
Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân: 06 quyền của chủ thể dữ liệu từ 01/01/2026 (Hình từ Internet)
06 quyền của chủ thể dữ liệu theo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân từ 01/01/2026
Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân số 91/2025/QH15 có hiệu lực từ 01/01/2026. Theo đó quy định một số khái niệm quan trọng:
(i) Bảo vệ dữ liệu cá nhân là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng lực lượng, phương tiện, biện pháp để phòng, chống hoạt động xâm phạm dữ liệu cá nhân.
(ii) Chủ thể dữ liệu cá nhân là người được dữ liệu cá nhân phản ánh
(iii) Xử lý dữ liệu cá nhân là hoạt động tác động đến dữ liệu cá nhân, bao gồm một hoặc nhiều hoạt động như sau: thu thập, phân tích, tổng hợp, mã hóa, giải mã, chỉnh sửa, xóa, hủy, khử nhận dạng, cung cấp, công khai, chuyển giao dữ liệu cá nhân và hoạt động khác tác động đến dữ liệu cá nhân.
(iv) Bên kiểm soát dữ liệu cá nhân là cơ quan, tổ chức, cá nhân quyết định mục đích và phương tiện xử lý dữ liệu cá nhân.
Tại Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025, quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu cá nhân được quy định như sau:
Quyền của chủ thể dữ liệu cá nhân bao gồm:
(1) Được biết về hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân
(2) Đồng ý hoặc không đồng ý, yêu cầu rút lại sự đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân;
(3) Xem, chỉnh sửa hoặc yêu cầu chỉnh sửa dữ liệu cá nhân;
(4) Yêu cầu cung cấp, xóa, hạn chế xử lý dữ liệu cá nhân; gửi yêu cầu phản đối xử lý dữ liệu cá nhân;
(5) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
(6) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện các biện pháp, giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu cá nhân bao gồm:
- Tự bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình;
- Tôn trọng, bảo vệ dữ liệu cá nhân của người khác;
- Cung cấp đầy đủ, chính xác dữ liệu cá nhân của mình theo quy định của pháp luật, theo hợp đồng hoặc khi đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân của mình;
- Chấp hành pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân và tham gia phòng, chống hoạt động xâm phạm dữ liệu cá nhân.
Chủ thể dữ liệu cá nhân khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc sau đây:
- Thực hiện theo quy định của pháp luật; tuân thủ nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu cá nhân theo hợp đồng. Việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu cả nhân phải nhằm mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chính chủ thể dữ liệu cá nhân đó;
- Không được gây khó khăn, cản trở việc thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp lý của bên kiểm soát dữ liệu cá nhân, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, bên xử lý dữ liệu cá nhân;
- Không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
- Cơ quan, tổ chức, cả nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi, không được gây khổ khăn, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Khi nhận được yêu cầu của chủ thể dữ liệu cá nhân để thực hiện quyền của chủ thể dữ liệu cá nhân, bên kiểm soát dữ liệu cá nhân, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân phải kịp thời thực hiện trong thời hạn theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm của bên kiểm soát dữ liệu cá nhân, bên xử lý dữ liệu cá nhân, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân
Tại Điều 37 Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025, trách nhiệm của bên kiểm soát dữ liệu cá nhân, bên xử lý dữ liệu cá nhân, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân được quy định như sau:
Trách nhiệm của bên kiểm soát dữ liệu cá nhân như sau:
- Nêu rõ trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ phải tuân thủ của các bên trong thỏa thuận, hợp đồng có liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân theo quy định của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025 và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Quyết định mục đích và phương tiện xử lý dữ liệu cá nhân tại các văn bản, thỏa thuận với chủ thể dữ liệu cá nhân, bảo đảm đúng nguyên tắc và nội dung theo quy định của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025;
- Thực hiện biện pháp quản lý, kỹ thuật phù hợp để bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật, rà soát và cập nhật các biện pháp này khi cần thiết;
- Thông báo hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định tại Điều 23 của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025;
- Lựa chọn bên xử lý dữ liệu cá nhân phù hợp để xử lý dữ liệu cá nhân;
- Bảo đảm các quyền của chủ thể dữ liệu cá nhân theo quy định tại mục trên;
- Chịu trách nhiệm trước chủ thể dữ liệu cá nhân về các thiệt hại do quá trình xử lý dữ liệu cá nhân gây ra;
- Ngăn chặn hoạt động thu thập dữ liệu cá nhân trái phép từ hệ thống, trang thiết bị, dịch vụ của mình;
- Phối hợp với Bộ Công an, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong bảo vệ dữ liệu cá nhân, cung cấp thông tin phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân;
- Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trách nhiệm của bên xử lý dữ liệu cá nhân như sau:
- Chỉ được tiếp nhận dữ liệu cá nhân sau khi có thỏa thuận, hợp đồng về xử lý dữ liệu cá nhân với bên kiểm soát dữ liệu cá nhân, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân;
- Xử lý dữ liệu cá nhân theo đúng thỏa thuận, hợp đồng ký kết với bên kiểm soát dữ liệu cá nhân, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân;
- Thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Chịu trách nhiệm trước bên kiểm soát dữ liệu cá nhân, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân về thiệt hại do quá trình xử lý dữ liệu cá nhân gây ra;
- Ngăn chặn hoạt động thu thập dữ liệu cá nhân trái phép từ hệ thống, trang thiết bị, dịch vụ của mình;
- Phối hợp với Bộ Công an, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong bảo vệ dữ liệu cá nhân, cung cấp thông tin phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân;
- Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân:
Có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định tại như trên.
Xem thêm tại Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025 có hiệu lực từ 01/01/2026.
27