Các lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh biên giới đã
kiên cường chống trả, ngăn chặn bước tiến của quân TQ, lớp lớp người đã ngã xuống
để bảo vệ từng tấc biên cương của Tổ quốc. Cuộc chiến ấy đã gây ra những tổn thất
to lớn và để lại những tổn thương lâu dài trong quan hệ Việt-Trung mà phải mất
rất nhiều thời gian sau này hai bên mới có thể dần hàn gắn.
Nhân ngày này, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ
Ngoại giao Lê Công Phụng đã dành cho Pháp
Luật TP.HCM một cuộc trò chuyện thẳng thắn, cởi mở xoay quanh sự kiện
này. Qua câu chuyện, vị cán bộ ngoại giao kỳ cựu này bày tỏ khát vọng hòa bình
của nhân dân hai nước cũng như những suy nghĩ về bước đi để hai bên khép lại
quá khứ, hướng tới tương lai.
. Phóng viên: Thưa ông, niềm
vui thống nhất Tổ quốc chưa bao lâu thì chúng ta phải bước vào cuộc chiến bảo vệ
biên giới Tây Nam, rồi biên giới phía Bắc. Cả hai cuộc chiến đều liên quan tới
TQ. Được biết ông sang làm ở Đại sứ quán tại TQ từ năm 1978, ông có thể giúp bạn
đọc hình dung những căng thẳng trong quan hệ Việt-Trung lúc đó?
+ Ông Lê Công Phụng: Tôi làm ba năm,
1978-1980, thấy quan hệ hai nước xấu đi quá nhanh, chính mình cũng không hiểu nổi.
Những va vấp với nhau trước đó đã có nhưng không nhiều. Nhất
là mới sau 1975, ta thắng Mỹ, nhân dân TQ rất phấn khởi, yêu mến, chia sẻ niềm
vui thắng lợi của ta. Thế nhưng tình hình chuyển biến rất nhanh. Chuyến du lịch
ngoại giao đoàn cuối cùng mà TQ tổ chức cho đoàn Việt Nam (VN), giữa 1978, kéo
dài có vài ngày thôi mà thái độ cán bộ của họ đã thay đổi đến ngỡ ngàng. Những
ngày đầu còn thân thiện, ân cần thì tới ngày cuối, khi chúng tôi trở về Bắc
Kinh, cán bộ họ đã quay lại chất vấn đại sứ mình rất nhiều chuyện.
Đấy là những người không hiểu, không thông cảm với VN hoặc họ
chịu sự chỉ đạo của cấp trên. Còn với những người thông hiểu tình hình, vốn rất
thân thiết với mình thì giờ bỗng giãn ra. Họ không nói gì xấu mình nhưng né
tránh tiếp xúc. Những người như thế, bản thân họ cũng vô cùng lúng túng, dằn vặt
tâm trí.

Cuộc chiến
tháng 2-1979 đối với VN là cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. Đó là một
cuộc chiến tàn khốc, để lại hậu quả lâu dài. Hành quân lên biên
giới. Ảnh: Mạnh Thường
Những vách ngăn phía sau cuộc chiến
. Quan hệ quốc tế suy cho cùng vẫn là vấn đề lợi ích. Giờ
có độ lùi lịch sử nhất định, có thể đánh giá TQ được gì, mất gì trong cuộc chiến
1979?
+ Từ đầu những năm 70 thế kỷ trước, TQ tìm kiếm cái bắt tay
từ Mỹ. Sau 1975, quan hệ Trung-Mỹ dù đã thiết lập nhưng chưa có nền tảng vững
chắc. Muốn thúc đẩy quan hệ ấy, TQ lựa chọn phương cách ủng hộ Pol Pot chống
VN, đưa quân đánh VN, đối đầu mạnh mẽ với Liên Xô (LX) để chứng minh sức mạnh của
mình là nói được làm được. Họ chuẩn bị kỹ, cả về mặt dư luận trong và ngoài
nước rồi mới động binh.
Song cuộc chiến cũng để lại cho họ nhiều hậu quả. TQ phát động
đổi mới từ 1978 nhưng vì đánh VN mà quan hệ với LX, các nước XHCN, các nước thuộc
thế giới thứ ba vốn ủng hộ VN thêm xấu. Các nước khác nhìn vào cho rằng TQ-VN
chung ý thức hệ mà còn đánh nhau thì trở nên nghi ngại, không biết với mình họ
thế nào. Chưa kể nếu để bất ổn kéo dài thì đổi mới trong nước khó mà thuận lợi
được.
