
Chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp phép cho SpaceX dự kiến trong tháng 7/2025 (Hình từ Internet)
Chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp phép cho SpaceX dự kiến trong tháng 7/2025
Theo Thông báo 365/TB-VPCP năm 2025, Phó Thủ tướng chủ trì cuộc họp rà soát nội dung, công tác chuẩn bị cho Phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 - Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng kết luận một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025. Trong đó, trước ngày 31 tháng 7 năm 2025, yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, khẩn trương hỗ trợ hoàn tất các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thành lập doanh nghiệp và cấp phép triển khai dịch vụ viễn thông vệ tinh quỹ đạo thấp (SpaceX); báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiến độ thực hiện trong tháng 7 năm 2025.
Về quan điểm, yêu cầu triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025, Phó Thủ tướng có kết luận như sau:
(1) Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo của Chính phủ; Tổ trưởng các Tổ công tác nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung đôn đốc tổ chức triển khai và hoàn thành các nhiệm vụ.
(2) Yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao; phân công nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm cá nhân, tập thể, đặc biệt là đề cao vai trò của người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện, kịp thời phát hiện và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh; chủ động phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện.
(3) Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan địa phương liên quan tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả, huy động nguồn lực để bảo đảm triển khai hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách theo đúng tiến độ đề ra; rà soát kỹ, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2025 để đạt được mục tiêu đề ra, báo cáo tại Phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo của Chính phủ (ngày 20 tháng 7 năm 2025).
Xem thêm tại Thông báo 365/TB-VPCP năm 2025.
Quy định hiện hành về dịch vụ viễn thông vệ tinh quỹ đạo tầm thấp
Chính phủ ban hành Nghị định 88/2025/NĐ-CP hướng dẫn Nghị quyết 193/2025/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tại Nghị định 88/2025/NĐ-CP, vệ tinh quỹ đạo tầm thấp là loại vệ tinh phi địa tĩnh hoạt động ở độ cao dưới 2.000 km so với mặt nước biển.
Theo Điều 20 Nghị định 88/2025/NĐ-CP quy định về triển khai thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp như sau:
- Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thí điểm theo từng đề án cụ thể.
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì đề xuất các yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh và phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất các yêu cầu, điều kiện cần thiết khác nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia theo phạm vi quản lý nhà nước của mình theo từng đề án thí điểm gửi Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thí điểm.
- Điều kiện về triển khai mạng viễn thông đối với giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng cấp cho doanh nghiệp thí điểm bao gồm: các điều kiện về triển khai mạng viễn thông được quy định tại Nghị định 163/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Viễn thông tương ứng theo giấy phép và các yêu cầu, điều kiện thí điểm do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị quyết 193/2025/QH15
Điều 21 Nghị định 88/2025/NĐ-CP quy định chung về cấp phép và hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đối với doanh nghiệp được triển khai thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp như sau:
- Doanh nghiệp đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính hợp pháp của các tài liệu và nội dung kê khai trong hồ sơ.
- Khi giấy phép còn hiệu lực, doanh nghiệp có nhu cầu sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong giấy phép (trừ thời hạn sử dụng) phải làm hồ sơ đề nghị theo đúng quy định.
- Sau 30 ngày kể từ ngày Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục Tần số vô tuyến điện) gửi thông báo bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, nếu doanh nghiệp không thực hiện thì bị huỷ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.
- Doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép qua một trong các phương thức sau: nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc nộp hồ sơ qua đường bưu chính hoặc nộp hồ sơ trực tiếp.
- Kết quả giải quyết hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép được gửi tới doanh nghiệp qua một trong các phương thức sau: trả kết quả qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc qua phương thức điện tử hoặc qua đường bưu chính hoặc trả trực tiếp.
Xem thêm tại Nghị định 88/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ 13/04/2025.
9
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN