Buôn lậu diễn biến phức tạp
Xuất phát từ công tác chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Bộ
Tài chính, Tổng cục Hải quan, trong năm 2014, lực lượng điều tra chống buôn lậu
hải quan đã xác lập, tổ chức đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ việc
nóng, nổi cộm như: lợi dụng loại hình tạm nhập tái xuất; lợi dụng thủ tục hải
quan điện tử; lợi dụng chính sách ưu đãi hoàn thế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu...
Trọng điểm là kiểm soát các mặt hàng liên quan đến an ninh như ma túy, vũ khí,
tài liệu phản động...
Năm 2014, đơn vị đã đấu tranh thành công 10 chuyên án, chủ
trì, phối hợp bắt giữ 163 vụ việc, trị giá hàng hóa vi phạm khoảng hơn
321,2 tỷ đồng, thu nộp ngân sách hơn
7,8 tỷ đồng.
Trong đó, phát hiện, bắt giữ 18 vụ buôn bán vận
chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới, thu giữ 85 bánh heroin, 12.65
kg ma túy tổng hợp dạng đá, 12.180 viên ma túy tổng hợp dạng viên, 5.540.99 gam
ma túy tổng hợp dạng (viên) khác, 9.752 gam búp lá cần sa khô; 5.68 kg cocain;
08 kg ma tuý tổng hợp dạng đá; 02 vụ vận chuyển dầu DO trị giá hơn 11 tỷ đồng
...
Đơn vị đã ban hành 10 Quyết định khởi tố, điều tra vụ
án hình sự đối với các vụ việc có tính chất nghiêm trọng; ban hành 42 Quyết
định xử lý vi phạm hành chính và biên bản xử phạt hành chính.
Lực lượng điều tra chống buôn lậu cũng đưa ra cảnh báo,
năm 2015, tình hình kinh tế trong nước đã có cải thiện, hoạt động sản xuất
kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) đã dần phục hồi. Bên cạnh chủ trương tăng
kim ngạch xuất, nhập khẩu phục vụ phát triển kinh tế, nguy cơ xảy ra tình trạng
buôn lậu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới là rất lớn, tiếp tục phức tạp, tập
trung vào các mặt hàng cấm như: ma túy, vũ khí, văn hóa phẩm độc hại, tài liệu
phản động, động thực vật hoang dã; các mặt hàng chiến lược như xăng, dầu,
khoáng sản, tiền, vàng,... các mặt hàng có thuế suất cao như rượu, bia, thuốc
lá, mỹ phẩm, ô tô,... các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng...
Mở rộng thực quyền cho chống buôn lậu hải quan
Chỉ đạo công tác năm 2015, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải
quan Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh, đơn vị tiếp tục xây dựng và triển khai hiệu quả
đấu tranh các chuyên án, chuyên đề lớn ở phạm vi rộng, mang tính nổi cộm. Yêu cầu,
lực lượng điều tra chống buôn lậu phải thay đổi nhận thức, phương thức, biện
pháp nghiệp vụ trong đấu tranh chống buôn lậu, trốn thuế trong môi trường ngành
Hải quan triển khai thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS).
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác của đơn vị cũng như
lực lượng Kiểm soát hải quan toàn ngành, Cục Điều tra chống buôn lậu đề xuất
lãnh đạo Tổng cục Hải quan, lãnh đạo Bộ Tài chính quan tâm, chỉ đạo một số nội
dung quan trọng.
Thứ nhất, đề nghị Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính kiến
nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Bộ
Luật Tố tụng hình sự, Luật
phòng, chống ma túy, Pháp lệnh
Tổ chức điều tra hình sự theo hướng bổ sung thẩm quyền cho cơ quan hải quan
trong hoạt động điều tra, khởi tố đối với các loại tội phạm về ma tuý, tàng trữ,
vận chuyển trái phép vũ khí, vi phạm sở hữu trí tuệ, trốn thuế, vi phạm môi trường...
Hiện nay cơ quan hải quan chỉ được xử lý với 2 tội danh:
buôn lậu và vận chuyển trái phép. Trong khi đó hoạt động kinh tế ngày càng đa dạng,
hàng ngày lực lượng hải quan phải đối mặt với nhiều loại tội phạm như: trốn thuế,
vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả, tội phạm môi trường…
Thứ hai, chỉ đạo kịp thời việc sửa đổi, bổ sung, ban hành
mới các văn bản hướng dẫn quy trình nghiệp vụ kiểm soát hải quan theo Luật
Hải quan sửa đổi. Tạo điều kiện triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực
cho lực lượng Hải quan chuyên trách chống buôn lậu đến năm 2020.
Thứ ba, đối với loại hình kinh doanh tạm nhập - tái xuất
(TNTX), cơ quan hải quan cần có cơ chế thường xuyên phân loại, đánh giá doanh
nghiệp hoạt động kinh doanh TNTX. Trên cơ sở kết quả phân loại, chỉ cho phép những
doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật Hải quan, pháp luật thuế... được kinh
doanh TNTX.
Thứ tư, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cần thường xuyên rà
soát, ban hành bổ sung Danh mục hàng hóa cấm hoặc hạn chế kinh doanh TNTX phù hợp
với từng thời kỳ. Giới hạn một số mặt hàng nhạy cảm, hàng có thuế suất cao,
hàng có nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường… không cho thực
hiện việc kinh doanh theo loại hình này.
Yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh, vận tải loại hình
này phải thực hiện việc giám sát hàng hàng hóa bằng hệ thống định vị vệ tinh
(GPS) để đảm bảo theo dõi.
Thứ năm, đối với hành vi lợi dụng ưu đãi đối với hàng hóa
xuất khẩu để hoàn thuế GTGT, cơ quan có thẩm quyền cần quy định chặt chẽ về điều
kiện thành lập, giải thể doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu được hoàn thuế
GTGT. Quy định cụ thể trong công tác thanh toán, quản lý ngoại hối đối với
doanh nghiệp xuất nhập khẩu như việc chuyển VNĐ với số lượng lớn thông qua tài
khoản vãng lai của người nước ngoài phải có giải trình về nguồn gốc tiền, lý do
thanh toán, các chứng từ buộc phải có về nguồn gốc tiền.
HN
Theo
Cổng thông tin Bộ Tài chính
2,718