
Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Chỉ được công khai dữ liệu cá nhân trong 04 trường hợp (Hình từ Internet)
04 trường hợp được công khai dữ liệu cá nhân
Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025 có hiệu lực từ 01/01/2026.
Tại Điều 16 Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025, quy định về công khai dữ liệu cá nhân như sau:
- Dữ liệu cá nhân chỉ được công khai với mục đích cụ thể. Phạm vi công khai, loại dữ liệu cá nhân được công khai phải phù hợp với mục đích công khai. Việc công khai dữ liệu cá nhân không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu cá nhân.
- Dữ liệu cá nhân chỉ được công khai trong các trường hợp sau đây:
(i) Khi có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu cá nhân;
(ii) Thực hiện theo quy định của pháp luật;
(iii) Trường hợp Để giải quyết tình trạng khẩn cấp; nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật;
(iv) Thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.
- Dữ liệu cá nhân công khai phải bảo đảm phản ánh đúng dữ liệu cá nhân từ nguồn dữ liệu gốc và tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận, khai thác, sử dụng.
- Hình thức công khai dữ liệu cá nhân, bao gồm: đăng tải dữ liệu trên trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân công khai dữ liệu cá nhân phải kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc công khai dữ liệu cá nhân để bảo đảm tuân thủ đúng mục đích, phạm vi và quy định của pháp luật; ngăn chặn việc truy cập, sử dụng, tiết lộ, sao chép, sửa đổi, xóa, hủy hoặc các hành vi xử lý trái phép khác đối với dữ liệu cá nhân đã công khai trong khả năng, điều kiện của mình.
Như vậy, Chỉ được công khai dữ liệu cá nhân trong 04 trường hợp theo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025.
Xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu cá nhân
Điều 19 Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025 quy định việc xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu cá nhân như sau:
- Các trường hợp xử lý dữ liệu cá nhân không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu cá nhân bao gồm:
+ Để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu cá nhân hoặc người khác trong trường hợp cấp bách; bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan tổ chức một cách cần thiết trước hành vi xâm phạm lợi ích nói trên. Bên kiểm soát dữ liệu cá nhân, bên xử lý dữ liệu cá nhân, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, bên thứ ba có trách nhiệm chứng minh trường hợp này;
+ Để giải quyết tình trạng khẩn cấp; nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật;
+ Phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, hoạt động quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật;
+ Thực hiện thỏa thuận của chủ thể dữ liệu cá nhân với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật;
+ Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thiết lập cơ chế giám sát khi xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu cá nhân bao gồm:
+ Thiết lập quy trình, quy định xử lý dữ liệu cá nhân và xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân;
+ Triển khai các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân phù hợp; thường xuyên đánh giá rủi ro có thể xảy ra trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân;
+ Thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ việc tuân thủ quy định của pháp luật, quy trình, quy định xử lý dữ liệu cá nhân
+ Có cơ chế tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Xem thêm tại Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025 có hiệu lực từ 01/01/2026.
80
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN