
Sửa đổi, bổ sung một số điểm mới về hóa đơn điện tử từ ngày 01/01/2026 (dự kiến) (hình ảnh từ Internet)
Bộ Tư pháp đã công bố tài liệu thẩm định chính sách của Luật Quản lý thuế (thay thế).
 |
Dự thảo Luật Quản lý thuế (thay thế) |
Sửa đổi, bổ sung một số điểm mới về hóa đơn điện tử từ ngày 01/01/2026 (dự kiến)
Cụ thể, tại Điều 64 dự thảo Luật Quản lý thuế (thay thế) đã đề xuất quy định về hóa đơn điện tử như sau:
- Hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế bằng phương tiện điện tử, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
- Hóa đơn điện tử bao gồm hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn giá trị gia tăng tích hợp biên lai thu thuế, phí, lệ phí, hóa đơn bán hàng, hóa đơn bán hàng tích hợp biên lai thu thuế, phí, lệ phí; hóa đơn thương mại; hóa đơn nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; hóa đơn bán tài sản công, hóa đơn bán hàng dự trữ quốc gia; tem điện tử, vé điện tử, thẻ điện tử, phiếu thu điện tử, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử hoặc các chứng từ điện tử có tên gọi khác.
- Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua. Mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử là một chuỗi ký tự do hệ thống của cơ quan thuế hoặc hệ thống của đơn vị do cơ quan thuế ủy quyền tạo ra duy nhất cho từng hóa đơn điện tử.
- Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế.
- Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử:
+ Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán (trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp phải sử dụng hóa đơn điện tử) phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ;
+ Người bán (doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng (bao gồm có sử dụng máy tính tiền và chưa sử dụng máy tính tiền) đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế;
+ Việc đăng ký, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế;
+ Việc cấp mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử dựa trên thông tin của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh lập trên hóa đơn. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên hóa đơn.
- Đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử:
+ Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 01 tỷ đồng hàng năm trở lên, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thường xuyên sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này;
+ Doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, nước sạch, tài chính tín dụng, bảo hiểm, y tế, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh siêu thị, thương mại, vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập hóa đơn điện tử đáp ứng lập, tra cứu hóa đơn điện tử, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định và bảo đảm việc truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Trường hợp các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thuộc các lĩnh vực quy định tại điểm này đang sử dụng hóa đơn điện tử không mã nếu có các hoạt động kinh doanh khác thì cũng được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế. Quy định tại điểm này không áp dụng đối với trường hợp rủi ro về thuế cao, rất cao theo quy định của Bộ Tài chính, trường hợp người nộp thuế đang bị cưỡng chế hóa đơn, đang tạm ngừng kinh doanh, bỏ địa chỉ kinh doanh và trường hợp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế;
+ Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, cá nhân kinh doanh không thuộc đối tượng áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, được cơ quan thuế chấp nhận cấp hóa đơn điện tử để giao cho khách hàng thì được cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã theo từng lần phát sinh và phải khai thuế, nộp thuế trước khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh.
- Dịch vụ về hóa đơn điện tử:
+ Dịch vụ về hóa đơn điện tử bao gồm dịch vụ cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế, dịch vụ truyền dữ liệu hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế từ người nộp thuế tới cơ quan thuế và dịch vụ về hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế;
+ Tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử bao gồm tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử, tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử và các dịch vụ khác có liên quan đến hóa đơn điện tử.
- Bộ Tài chính quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn và các dịch vụ khác có liên quan.
- Chính phủ quy định chi tiết Điều này và quy định trường hợp, ngưỡng doanh thu của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế; quy định trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế không phải trả tiền dịch vụ, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế phải trả tiền dịch vụ, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử.
Như vậy, so với hiện hành dự thảo Luật Quản lý thuế (thay thế) đã bổ sung một số điểm mới về hóa đơn điện tử như sau:
(1) Bổ sung giao Chính phủ quy định hóa đơn điện tử
(2) Quy định về trường hợp rủi ro về thuế cao, rất cao
(3) Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 64 về nguyên tắc áp dụng hóa đơn điện tử: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 01 tỷ đồng trở lên khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng phải lập hóa đơn điện tử đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu trên ngưỡng doanh thu không chịu thuế hàng năm theo quy định của pháp luật thuế đến dưới ngưỡng 01 tỷ đồng hàng năm phải sử dụng hóa đơn, chứng từ hoặc sổ sách ghi chép doanh thu thực tế phát sinh theo quy định của Chính phủ.
Từ ngày 01/01/2027, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 800 triệu đồng trở lên khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng phải áp dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế; Từ ngày 01/01/2028, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có ngưỡng doanh thu thuộc diện chịu thuế GTGT đến mức doanh thu 800 triệu đồng khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng phải áp dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế.
(4) Sửa đổi quy định mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử cho phù hợp với thực tế thực hiện hiện nay; Bổ sung thêm “tổ chức khác”, sửa đổi quy định để hạn chế đối tượng được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế để tránh trường hợp NNT đang bị cưỡng chế hóa đơn, đang tạm ngừng kinh doanh, bỏ địa chỉ kinh doanh nhưng vẫn xuất hóa đơn.
Theo đó, dự thảo Luật Quản lý thuế (thay thế) cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Điều 64 để hạn chế đối tượng được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế để tránh trường hợp người nộp thuế đang bị cưỡng chế hóa đơn, đang tạm ngừng kinh doanh, bỏ địa chỉ kinh doanh nhưng vẫn xuất hóa đơn. Sửa đổi, bổ sung tại Điều 64 quy định rõ các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thuộc 15 lĩnh vực (đang sử dụng hóa đơn điện tử không mã) nếu có các hoạt động kinh doanh khác (ngoài 15 lĩnh vực nêu trên) thì cũng được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế để đảm bảo sự thống nhất mỗi doanh nghiệp chỉ sử dụng 1 loại hóa đơn điện tử đồng thời cũng là hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tránh trường hợp phải đầu tư hệ thống hóa đơn đáp ứng cho cả sử dụng hóa đơn có mã và không có mã, trong khi số lượng hóa đơn không mã sử dụng cho hoạt động các kinh doanh khác là không nhiều.
Xem thêm dự thảo Luật Quản lý thuế thay thế dự kiến có hiệu lực từ 01/01/2026.
39