Con bài cuối cùng
Sau nhiều tháng lần lữa, rốt cuộc Ngân hàng nhà nước
cũng phải tung ra một "gói kích cầu". Đó là Thông tư số 14 về áp trần
lãi suất cho vay ở mức 15% đối với 4 lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn,
hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ.
Với phần đông các doanh nghiệp, 15% là mức lãi suất mơ
ước mà từ lâu họ đã không có điều kiện để với tới. Còn đối với các thị
trường đầu cơ, Thông tư 14 lại cung cấp thêm một bằng chứng, không chỉ
về nới lỏng tín dụng, mà nới lỏng tín dụng bằng nhiều cách có thể.
Như một quy luật, tình hình thường khả quan hơn hẳn đối
với vấn đề thanh khoản trong thị trường chứng khoán. Nhưng với bất động
sản thì ngược lại hoàn toàn. Nếu như trong chứng khoán, ngay thời kỳ tệ
hại nhất vào cuối năm 2011, giá trị giao dịch trên hai sàn Hà Nội và
TP.HCM vẫn duy trì ở mức 300-400 tỷ đồng, còn vào thời sôi động thì có
thể gấp đến 6-7 lần, thì thị trường BĐS lại trở nên bất động hoàn toàn ở
khắp tứ chi.
Sau hai lần hạ trần lãi suất huy động từ 14% về 13% và
12%, cùng với công văn số 2056 vào đầu tháng 4/2012 về loại trừ thêm
nhóm đối tượng công trình nhà ở khỏi nhóm tín dụng "không khuyến khích",
những tưởng thị trường BĐS sẽ bắt đầu khởi sắc và các chủ đầu tư có thể
mơ màng đến việc tiêu thụ hàng hóa ứ đọng thảm thiết của mình...
Nhưng không, từ Hà Nội vào TP.HCM, toàn hộ thị trường
này vẫn hầu như không một chút khởi sắc. Có chăng chỉ lác đác giao dịch
trong phân khúc nhà bình dân và đất thổ cư tại một số khu vực hạn hẹp. Ở
TP.HCM, người ta chỉ ghi nhận hiện tượng có đôi chút "nhúc nhích" về
thanh khoản ở các quận 9, Thủ Đức và Tân Phú. Còn tại Hà nội, bất kể
hàng loạt bài PR ồn ào về phong thủy địa thế cho đến thuận lợi của hạ
tầng giao thông, khu vực phía Đông như Gia Lâm, Long Biên và Mê Linh vẫn
nằm trong trạng thái ì.
Rõ ràng thị trường BĐS có một đặc điểm quá giống với
tình trạng chung của các doanh nghiệp Việt Nam: do phải chịu đựng sự sa
sút về lượng và thoái hóa về chất quá lâu, căn bệnh đã trở nên quá nặng,
không thể một sớm một chiều hồi phục được. Đó cũng là lý do vì sao hai
lần giảm lãi suất huy động và cả cơ chế "cởi trói" cho BĐS đã hầu như
không đem lại hiệu ứng như các nhà đầu tư và đầu cơ mong muốn.
Còn bây giờ, người ta phải tung ra một con bài thuộc loại quan trọng nhất và có lẽ là cuối cùng: áp trần lãi suất cho vay.
Tiền lại bị "ép" ra ngoài
Chứng khoán dĩ nhiên sẽ hưởng ứng cơ chế áp trần lãi
suất cho vay bằng một sóng tăng khá ồn ào. Vào ngày 4/5/2012, sau gần
hai tháng kéo ngang không phải không có chủ ý, cả hai chỉ số chứng khoán
đã đồng thời phá đỉnh gần nhất, lập nên một đỉnh mới trong chu kỳ hồi
phục kéo dài từ đầu tháng Giêng đến nay.
Và tuy không nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ tác động
giảm lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay, nhưng hiển nhiên trong 4
tháng đầu năm 2012, chứng khoán là thị trường đầu cơ duy nhất có sự
chuyển động rõ nét. Còn lại các thị trường đầu cơ khác - vàng và BĐS -
đều trở nên tẻ ngắt trong con mắt giới đầu tư và đầu cơ.
Ngày 4/5/2012 có lẽ cũng tạo nên một bước ngoặt đối với
sóng tăng của TTCK. Kể từ đây, chứng khoán lại bước vào một thời kỳ vận
động mới, thoát hẳn khỏi xu thế đi ngang. Một điểm trùng lặp cũng vừa
xuất hiện là cùng thời điểm với việc áp trần lãi suất cho vay của Ngân
hàng nhà nước, lãnh đạo của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng tuyên bố sẽ
tiếp tục, chứ không phải chấm dứt, kế hoạch mua vào 3 triệu cổ phiếu
HAG.
Nhưng có lẽ kế hoạch của nhóm tạo lập thị trường đã có
phần thay đổi đối với chứng khoán. Trước đây, một phương án cho thị
trường dựng ngược gấp đôi hoặc hơn ngay trong tháng 6/2012 có thể đã
được coi là một ưu tiên. Song bây giờ, trước hiện trạng ngổn ngang của
các thị trường đầu cơ khác, có lẽ chứng khoán đang được xem xét lại thế
tự hành xử của nó.
Điều đó cũng có nghĩa là dòng tiền vào thị trường này
có thể sẽ trở nên cầm chừng trong thời gian tới, chứ không đạt đến giá
trị 5.000- 6.000 tỷ đồng trên hai sàn như một số dự báo quá lạc quan.
Tốc độ tăng của các nhóm cổ phiếu cũng sẽ càng phân hóa rõ nét, khi chỉ
có một số cổ phiếu được tập trung đánh lên, còn những cổ phiếu khác sẽ
phải chịu số phận chờ đợi hẩm hiu.
Cho đến nay, hai chỉ số chứng khoán tuy chưa tăng nhiều
và vẫn còn được xem là hấp dẫn, nhưng thực chất mặt bằng hàng trăm cổ
phiếu đã tăng đến 60-70%, cá biệt một số cổ phiếu đầu cơ có mức tăng gấp
đôi hoặc gần gấp ba lần so với đáy tháng Giêng năm 2012. So với hàng
hóa BĐS, đó là một tỷ lệ lợi nhuận rất cao, đủ cho nhà đầu tư chứng
khoán có lãi khá và bắt đầu nghĩ đến phương án "bình thông nhau" - một
sự dịch chuyển dòng tiền từ kênh cổ phiếu sang nhà đất giá rẻ.
Thái độ "quyết liệt" của Thông tư 14 sẽ khiến dòng tiền
tiết kiệm lại một lần nữa bị "ép" vào một trạng thái không ổn định, bắt
buộc phải chia sẻ cái thế nằm ngủ trong ngân hàng với một tư thế mang
tính "động" nhiều hơn. Một phần tiền gửi ngân hàng có thể sẽ quyết định
nhảy vào kênh nhà đất giá rẻ hay chứng khoán.
Mặt khác, tinh thần được Thông tư 14 khuyến khích có lẽ
là việc các ngân hàng cần giảm lãi suất cho vay càng thấp càng tốt,
nhằm có thể thuyết phục các doanh nghiệp không còn quá sợ khi đặt bút ký
hợp đồng tín dụng với ngân hàng. Mà lãi suất cho vay giảm cũng có nghĩa
là lãi suất huy động giảm theo, có thể chỉ còn 10-11% tại một số ngân
hàng dồi dào vốn lưu động.
Cũng vì thế, cả chứng khoán lẫn BĐS đều có thể "ăn
theo" những lĩnh vực kinh tế chủ chốt. Nếu lãi suất cao nhất đối với 4
lĩnh vực này là 15%, thì có thể lãi suất cho vay với BĐS và chứng khoán
chỉ vào khoảng 16-17%. Trong thực tế, BIDV đã trở thành ngân hàng đầu
tiên hạ lãi suất cho vay đối với BĐS về mức 16%.
Việt Thắng
Diễn đàn kinh tế Việt Nam