Hướng dẫn trình tự thủ tục điều chuyển tài sản công từ 01/7/2025

Chính phủ ban hành Nghị định 186/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tài sản công. Theo đó hướng dẫn trình tự thủ tục điều chuyển tài sản công từ 01/7/2025.

Hướng dẫn trình tự thủ tục điều chuyển tài sản công từ 01/7/2025

Hướng dẫn trình tự thủ tục điều chuyển tài sản công từ 01/7/2025 (Hình từ Internet)

Hướng dẫn trình tự thủ tục điều chuyển tài sản công từ 01/7/2025

Theo khoản 1 Điều 42 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, tài sản công được điều chuyển trong các trường hợp sau đây:

- Khi có sự thay đổi về cơ quan quản lý, cơ cấu tổ chức, phân cấp quản lý;

- Từ nơi thừa sang nơi thiếu theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công do cơ quan, người có thẩm quyền quy định;

- Việc điều chuyển tài sản mang lại hiệu quả sử dụng cao hơn;

- Cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản nhưng không có nhu cầu sử dụng thường xuyên;

- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 21 Nghị định 186/2025/NĐ-CP, trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản công như sau:

(1) Khi có tài sản cần điều chuyển, cơ quan có tài sản công lập 01 bộ hồ sơ gửi cơ quan quản lý cấp trên (nếu có cơ quan quản lý cấp trên) xem xét, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền điều chuyển tài sản theo quy định tại Điều 20 Nghị định 186/2025/NĐ-CP xem xét, quyết định.

Hồ sơ đề nghị điều chuyển tài sản gồm:

(i) Văn bản đề nghị xử lý của cơ quan có tài sản công theo Mẫu số 01/TSC-XLTS: 01 bản chính.

(ii) Văn bản đề nghị được tiếp nhận tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tiếp nhận tài sản (trong đó thuyết minh cụ thể sự phù hợp của đề nghị tiếp nhận tài sản với quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 186/2025/NĐ-CP hoặc điều chuyển tạm thời trong thời gian cơ quan, tổ chức, đơn vị đang thực hiện đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; mục đích sử dụng tài sản sau khi tiếp nhận): 01 bản chính.

(iii) Văn bản đề nghị điều chuyển, tiếp nhận tài sản của cơ quan quản lý cấp trên (nếu có cơ quan quản lý cấp trên) (trong đó cơ quan quản lý cấp trên của cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu tiếp nhận tài sản phải có ý kiến cụ thể về sự phù hợp của đề nghị tiếp nhận tài sản với quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 186/2025/NĐ-CP hoặc điều chuyển tạm thời trong thời gian cơ quan, tổ chức, đơn vị đang thực hiện đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; mục đích sử dụng tài sản sau khi tiếp nhận): 01 bản chính.

(iv) Văn bản đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (trong trường hợp điều chuyển tài sản cho tổ chức hội trực thuộc Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) hoặc Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh (trong trường hợp điều chuyển tài sản cho tổ chức hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh) hoặc Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã (trong trường hợp điều chuyển tài sản cho tổ chức hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã): 01 bản chính.

(v) Văn bản của tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương xác nhận không có quỹ nhà, đất phù hợp để cho tổ chức hội thuê (trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Nghị định 186/2025/NĐ-CP và áp dụng tại địa phương có tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà): 01 bản sao.

(vi) Các hồ sơ khác có liên quan đến đề nghị điều chuyển tài sản (nếu có): 01 bản sao.

Trong trường hợp điều chuyển tài sản do có sự thay đổi về cơ quan quản lý, cơ cấu tổ chức, phân cấp quản lý thì hồ sơ đề nghị điều chuyển tài sản gồm hồ sơ tại các điểm a, điểm e khoản này và văn bản đề nghị điều chuyển tài sản của cơ quan quản lý cấp trên (nếu có cơ quan quản lý cấp trên) của cơ quan có tài sản công. Sau khi hoàn thành bàn giao, tiếp nhận, cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận tài sản điều chuyển có trách nhiệm bố trí sử dụng tài sản theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công được cơ quan, người có thẩm quyền ban hành; đối với tài sản dôi dư hoặc thuộc trường hợp phải xử lý theo quy định của Luật và Nghị định này, cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận tài sản điều chuyển có trách nhiệm lập hồ sơ, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý theo quy định.

(2) Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Điều 20 Nghị định 186/2025/NĐ-CP quyết định điều chuyển tài sản công hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị điều chuyển không phù hợp.

(3) Nội dung chủ yếu của Quyết định điều chuyển tài sản công gồm:

- Cơ quan có tài sản điều chuyển.

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được nhận tài sản điều chuyển.

- Danh mục tài sản điều chuyển (tên tài sản; số lượng; diện tích (đối với tài sản là đất, nhà); nguyên giá, giá trị còn lại theo sổ kế toán; mục đích sử dụng hiện tại và mục đích sử dụng sau khi điều chuyển trong trường hợp việc điều chuyển gắn với việc chuyển đổi công năng sử dụng tài sản; lý do điều chuyển).

- Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

(4) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định điều chuyển tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan có tài sản điều chuyển và cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được nhận tài sản điều chuyển có trách nhiệm:

- Tổ chức bàn giao, tiếp nhận tài sản; việc tổ chức bàn giao, tiếp nhận tài sản được lập thành biên bản theo Mẫu số 02/TSC-BBGN ban hành kèm theo Nghị định này.

- Thực hiện hạch toán giảm, tăng tài sản theo chế độ kế toán hiện hành. Cơ quan nhà nước được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép áp dụng cơ chế tài chính riêng (thực hiện giao vốn, trích khấu hao tài sản cố định) hoặc áp dụng, vận dụng theo cơ chế tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật thì thực hiện hạch toán đối với phần giá trị còn lại của tài sản thu hồi theo quy định về hạch toán áp dụng đối với việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp.

- Thực hiện đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật; báo cáo kê khai biến động tài sản theo quy định.

(5) Chi phí hợp lý có liên quan trực tiếp đến việc bàn giao, tiếp nhận tài sản do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận tài sản chi trả theo quy định.

(6) Trường hợp điều chuyển tài sản công quy định tại điểm b khoản 2 Điều 20 Nghị định 186/2025/NĐ-CP:

- Sau khi tiếp nhận tài sản, doanh nghiệp có trách nhiệm thuê doanh nghiệp thẩm định giá để thẩm định giá tài sản. Căn cứ danh mục và thực trạng tài sản điều chuyển, căn cứ kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan, người có thẩm quyền quyết định ghi tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp quyết định giá trị tài sản để ghi tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Việc sử dụng chứng thư thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

- Không xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị tài sản để thực hiện ghi tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; doanh nghiệp được tiếp nhận tài sản điều chuyển có trách nhiệm thực hiện thủ tục hành chính về đất đai và nộp tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

- Không điều chuyển trụ sở làm việc sang doanh nghiệp để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản; không sử dụng trụ sở làm việc đã tiếp nhận điều chuyển để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản.

Trường hợp sau khi tiếp nhận tài sản điều chuyển, doanh nghiệp không còn nhu cầu sử dụng làm trụ sở, địa điểm kinh doanh thì doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện thủ tục trả lại cho Nhà nước để thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai.

(7) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương thực hiện thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật về đất đai trong trường hợp điều chuyển trụ sở làm việc để hoàn thành việc thực hiện Quyết định điều chuyển của cơ quan, người có thẩm quyền.

Trên đây là nội dung hướng dẫn trình tự thủ tục điều chuyển tài sản công theo Nghị định 186/2025/NĐ-CP từ 01/7/2025.

15

tin noi bat
Tin mới
Các tin khác