
Lùi thời điểm thông qua Luật sửa đổi Luật Quy hoạch đến Kỳ họp thứ 10 (Hình từ Internet)
Lùi thời điểm thông qua Luật sửa đổi Luật Quy hoạch đến Kỳ họp thứ 10
Quốc hội thông qua Nghị quyết 227/2025/QH15 về Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Quốc hội đã thông qua 34 luật và 34 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu đối với 06 dự án luật (danh mục kèm theo), trong đó, quyết định điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch sang Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV để tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi toàn diện.
Về giải pháp tiếp tục triển khai công tác quy hoạch gắn với sắp xếp đơn vị hành chính trong thời gian chưa ban hành Luật Quy hoạch (sửa đổi)
(1) Đối với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tinh thời kỳ 2021 - 2030 đã được quyết định hoặc phê duyệt trước ngày 01/7/2025 thì được tiếp tục thực hiện cho đến khi có quy hoạch thay thế hoặc được điều chỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch để bảo đảm không làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các dự án, chương trình, nhiệm vụ đã được quyết định, phê duyệt.
Trường hợp quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã tổ chức lập hoặc điều chỉnh nhưng chưa được quyết định hoặc phê duyệt thì thực hiện quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch;
(2) Đối với các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan cho đến khi có quy định mới;
(3) Giao Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện các nội dung có liên quan đến quy hoạch trong các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Trong thời gian cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch thì được phép áp dụng các quy định tại Nghị quyết 206/2025/QH15 về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật cho đến khi có quy định mới của pháp luật về quy hoạch.
Xem thêm tại Nghị quyết 227/2025/QH15 thông qua ngày 27/6/2025.
Dự án Luật sửa đổi Luật Quy hoạch
Tại Nghị quyết 108/NQ-CP ngày 23/4/2025 về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4 năm 2025, Chính phủ họp về xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch như sau:
- Nghiên cứu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa và phân bổ nguồn lực đi đôi với giám sát, kiểm tra; cắt giảm, đơn giản hóa triệt để thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2025 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 66/NQ-CP), không để chạy chọt, xin - cho, cụ thể: (i) Phân cấp cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thẩm quyền lập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch; (ii) Phân cấp từ Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; (iii) Giao cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chủ động và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định thành lập hội đồng thẩm định quy hoạch và xác định thành phần tham gia hội đồng thẩm định bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả và phù hợp với tính chất, phạm vi của quy hoạch.
- Rà soát kỹ các nội dung bất cập phát sinh trong thực tiễn để bổ sung quy định xử lý như trường hợp xử lý vướng mắc khi có nội dung chưa thống nhất giữa quy hoạch chuyên ngành và quy hoạch tích hợp (vùng, tỉnh), quy hoạch chuyên ngành khác để kịp thời thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh các dự án đầu tư, không để vướng mắc gây ách tắc các hoạt động đầu tư; nghiên cứu bổ sung, tích hợp một số quy hoạch chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật.
- Nghiên cứu, bổ sung quy định (ở điều khoản thi hành) để xử lý chuyển tiếp đối với các quy hoạch đã được phê duyệt (nhất là quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành) khi thực hiện sắp xếp, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, tránh tạo khoảng trống pháp lý trong quá trình tổ chức thi hành Luật.
- Rà soát danh mục các loại quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành; nghiên cứu hợp nhất một số quy hoạch đang có sự giao thoa, chồng chéo, trùng lắp (như: quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh và quy hoạch thủy lợi; quy hoạch đê điều và quy hoạch phòng chống lũ của tuyến sông có đê...); bổ sung quy định mở để cho phép trong trường hợp cần thiết, Chính phủ quy định bổ sung danh mục quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành ngoài danh mục quy định tại Luật Quy hoạch để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.
- Rà soát các nội dung của Luật bảo đảm quy định khung mở, có tính nguyên tắc; giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành những nội dung cụ thể, phân công thực hiện việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch giữa các bộ, cơ quan và những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Xem thêm tại Nghị quyết 108/NQ-CP ngày 23/4/2025.
9
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN