nóng nhất.
Vì ở đó có hỏi và trả lời chứ không xếp hàng mỗi người nói 7 phút như phiên thảo
luận. Ở đó, năng lực và cá tính của người hỏi và người trả lời được bộc lộ.

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang chất vấn Bộ trưởng TT&TT về tình trạng lá
cải trong báo chí.Ảnh: Minh Thăng
Chả thế mà không ít ĐB dù được báo chí săn đón bên lề vẫn ém
câu hỏi hay để tung ra đúng lúc. Gói gọn trong 2 phút nhưng không kỳ nào thiếu
câu hỏi hay. Kỳ này cũng không ít câu hỏi sắc và xóc.
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) hai lần hỏi có hay không tham nhũng
trong chính ngành nội vụ. ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu hội chứng lực lượng
mỏng của các cơ quan nhà nước, trong khi ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) khẳng định
dày mỏng là không đều. ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) băn khoăn bổ nhiệm cán bộ có
phải tình hơn lý.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) hỏi điều gì khiến báo chí
chính thống trong nhiều sự kiện nóng phải chịu chậm chân hơn mạng xã hội. ĐB
Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) lo lắng tình trạng lá cải trong báo chí tràn
lan. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) băn khoăn về thực thi các quyền tự do khi
Việt Nam đã vào Hội đồng nhân quyền LHQ. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) hỏi có
bao nhiêu thỏ bị tuyên là gấu. ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề nghị đặt camera
giám sát hỏi cung.
Đó đều là những vấn đề đang nóng trong dư luận, là cơ hội để
các tư lệnh ngành trình bày những việc đã làm, những khó khăn cần hỗ trợ và những
dự định đang ấp ủ. Thậm chí là cơ hội để họ tạo dựng hình ảnh, gây dựng niềm
tin nơi hàng triệu cử tri đang theo dõi truyền hình trực tiếp.
Nhưng sức nóng ấy không đủ để lan đến người trả lời. Sự nguội
này bắt đầu ngay từ khâu lựa chọn bộ trưởng ra chất vấn, khi tiêu chí tạo điều
kiện cho những người ít xuất hiện đặt cao hơn giải đáp những bức xúc trong xã hội.
Một loạt tư lệnh ngành nhiều vấn đề chấn động chỉ phải ngồi ghế giải trình
thêm. Thậm chí, khi các ĐB truy trách nhiệm thủy điện xả lũ hại dân, Bộ trưởng
Công thương Vũ Huy Hoàng còn không có mặt để trả lời.
Nguội hơn nữa khi bộ trưởng, trưởng ngành đăng đàn đúng
nghĩa trả bài: trình bày tình hình, dẫn báo cáo, nêu số liệu, đọc nghị quyết, kể
đề án... Vì thế họ đều bị ĐB nhận xét là trả lời không trực diện, Bộ trưởng Nội
vụ còn được khen là thuộc nghị quyết.
Trả lời của các bộ trưởng, trưởng ngành không được hâm nóng cũng
là do ĐB chưa được truy vấn tới cùng. Có người đứng lên hỏi lại, có người sau hỏi
tiếp người trước, nhưng chưa vấn đề nào được tranh luận thấu đáo. Điều mà nhiều
ĐB kỳ vọng về một sự cải tiến trong điều hành chất vấn vẫn chưa được thực hiện
tại kỳ này.
Tuy vậy, nếu người trả lời cứ giữ cách trả bài như vậy, có
khi sự truy vấn lại thành việc đốt thời gian.
Hứa ít, khất nhiều
Đặc sản của mỗi lần chất vấn là những lời hứa, kỳ này lại vắng
bóng. Có những lời đặt hàngcủa Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng như Bộ NN&PTNT
cuối năm 2014 báo cáo tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ Nội vụ sớm trả lời 1% hay 30%
công chức cắp ô, nhưng không tư lệnh ngành nào chủ động hứa điều gì.
Không ít ĐB không hài lòng vì câu hỏi của mình bị khất. Không
phải khất trực tiếp bằng cách không trả lời, mà khất gián tiếp bằng nhiều cách.
Trả lời lòng vòng, lan man là một cách. Hai lần đặt câu hỏi
của ĐB Chu Sơn Hà đều rất rõ, nhưng Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình vẫn chỉ dẫn
văn kiện hội nghị Trung ương. Được hỏi về đạo đức xã hội xuống cấp, Bộ trưởng
Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hoàng Tuấn Anh lại giảng bài về văn hóa.
Cách khất thứ hai là đưa vào đề án. Bộ trưởng NN&PTNT Cao
Đức Phát có đề án về giống cây trồng, ứng dụng khoa học công nghệ... Bộ trưởng
Nội vụ có đề án tiền lương, thi tuyển, tinh giản biên chế... Chánh án Tòa án
NDTC Trương Hòa Bình cũng có đề án đào tạo thẩm phán, tổ chức tòa án...
Mà đề án thì không biết bao giờ mới triển khai, bài ca
"sắp tới" vẫn được các tư lệnh ngành áp dụng mỗi khi trả bài QH. Vì
thế mà các ĐB dù không muốn vẫn đành hỏi lại những câu hỏi cũ.
Vì như ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) chia sẻ: "Cử tri dặn
tôi vào nghị trường cố gắng đem tiếng nói, tâm tư và nguyện vọng của họ để chất
vấn các bộ trưởng, trưởng ngành và những người có thẩm quyền về trách nhiệm. Cử
tri chưa nhận được câu trả lời nên họ vẫn sẽ hỏi lại.
Chung Hoàng
Theo Vietnamnet
2,656
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN