“Quý I và II tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 4%,
tức đã trở lại suy giảm như năm 2009. Do vậy thời điểm này đòi hỏi chính
sách tiền tệ phải linh hoạt và nới lỏng hơn, đồng thời thắt chính sách
tài khóa để kiểm soát lạm phát nhưng vẫn hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhằm
tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý…”.
Đó là quan điểm của PGS.TS TRẦN
HOÀNG NGÂN, Đại biểu Quốc hội, khi trao đổi với ĐTTC xoay quanh những
vấn đề nóng về tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay.
Bơm vốn, chọn lọc DN
PHÓNG VIÊN: - Chính phủ ban hành Nghị quyết 13
với nhiều giải pháp tiền tệ và tài khóa hỗ trợ DN. Theo ông, các gói
giải pháp này khi nào đem lại hiệu quả mong muốn?
PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN: - Vòng đời của DN rất nhiều
bước: thành lập, triển khai hoạt động, phát triển, mở rộng, suy thoái và
phá sản. Trong đó, nhiều DN phát triển cả trăm năm nhưng cũng có DN ra
đời theo từng phi vụ, dự án và khi dự án kết thúc DN đóng cửa.
Vì vậy, cần phân tích rõ tại sao DN phá sản. Bởi có DN ngừng hoạt
động, phá sản để tạo lập DN mới với những hoạt động phong phú hơn. Nhưng
cũng có DN thành lập ảo để hưởng ưu đãi nên khi kinh tế biến động, DN
suy yếu là đương nhiên. Hiện nay nhiều DN “chết” là hợp lý nhưng cũng có
DN không đáng “chết” đã bị “chết”.
Nói đầu ra khó nhưng
với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn bình thường, chỉ có đầu ra ở
mảng tiêu dùng cao cấp hay vật liệu xây dựng mới khó. Khi cung tăng thì
giá giảm, đó là nguyên tắc của thị trường. Nhìn trên chỉ số CPI, nhóm
hàng vật liệu xây dựng giá vẫn tăng. Đây là điều bất hợp lý. Vì vậy việc
giảm giá bất động sản vừa qua của Hoàng Anh Gia Lai là rất tốt, có
người đột phá mới kéo mặt bằng giá xuống, kích thích tiêu dùng. PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN |
Nghị quyết 13 đã nói rất rõ cần ưu tiên những DN có triển vọng phát
triển trong thời gian tới. Đặc biệt, gói hỗ trợ đồng bộ của Chính phủ
nhằm tháo gỡ khó khăn cho sảnxuất kinh doanh chứ không phải là gói cứu
trợ về mặt kinh tế. Theo đó, khi triển khai gói này, DN có khả năng tồn
tại sẽ được ưu tiên, DN yếu phải chịu sự đào thải.
Như NHNN đã cho phép các NHTM cơ cấu, gia hạn nợ nhưng phải đảm bảo
DN đó có khả năng tồn tại để phát triển, còn DN không trả được nợ buộc
phải chuyển nhóm nợ để xử lý.
Có thể thấy giải pháp Chính phủ đưa ra là đúng, nhưng để có tiền hỗ
trợ DN, đòi hỏi phải “thắt lưng buộc bụng” với chính sách tài khóa, đồng
thời nới lỏng chính sách tiền tệ, kéo lãi suất giảm sâu hơn, cung tiền
bơm ra nhiều hơn giúp DN tiếp cận vốn trên 2 thị trường: thị trường tiền
tệ thông qua việc vay vốn từ NHTM và thị trường chứng khoán qua việc
phát hành cổ phiếu, trái phiếu của DN.
- Nhưng để DN đáp ứng được điều kiện của NHTM với lãi suất thấp không dễ?
- Với tình hình kinh tế khó khăn chắc chắn các NHTM sẽ không dám mở
rộng tín dụng. Tuy nhiên, thực tế đã có những DN tiếp cận được lãi suất
vay vốn 13,5-14%/năm. NHTM đang thừa vốn nhưng chỉ có thể cho vay khi DN
đảm bảo khả năng hoàn trả, hoặc phải có bảo lãnh của Chính phủ.
Hiện nay TPHCM có quỹ bảo lãnh DN nhỏ và vừa nhưng vốn chỉ khoảng
200-300 tỷ đồng, trong khi nhu cầu vay của DN rất lớn. Do vậy chính
quyền địa phương nên tăng vốn các quỹ bảo lãnh này và thông qua Hiệp hội
DN bảo lãnh cho DN, NH mới yên tâm cho vay.
Bản thân DN cũng phải cấu trúc lại hoạt động. Bên cạnh đó cũng không
nên ép NH, bởi sự đổ vỡ của NH sẽ nguy hiểm hơn nhiều lần so với đổ vỡ
DN.
Tiến tới bỏ trần huy động và cho vay, kích tiêu dùng
- Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng cần mở rộng áp trần cho vay 15%/năm với các lĩnh vực khác ngoài 4 lĩnh vực ưu tiên?
- Trong tháng 5 này NHNN sẽ hoàn tất các phương án, kế hoạch cụ thể
để xử lý, hợp nhất các NHTM yếu kém để sang đầu tháng 6 có thể bỏ cả
trần lãi suất huy động lẫn cho vay.
Do vậy việc áp thêm trần lãi suất cho vay với lĩnh vực khác không cần
thiết, bởi hiện nay DN kinh doanh rất đa dạng nên rất khó phân biệt
lĩnh vực để quy định mức trần áp.
Hơn nữa NHTM đang thừa vốn nên có bỏ trần vay và huy động cũng không
sợ các NHTM chạy đua lãi suất. Việc bỏ trần còn giúp minh bạch lãi suất.
Ngoài ra, với chính sách tiền tệ nới lỏng, NHNN đưa ra thông điệp sẵn
sàng cho vay NHTM nào thiếu thanh khoản, như cho vay thông qua tái cấp
vốn hồ sơ tín dụng, theo đó lãi suất sẽ giảm và các NHTM cũng không cạnh
tranh với nhau.
- Nhưng mấu chốt là cần có chính sách kích thích giúp DN giải quyết được đầu ra mới mạnh dạn vay vốn?
- Nền kinh tế nước ta đang hội nhập, có độ mở rất cao. Vì thế kinh tế
thế giới khó khăn, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng là tất yếu. Trong bối
cảnh chung này, các trung tâm xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, Bộ
Nông nghiệp - Phát triển nông thôn… cần tổ chức các chương trình để các
DN đưa hàng về vùng sâu, vùng xa đẩy mạnh tiêu dùng. Mặt khác Chính phủ
cần tăng mức trợ cấp về an sinh xã hội, trợ cấp thất nghiệp để kích tiêu
dùng trong nước.
Có thể thấy tăng trưởng kinh tế yếu sẽ tác động đến an sinh xã hội.
Nhưng chúng ta không chạy theo tốc độ tăng trưởng cao để gây bất ổn kinh
tế vĩ mô, mà phải chạy chậm để sắp xếp, loại bỏ những tiêu cực, lãng
phí, không hiệu quả, đi vào đầu tư chiều sâu, ưu tiên cho hiệu quả kinh
tế.
Với mặt bằng lãi suất thấp, DN có điều kiện kinh doanh hiệu quả vẫn
có thể đầu tư. Nhưng vấn đề hiện nay là làm sao để DN chủ động hơn trong
vượt khó. Hiện nay nhiều DN đang tồn tại tư tưởng co thủ, có tiền gửi
NH chứ không đưa vào đầu tư. Tư tưởng đó rất nguy hiểm.
Về việc này, NH cũng có trách nhiệm phải giảm lãi suất xuống, tạo một
môi trường kinh doanh ổn định, tạo cho DN niềm tin sẽ thực hiện chính
sách ổn định.
Bên cạnh đó, Chính phủ nên cam kết điều hành lãi suất theo lạm phát
mục tiêu, cuối năm nay dưới 10% và đến năm 2015 lạm phát dưới 5-6%. Khi
Chính phủ đưa ra những thông điệp rất rõ ràng như vậy, lập tức DN sẽ mở
rộng sản xuất kinh doanh.
- Xin cảm ơn ông.