
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tiếp và giải quyết vụ
khiếu nại của bà Nhữ Thị Thơm. Ảnh: VIỆT DŨNG
Hiểu sai, kéo dài vụ khiếu nại
Phó Chủ tịch UBND quận 3 Hà Phước Thắng báo cáo vụ
việc với Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, nêu rõ: Căn nhà 152, 154 Trần
Quang Diệu, phường 14 (quận 3) do gia đình bà Nhữ Thị Thơm kê khai nguồn gốc
xây dựng và sử dụng từ năm 1942. Diện tích đất của 2 căn nhà là hơn 370m²,
trong đó căn 154 đã xây dựng hơn 300m², còn căn 152 là kho chứa VLXD. Năm 1978,
UBND TPHCM ra quyết định quản lý 2 căn nhà này, nhưng vẫn để gia đình bà Thơm
được sử dụng. Đến năm 1991, UBND TP có Quyết định 523/QĐ-UB không quản lý 2 căn
nhà này. Kiểm tra nguồn gốc nhà đất, UBND quận 3 và Sở Xây dựng thấy hồ sơ, tài
liệu thể hiện đất thuộc sở hữu của chế độ cũ, còn nhà chỉ có phần tự khai xây dựng
của căn 154, nên đã nhiều lần ra văn bản không cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu
nhà và quyền sử dụng đất của 2 căn nhà trên cho gia đình bà Thơm. Bà Thơm đã
nhiều lần làm đơn khiếu nại lên cấp có thẩm quyền, nhưng hơn 20 năm qua không
được giải quyết.
Trong lúc nghe đại diện UBND quận 3 báo cáo, đồng chí
Lê Thanh Hải chú ý đến cụm từ nêu trong một văn bản: “Nhà nước không thanh lý
căn nhà số 154 Trần Quang Diệu, quận 3 và nền kho gia đình làm nơi chăn nuôi…”.
“Nền kho có phải căn nhà 152 không?” - đồng chí Lê Thanh Hải hỏi. “Dạ đúng” -
đại diện Sở Xây dựng trả lời. Sau khi đại diện các sở ngành đưa ra tài liệu, hồ
sơ và giải thích thêm về nguồn gốc đất và nhà tại địa chỉ 154, đồng chí Lê
Thanh Hải nói: “Chữ “và” ở đây đã nói lên thực chất 2 căn nhà trên là một. Nếu
không hiểu đúng vấn đề sẽ không giải quyết được tận gốc”. Trình bày quan điểm
của mình, đại diện UBND quận 3 và Sở Xây dựng vẫn cho rằng, do bà Thơm không xác
định được nguồn gốc đất của ai, và tài liệu đều khẳng định thuộc sở hữu của chế
độ cũ, nên 2 căn nhà trên phải được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước để quản
lý. Trong khi đó, đại diện Sở Tư pháp và Sở Tài nguyên - Môi trường TP lại đưa
ra quan điểm khác có yếu tố xét đến thực tế và lịch sử, không thể hiểu theo
cách suy diễn, hoặc vận dụng quy định pháp luật để giải quyết vụ việc khiếu nại
hơn 20 năm qua của gia đình bà Thơm.
Áp dụng pháp luật để giải quyết vụ việc
Đó là quan điểm của Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh
Hải đưa ra khi gặp bà Thơm và yêu cầu các sở ngành nói rõ các quy định pháp
luật hiện hành đối với 2 căn nhà này. Giám đốc Sở Tư pháp TP Ung Thị Xuân Hương
nói: “Theo Điều 8, Nghị quyết 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 2-4-2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc
hội thì người đang trực tiếp sử dụng nhà và đất được để lại thuộc diện Nhà nước
quản lý theo quy định của chính sách cải tạo nhà đất được thực hiện các quyền
và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật”.
Đại diện Văn phòng Tiếp công dân TP cũng đồng tình
với quan điểm này và nêu quy định của Luật Đất đai năm 2003, khoản 1, Điều 50
nói rõ: “Hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng đất ổn định từ trước ngày 15-10-1993,
không có tranh chấp và phù hợp với quy hoạch thì được cấp giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất…”.
“Như vậy là đã rõ rồi. Các cơ quan chức năng phải áp
dụng pháp luật để giải quyết vụ việc với tinh thần có lợi nhất cho người dân” -
đồng chí Lê Thanh Hải chỉ đạo. Kết luận vụ việc với gia đình bà Thơm, đồng chí
Lê Thanh Hải khẳng định: “Trong trường hợp không phát sinh thêm những văn bản
nào của cơ quan hành chính nhà nước mà trái với hồ sơ, tài liệu đang được cơ
quan chức năng xem xét và không xảy ra tranh chấp, khiếu kiện gì, các cấp chính
quyền TP sẽ giải quyết cấp giấy chứng nhận nhà đất cho bà trong thời gian sớm nhất…”.
Nghe đến đây, bà Thơm nghẹn lời, nắm chặt tay đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Lê
Thanh Hải: “Được vậy, gia đình tôi mừng lắm…”.
Hoài Nam
Theo Sài Gòn Giải Phóng
4,051
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN