
Nhiều ý kiến đề xuất, nên phạt tiền thật
nặng thay vì phạt tù đối với trường hợpgây TNGT chết người nhưng không cố ý
Bà Lê Thị Thu Ba, Phó Chánh Văn phòng T.Ư
Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư đặt vấn đề như
trên khi trao đổi với Báo Giao thông về đề xuất tăng phạt tiền, giảm phạt tù
khi sửa đổi Bộ luật hình sự (BLHS).
Hạn
chế hình phạt tù
Trước đó, trao đổi với PV Báo Giao
thông, ông Phạm Quý Tỵ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, thành viên tổ biên tập Dự
thảo BLHS sửa đổi cho biết, trong lần sửa đổi này sẽ tập trung xem xét sửa đổi
các điều luật về phạt cảnh cáo, phạt tiền và cải tạo không giam giữ. Quan điểm
của dự thảo hướng tới là hạn chế hình phạt tù, tăng hình phạt tiền và cải tạo
không giam giữ.
ĐBQH Đỗ Văn Đương cho rằng, cần phải đánh giá tổng thể các yếu tố, không chỉ là vấn đề tội danh ít nghiêm trọng hay nghiêm trọng. Cần phải đánh giá xem nếu phạt tiền, nếu để người vi phạm ngoài xã hội thì người ta còn có khả năng phạm tội nữa hay không. Nếu xét thấy để ngoài xã hội mà không phạm tội nữa thì có thể phạt tiền được, còn không thì nhất định phải phạt tù. |
Riêng đối với hình phạt tiền, ông Tỵ cho
rằng đây là hình phạt được quan tâm nhiều nhất trong lần sửa đổi này. “Về đề xuất
tăng hình phạt tiền, lần này có một vài quy định mới so với luật hiện hành. Cụ
thể, hình phạt này sẽ được mở rộng với loại tội phạm “nghiêm trọng” (cao nhất 7
năm tù) thay vì chỉ áp dụng với loại tội phạm “ít nghiêm trọng” (cao nhất 3 năm
tù) như luật hiện hành. Bên cạnh đó, nhằm khắc phục tình trạng tòa án tuyên phạt
hình phạt tiền nhưng các bị cáo chây ỳ không nộp phạt, dự thảo lần này sẽ đưa
ra quy định trong một thời gian nhất định nào đó mà bị cáo không nộp tiền thì sẽ
chuyển hình phạt tiền thành hình phạt tù.
Theo ông Tỵ, một số nước trên thế giới
quy định: Nếu chuyển từ phạt tiền sang phạt tù thì họ sẽ tính trên ngày công
lao động, ngày thu nhập lao động, nhưng ở Việt Nam thì việc tính ngày công lao
động hay tính theo lương tối thiểu cũng đều rất khó khăn.
Không
đủ tiền đóng phạt: bắt lao động công ích
Theo bà Lê Thị Thu Ba, theo tinh thần của
Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị thì đây là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước.
Nghị quyết 49 cũng nêu rõ, phải đề cao việc phòng ngừa và xử lý người phạm tội
theo tính hướng thiện, những tội cần thiết mới đưa vào tù, cách ly khỏi xã hội;
Còn những tội ít nghiêm trọng hay tội do vô ý thì không cần thiết.
Bà Lê Thị Thu Ba cho rằng, với một tội
như vô ý gây TNGT làm chết người thì điều quan trọng là làm sao khắc phục được
hậu quả, giúp đỡ gia đình nạn nhân, chứ không nhất thiết phải áp dụng hình phạt
tù. Nhưng riêng với những trường hợp cố tình vi phạm Luật Giao thông, đâm vào
người khác rồi còn cố tình lùi xe để làm nạn nhân chết hẳn thì chắc chắn phải xử
tù.
“Nếu tăng phạt tiền mà chúng ta lo sợ
tính răn đe không cao thì nên phạt tiền thật nặng. Không có đủ điều kiện đóng
phạt thì bắt họ lao động theo cách nào đó. Tuy nhiên, những điều này cần phải
nghiên cứu kỹ, vì đây mới chỉ là xây dựng chính sách, cụ thể như thế nào phải
xem xét tổng thể. Nhiều trường hợp sẽ không đủ khả năng đóng tiền phạt, khi ấy
sẽ lại phải nghiên cứu phương thức để chuyển đổi hình phạt cho phù hợp”, bà Ba nói.
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Đương, Thường
trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, vấn đề không phải tiền hay tù, mà nếu
nói áp dụng việc tăng phạt tiền, giảm phạt tù sẽ khiến nguy cơ tội phạm có khả
năng gia tăng vì người ta nghĩ chỉ cần có tiền là chạy được tội thì cũng chưa
hoàn toàn đúng. Bởi cũng có không ít người nghĩ rằng, mình phạm tội rồi, chỉ cần
“đi tù là xong”.
“Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta cần
phải có sự cân nhắc đối với việc áp dụng đề xuất này vào từng loại tội danh và
mức độ phạm tội. Đối với các tội như tội phạm về kinh tế, tham nhũng, chức vụ…
thì điều quan trọng nhất là phải thu hồi được tiền họ đã chiếm đoạt. Tỷ lệ thu
hồi được hiện vẫn rất thấp, chỉ khoảng 10%. Hay như tội vô ý gây tai nạn chết
người, đối với nạn nhân, điều quan trọng là phải có tiền cấp dưỡng cho những người
còn sống trong trường hợp họ còn con thơ, vợ dại, nên trường hợp này thích hợp
để áp dụng hình phạt tiền. Đưa vào tù trong những trường hợp này chỉ khiến họ mất
tự do, còn hậu quả họ gây ra lại không được khắc phục”, ông Đương phân tích.
Tuy nhiên, ông Đương cũng cho rằng, có
những loại tội phạm không bao giờ có thể áp dụng hình phạt tiền, ví dụ như dùng
vũ lực chiếm đoạt tài sản, giết người, hiếp dâm, làm ảnh hướng tới tính mạng và
sức khỏe người khác…
Hoài Thu
Theo
baogiaothong.vn
3,999
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN