Rút ngắn thời gian nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân

Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi Luật Bầu cử, theo đó Quốc hội thống nhất chính thức rút ngắn thời gian nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Rút ngắn thời gian nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (Hình ảnh từ Internet)

Rút ngắn thời gian nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (Hình ảnh từ Internet)

Ngày 24/6/2025, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2025 (sau đây gọi là Luật Sửa đổi Luật Bầu cử).

Luật Sửa đổi Luật Bầu cử

Rút ngắn thời gian nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân

Cụ thể, tại điểm d khoản 23 Điều 1 Luật Sửa đổi Luật Bầu cử 2025 đã thay thế cụm từ “70 ngày” bằng cụm từ “42 ngày” tại khoản 1 Điều 35 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội 2015.

Cụ thể, tại Điều 35 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 (sửa đổi bởi điểm d khoản 23 Điều 1 Luật Sửa đổi Luật Bầu cử 2025) quy định về hồ sơ ứng cử và thời gian nộp hồ sơ ứng cử như sau:

- Công dân ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của Luật này phải nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 42 ngày trước ngày bầu cử.

- Hồ sơ ứng cử bao gồm:

+ Đơn ứng cử;

+ Sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền;

+ Tiểu sử tóm tắt;

+ Ba ảnh chân dung màu cỡ 4cm x 6cm;

+ Bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Như vậy, từ ngày 01/7/2025, Quốc hội chính thức rút ngắn thời hạn nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân từ 70 ngày xuống còn 42 ngày.

Thủ tục bầu cử diễn ra trong thời gian 42 ngày đã được cơ quan soạn thảo tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi và tiến độ như yêu cầu đề ra.

Cụ thể, đối với khoảng thời gian từ thời điểm cuối nộp hồ sơ ứng cử tới ngày bầu cử rút ngắn từ 70 ngày xuống còn 42 ngày, nhưng vẫn đảm bảo tổng thời gian từ hạn cuối công bố ngày bầu cử đến ngày bầu cử là 115 ngày như luật hiện hành.

Đối với khoảng thời gian từ ngày bầu cử đến ngày khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, điều chỉnh giảm thời gian một số bước như: thời hạn công bố kết quả bầu cử, danh sách trúng cử; thời gian tiếp nhận khiếu nại kết quả bầu cử và xem xét giải quyết khiếu nại kết quả bầu cử; thời gian tiến hành bầu cử thêm, bầu cử lại.

Theo đó, với các điều chỉnh rút ngắn như đề xuất thì ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới sớm nhất có thể là sau ngày bầu cử chỉ 22 ngày (Luật Tổ chức Quốc hội đang cho phép tối đa là 60 ngày).

Hướng dẫn nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân

Căn cứ Điều 36 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 hướng dẫn nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân như sau:

- Việc nộp hồ sơ ứng cử của người ứng cử đại biểu Quốc hội được thực hiện như sau:

+ Người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử nộp hai bộ hồ sơ ứng cử tại Hội đồng bầu cử quốc gia;

+ Người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế ở địa phương giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử nộp hai bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở tỉnh nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên;

+ Sau khi nhận và xem xét hồ sơ của những người ứng cử, nếu thấy hợp lệ theo quy định của Luật này thì Hội đồng bầu cử quốc gia chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử đến Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ủy ban bầu cử ở tỉnh chuyển hồ sơ ứng cử của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử tại địa phương đến Hội đồng bầu cử quốc gia; chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử tại địa phương đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, để đưa vào danh sách hiệp thương.

- Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nộp một bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở đơn vị hành chính mà mình ứng cử. Người tự ứng cử, người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của địa phương nào thì phải là người đang cư trú hoặc công tác thường xuyên ở địa phương đó.

Sau khi nhận và xem xét hồ sơ của những người tự ứng cử, người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử, nếu thấy hợp lệ theo quy định của Luật này thì Ủy ban bầu cử chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của những người ứng cử đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để đưa vào danh sách hiệp thương.

- Công dân chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu Hội đồng nhân dân tối đa ở hai cấp trong cùng một nhiệm kỳ; nếu nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội thì chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu Hội đồng nhân dân ở một cấp.

Xem thêm Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.

13

tin noi bat
Tin mới
Các tin khác