Tôi thấy đến giữa những năm 1980, họ nhận ra rằng cuộc chiến
1979 tuy giúp họ đạt được mục tiêu tại thời điểm đó nhưng về lâu dài hậu quả để
lại khá sâu sắc. Như xử lý quan hệ với VN sau này luôn bị vướng víu bởi cuộc
chiến đó. Sau cuộc chiến 1979, TQ có quan hệ gần gũi hơn với Mỹ để cùng nhau chống
LX. Nhưng LX tới 1985 gặp khủng hoảng, phải tiến hành cải tổ, trở nên hòa hoãn
với Mỹ, đồng thời khối XHCN Đông Âu thoát khỏi LX và sụp đổ, do đó lý do tăng
cường quan hệ của Mỹ-TQ không còn nhiều nữa. Trong bối cảnh đó, quan hệ Việt-Trung
được cải thiện dần. Biên giới bớt căng thẳng. Cùng với việc VN hoàn thành rút
quân khỏi Campuchia, Việt-Trung đi đến bình thường hóa quan hệ (1992).
. Theo ông, đâu là khó khăn chủ yếu khi khắc phục hậu quả
chiến tranh, nhất là trong việc đàm phán các vấn đề liên quan đến phân định
biên giới hai nước?
+ Ngay sau chiến tranh biên giới phía Bắc, mình đề nghị TQ
đàm phán biên giới lãnh thổ ngay và họ cũng chấp nhận. Nhưng đôi bên vẫn còn rất
căng. Cứ diễn văn chuẩn bị sẵn là đọc, chỉ trích nhau, chả anh nào nghe anh
nào. Xong rồi tổ chức họp báo, mời cả làng đến, lại tố cáo nhau. Lúc đó tiếng
súng vẫn nổ trên biên giới, dù không có chiến sự lớn.
Phải nói là sau 1979, biên giới rất căng thẳng. TQ thích
thì nã pháo, bắn phá; thích thì di chuyển cột mốc, lấn chiếm. Đêm trước họ vừa
chuyển mốc sâu vào trong đất mình thì hôm sau mình lại đào đưa về chỗ cũ… Nói
chung, vừa bắn nhau xong mà ngồi vào đàm phán rất khó.

Thị xã cao Bằng
tan hoang sau cuộc chiến tháng 2-1979. Ảnh: TL
Ai cũng muốn hòa bình, ổn định
. Cuộc chiến ấy đã gây ra những tổn thất to lớn, cũng như
làm tổn thương cho quan hệ hai bên. Nhưng ông thấy đó, trong khu vực vẫn nhắc tới
nguy cơ chiến tranh mà TQ có thể phát động. Vậy cần làm gì để tránh xung đột,
tránh chiến tranh?
+ Lịch sử thế giới đã chứng minh chỉ có nước lớn gây chiến
tranh với nước nhỏ, chỉ nước lớn mới lạm dụng vũ lực. Bản thân VN ta,
trong các cuộc chiến tranh với nước lớn, thường bị đặt vào tình thế buộc phải đứng
lên kháng chiến để giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc. Để tránh chiến tranh,
xung đột, không cách nào khác, các nước nhỏ phải khôn khéo.
TQ dù thế nào đi chăng nữa thì suy cho cùng họ cũng muốn hòa
bình, ổn định để phát triển. Và thế giới giờ đã khác. Khu vực cũng đã khác nhiều.
Chiến tranh không dễ mà xảy ra. Nhưng để thoát khỏi nguy cơ chiến tranh, trước
hết cái đầu các bên phải tỉnh táo, suy nghĩ cho thấu đáo. “Think Tank”, tiếng
Anh là trung tâm nghiên cứu đầu não của các quốc gia nhưng đôi khi chiết tự
theo nghĩa là “suy nghĩ” và “xe tăng”. Chiến tranh cũng là vì lợi ích, mà suy
nghĩ cũng vì lợi ích. Vậy nếu suy nghĩ cho tốt mà giải quyết được vấn đề lợi
ích thì cần gì phải chiến tranh!
Còn với VN, tôi nghĩ quan điểm xuyên suốt là phải
tìm mọi cách tránh, thoát khỏi nguy cơ chiến tranh. Trước hết không
nên làm gì để bị hiểu là gây khiêu khích. Và phải hiểu sâu sắc lợi ích của các
nước lớn - vốn là đối tượng thường lạm dụng vũ lực nhất, để giải quyết bài toán
ấy một cách hài hòa, nhằm hạn chế tối đa các động lực dẫn đến chiến tranh. Về vấn
đề này, có một khoảng thời gian dài sau 1975, với “hào quang chiến thắng”,
chúng ta đã hiểu chưa đúng mức để xử lý một cách khéo léo hơn trong quan hệ với
các nước lớn - điều góp phần giúp ta hạn chế tối đa việc dẫn đến các nguy cơ
xung đột. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, thiết nghĩ điều này càng phải
được chú trọng và xử lý một cách sâu sắc hơn nữa.
Về đối nội, phải quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền. Làm
sao để người dân hiểu sâu sắc tình hình, không quên quá khứ nhưng không vì nó
mà dẫn tới tâm lý kích động, chủ nghĩa dân tộc thiếu tỉnh táo. Đây không phải
vấn đề riêng của VN mà cả TQ nữa.
Niềm tin không đến từ một phía
. Năm vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập tới việc
“xây dựng lòng tin chiến lược”. Đây cũng là một yếu tố để xây dựng hòa bình, ổn
định trong khu vực, ngăn ngừa chiến tranh?
+ Mình với TQ trải qua những thăng trầm lịch sử như thế thì
đúng là khó xây dựng được sự tin cậy lẫn nhau một cách trọn vẹn. Trong bối cảnh
ấy, có khi ta nói thật, họ không tin và họ giãi bày thật thì mình cũng không
tin hết. Cho nên suy cho cùng để xây dựng tin cậy thì vẫn phải tạo gắn kết lợi
ích chặt chẽ, hài hòa.
Ngoài ra, tin cậy chiến lược không phải chỉ giữa VN với TQ
mà với cả các nước lớn khác, để các mối quan hệ đó tương tác, hỗ trợ lẫn nhau.
Nhưng đây là việc khó khăn, lâu dài. Anh em trong nhà nhiều khi còn chưa tin
nhau, huống chi giữa hai nước, nhất là khi từng trải qua chiến tranh, xung đột.
. Ta với TQ được xem là tương đồng về thể chế chính trị.
Nhưng với các nước lớn khác thì việc khác biệt về thể chế chính trị có gây khó
khăn gì cho việc gầy dựng tin cậy chiến lược?
+ Đây không phải vấn đề lớn. Một đảng hay đa đảng thì nước
nào cũng cần quan hệ quốc tế. Ta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối
tác hợp tác toàn diện với một số nước nhưng không có nghĩa là ta với họ không
có khác biệt. Vấn đề là quan hệ ấy đạt đến mức tôi nói - anh tin, anh nói - tôi
tin, cái gì thỏa thuận được là làm được.
Chế độ chính trị là vấn đề đối nội hơn là đối ngoại. Đấy là
lựa chọn của người dân, để phục vụ người dân một cách tốt nhất. Ở khía cạnh quốc
tế, quan trọng là chế độ đó đủ sức đại diện cho quốc gia và cam kết một chính
sách đối ngoại thống nhất. Cho nên nhiều khi chế độ một đảng lại tốt hơn đa đảng
chính trị mà non nớt, thiếu ổn định. Thực tế, tình hình ở một số nước cho thấy
đa đảng mà chưa đạt đến mức văn minh cao thì các đảng chính trị có khi lại
chính trị hóa các vấn đề đối ngoại để phục vụ cho lợi ích của mình. Và điều đó
có thể dẫn tới nguy cơ mâu thuẫn, xung đột giữa các quốc gia.
. Xin cảm ơn ông.
Nghĩa Nhân thực
hiện
Theo Pháp luật
TP.HCM
“Áp lực cũng ghê lắm” . Nhớ lại hồi đó, khi đàm phán phân định biên giới Việt-Trung
xong, dư luận trong nước và nhất là người Việt hải ngoại xao xuyến lắm. Cho rằng
ta thua thiệt nhiều. Tại sao những năm đàm phán không truyền thông, công khai
rõ ra cho dân hiểu, thông cảm? + Ngay như tôi đây cũng áp lực ghê lắm. Hải ngoại còn cáo
buộc Lê Công Phụng bán đất... Thực tế, đoàn đám phán biên giới làm việc rất nghiêm túc,
được chỉ đạo chặt chẽ, theo đúng các nguyên tắc đặt ra. Kết quả đàm phán, phần
chênh lệch giữa yêu sách hai bên được giải quyết khá hài hòa, không ai mất-được
quá nhiều. Theo chỉ đạo cấp cao, xong biên giới đất liền 1999 và 2000
làm bằng được phân giới vịnh Bắc Bộ. Lần đầu tiên TQ chấp nhận và hoàn tất
đàm phán biên giới trên biển với một nước láng giềng. _______________________________________________ Nhà ngoại giao kỳ cựu Hơn 40 năm làm công tác ngoại giao, nguyên Thứ trưởng Thường
trực Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng có thời gian dài giữ trọng trách trưởng Ban
Biên giới và là trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ về biên giới, lãnh thổ với
TQ. |
5,100