
Bảo hiểm thất nghiệp 2026: Mức đóng và tiền lương làm căn cứ đóng mới nhất (Hình từ internet)
Luật Việc làm 2025 Luật số 74/2025/QH15 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 16/6/2025.
Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp 2026
Theo đó, Điều 33 Luật Việc làm 2025 quy định về đóng bảo hiểm thất nghiệp như sau:
- Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:
(1) Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng;
(2) Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
(3) Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
- Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định tại điểm (2) và trích tiền lương của từng người lao động theo mức quy định tại điểm (1) để đóng cùng một lúc vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Đối với người lao động quy định tại điểm a khoản 1 Điều 31 Luật Việc làm 2025 hưởng tiền lương theo sản phẩm, theo khoán tại doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì người sử dụng lao động đăng ký với cơ quan bảo hiểm xã hội và thực hiện đóng bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần. Thời hạn đóng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng.
-Thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động là thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
- Người lao động không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng đó.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp. Việc xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
- Người sử dụng lao động được giảm tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động phải đóng cho người lao động là người khuyết tật trong thời gian không quá 12 tháng khi tuyển mới và sử dụng người lao động là người khuyết tật.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định đối với người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Trường hợp người sử dụng lao động không đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thì phải trả khoản tiền tương ứng với các chế độ bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật.
- Nhà nước chuyển kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, theo quy định nêu trên, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động tối đa bằng 1% tiền lương tháng, người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động và nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp năm 2026
- Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:
+ Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);
+ Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Trường hợp người lao động ngừng việc vẫn hưởng tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất thì đóng theo tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc.
- Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp cao nhất bằng 20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.
- Người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp mà bị tạm giam, tạm đình chỉ công việc thì người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp; trường hợp người lao động được truy lĩnh đủ tiền lương thì người lao động và người sử dụng lao động đóng bù cho thời gian bị tạm giam, tạm đình chỉ công việc bằng số tiền phải đóng của những tháng tạm dừng đóng và thực hiện đồng thời với việc đóng bù bảo hiểm xã hội bắt buộc.
- Việc truy thu, truy đóng bảo hiểm thất nghiệp thực hiện cùng với việc truy thu, truy đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
(Điều 34 Luật Việc làm 2025)
Luật Việc làm 2025 có hiệu lực từ 01/01/2026.
45
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN