Quy định về xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ từ ngày 01/7/2025

Sau đây là các quy định về xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ từ ngày 01/7/2025.

Quy định về xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ từ ngày 01/7/2025

Quy định về xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ từ ngày 01/7/2025 (Hình từ Internet)

Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 12/2025/TT-BXD ngày 30/6/2025 quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích trên đường bộ; hàng siêu trường, siêu trọng, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ; cấp giấy phép lưu hành cho xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ.

Quy định về xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ từ ngày 01/7/2025

Theo Điều 13 đến Điều 21 Thông tư 12/2025/TT-BXD là các quy định về xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ như sau:

* Quy định chung về xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ

- Đơn vị vận tải phải lựa chọn phương tiện giao thông đường bộ phù hợp với kích thước, khối lượng hàng hóa vận chuyển. Hàng hóa được vận chuyển phải phù hợp với kết cấu của khoang chứa hàng và công năng của phương tiện vận chuyển.

- Việc xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ phải tuân thủ các quy định về khối lượng toàn bộ của xe, tải trọng trục xe, cụm trục xe, chiều cao, chiều rộng, chiều dài xếp hàng hóa cho phép của xe quy định tại Điều 14, Điều 15, Điều 16 và Điều 17 Thông tư 12/2025/TT-BXD và không vượt quá khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trừ trường hợp được cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ.

- Hàng hóa xếp trên phương tiện phải được xếp đặt gọn gàng, xếp dàn đều, chằng buộc chắc chắn, chèn, lót đảm bảo không bị xê dịch theo các phương ngang, phương dọc và phương thẳng đứng; đảm bảo các quy định về vệ sinh môi trường; không để rơi vãi khi phương tiện tham gia giao thông; không cản trở tầm nhìn của lái xe; không làm mất thăng bằng của phương tiện hoặc gây khó khăn cho lái xe khi điều khiển; không che khuất đèn, biển số đăng ký và các cảnh báo an toàn của phương tiện. Một số trang thiết bị thường dùng để gia cố, chằng buộc, chèn, lót hàng hóa được hướng dẫn tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư 12/2025/TT-BXD.

- Đối với các loại hàng hóa là máy móc, phương tiện giao thông, trước khi xếp lên phương tiện phải rút hết nhiên liệu ra khỏi bình chứa. Phương pháp xếp hàng hóa là máy móc, phương tiện giao thông được hướng dẫn tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư 12/2025/TT-BXD.

- Việc xếp hàng hóa trên phương tiện đối với các loại hàng hóa đã được đóng gói thành bao, kiện, thùng, cuộn, khối thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Việc xếp các loại hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện thực hiện theo quy định về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và quy định tại Chương V Thông tư 12/2025/TT-BXD.

* Giới hạn tải trọng trục xe, cụm trục xe

- Trục đơn: tải trọng trục xe ≤ 10 tấn.

- Cụm trục kép, phụ thuộc vào khoảng cách (d) của hai tâm trục:

+ Trường hợp d < 1,0 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 11 tấn;

+ Trường hợp 1,0 mét ≤ d < 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 16 tấn;

+ Trường hợp d ≥ 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 18 tấn.

- Cụm trục ba, phụ thuộc vào khoảng cách (d) của hai tâm trục liền kề:

+ Trường hợp d ≤ 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 21 tấn;

+ Trường hợp d > 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 24 tấn.

* Giới hạn khối lượng toàn bộ của xe, tổ hợp xe

- Đối với xe ô tô có tổng số trục:

+ Bằng hai, khối lượng toàn bộ của xe ≤ 16 tấn;

+ Bằng ba, khối lượng toàn bộ của xe ≤ 24 tấn;

+ Bằng bốn, khối lượng toàn bộ của xe ≤ 30 tấn;

+ Bằng năm hoặc lớn hơn và khoảng cách tính từ tâm trục đầu tiên đến tâm trục cuối cùng nhỏ hơn hoặc bằng 7 mét, khối lượng toàn bộ của xe ≤ 32 tấn;

+ Bằng năm hoặc lớn hơn và khoảng cách tính từ tâm trục đầu tiên đến tâm trục cuối cùng lớn hơn 7 mét, khối lượng toàn bộ của xe ≤ 34 tấn.

- Đối với tổ hợp xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc có tổng số trục:

+ Bằng ba, khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe ≤ 26 tấn;

+ Bằng bốn, khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe ≤ 34 tấn;

+ Bằng năm và khoảng cách từ tâm chốt kéo đến tâm trục bánh đầu tiên của sơ mi rơ moóc từ 3,2 mét đến 4,5 mét, khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe ≤ 38 tấn;

+ Bằng năm và khoảng cách từ tâm chốt kéo đến tâm trục bánh đầu tiên của sơ mi rơ moóc lớn hơn 4,5 mét, khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe ≤ 42 tấn;

+ Bằng sáu hoặc lớn hơn và khoảng cách từ tâm chốt kéo đến tâm trục bánh đầu tiên của sơ mi rơ moóc từ 3,2 mét đến 4,5 mét, khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe ≤ 40 tấn; trường hợp chở một công te nơ, khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe ≤ 42 tấn;

+ Bằng sáu hoặc lớn hơn và khoảng cách từ tâm chốt kéo đến tâm trục bánh đầu tiên của sơ mi rơ moóc lớn hơn 4,5 mét đến 6,5 mét, khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe ≤ 44 tấn;

+ Bằng sáu hoặc lớn hơn và khoảng cách từ tâm chốt kéo đến tâm trục bánh đầu tiên của sơ mi rơ moóc lớn hơn 6,5 mét, khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe ≤ 48 tấn.

- Đối với tổ hợp xe ô tô kéo rơ moóc: khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe gồm khối lượng toàn bộ của xe ô tô (tương ứng với khối lượng toàn bộ của xe được quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư 12/2025/TT-BXD) và tổng tải trọng các trục xe, cụm trục xe của rơ moóc được kéo theo (tương ứng với tải trọng trục xe, cụm trục xe được quy định tại Điều 14 Thông tư 12/2025/TT-BXD), cụ thể như sau:

+ Trường hợp xe ô tô kéo rơ moóc một cụm trục với khoảng cách tính từ tâm lỗ chốt kéo của thanh kéo đến điểm giữa của cụm trục của rơ moóc đo trên mặt phẳng nằm ngang của thanh kéo lớn hơn hoặc bằng 3,7 mét, khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe ≤ 45 tấn;

+ Trường hợp xe ô tô kéo rơ moóc nhiều cụm trục với khoảng cách tính từ tâm lỗ chốt kéo của thanh kéo đến tâm trục trước hoặc điểm giữa của cụm trục trước của rơ moóc đo theo mặt phẳng nằm ngang của thanh kéo lớn hơn hoặc bằng 3,0 mét, khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe ≤ 45 tấn.

- Đối với trường hợp tổ hợp xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc quy định tại điểm c, điểm đ khoản 2 Điều 15 Thông tư 12/2025/TT-BXD nhưng có khoảng cách tính từ tâm chốt kéo đến tâm trục bánh đầu tiên của sơ mi rơ moóc < 3,2 mét hoặc tổ hợp xe ô tô kéo rơ moóc một cụm trục quy định tại điểm a khoản 3 Điều 15 Thông tư 12/2025/TT-BXD nhưng có khoảng cách tính từ tâm lỗ chốt kéo của thanh kéo đến điểm giữa cụm trục của rơ moóc nhỏ hơn 3,7 mét hoặc tổ hợp xe ô tô kéo rơ moóc nhiều cụm trục quy định tại điểm b khoản 3 Điều 15 Thông tư 12/2025/TT-BXD nhưng có khoảng cách tính từ tâm lỗ chốt kéo của thanh kéo đến tâm trục trước hoặc điểm giữa của cụm trục trước của rơ moóc nhỏ hơn 3,0  mét, khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe phải giảm 2 tấn trên 1 mét dài ngắn đi của các khoảng cách nêu tại khoản này tương ứng với từng trường hợp.

* Chiều cao xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ

- Đối với xe tải thùng hở có mui, chiều cao xếp hàng hóa cho phép là chiều cao giới hạn trong phạm vi thùng xe theo thiết kế được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.

- Đối với xe tải thùng hở không mui, hàng hóa xếp trên xe vượt quá chiều cao của thùng xe theo thiết kế được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe phải được chằng buộc, kê, chèn chắc chắn đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ. Chiều cao xếp hàng hóa cho phép không vượt quá chiều cao quy định dưới đây, tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên:

+ Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở theo thiết kế từ 5 tấn trở lên được ghi trong trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe: chiều cao xếp hàng hóa không quá 4,2 mét;

+ Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở theo thiết kế từ 2,5 tấn đến dưới 5 tấn được ghi trong trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe: chiều cao xếp hàng hóa không quá 3,5 mét;

+ Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở theo thiết kế dưới 2,5 tấn được ghi trong trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe: chiều cao xếp hàng hóa không quá 2,8 mét.

- Xe chở công te nơ: chiều cao xếp hàng hóa tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên không quá 4,35 mét.

- Khi vận chuyển hàng rời, vật liệu xây dựng, phế thải: chiều cao xếp hàng hóa thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 49 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

- Xe mô tô, xe gắn máy: chiều cao xếp hàng hóa thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 33 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

* Chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ

- Chiều rộng xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là chiều rộng của thùng xe theo thiết kế được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.

- Chiều dài xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không được lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe theo thiết kế được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe và không được lớn hơn 20,0 mét. Trường hợp sử dụng thiết bị có hình dạng như công te nơ (không phải công te nơ) để chứa hàng, khi xếp thiết bị này lên rơ moóc, sơ mi rơ moóc không được vượt quá chiều dài theo thiết kế (được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) của rơ moóc, sơ mi rơ moóc.

- Xe ô tô chở người không được phép xếp hàng hóa, hành lý nhô ra quá kích thước bao ngoài của xe và không được xếp hàng hóa, hành lý trên nóc xe (trừ trường hợp có thiết kế được cơ quan đăng kiểm chứng nhận) để đảm bảo an toàn giao thông.

- Xe mô tô, xe gắn máy: chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 33 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

- Xe thô sơ: chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 31 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

* Quy định về xếp hàng rời

- Khi vận chuyển hàng rời, vật liệu xây dựng phải thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 49 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

- Việc xếp hàng rời và che đậy hàng rời được hướng dẫn tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư 12/2025/TT-BXD.

* Quy định về xếp hàng bao kiện

- Các kiện hàng có khối lượng nặng hơn, có bao gói cứng, ổn định được xếp ở phía dưới.

- Các kiện hàng có kích thước giống nhau sắp xếp cùng nhau.

- Các kiện hàng bị nghiêng, lệch được xếp vào giữa để đảm bảo hạn chế xô lệch trong quá trình vận chuyển.

- Trường hợp giữa các kiện hàng có khoảng cách, phải dùng các thiết bị, dụng cụ chèn, lót để chống va chạm, xê dịch trong quá trình vận chuyển. Trường hợp sau khi xếp hàng xong mà vẫn có khoảng trống trong thùng của xe thì phải sử dụng các thiết bị, dụng cụ chèn, lót để cố định hàng hóa.

* Quy định về xếp hàng dạng trụ

- Hàng dạng trụ được xếp nằm ngang hoặc nằm dọc theo chiều dài phương tiện tùy thuộc vào chiều dài của hàng so với thùng của phương tiện. Khi đặt nằm ngang phải đặt vuông góc với chiều dài phương tiện.

- Hàng dạng trụ có chiều cao nhỏ hơn hoặc bằng đường kính thì phải được đặt thẳng đứng sao cho trục hàng dạng trụ vuông góc với mặt đáy thùng phương tiện hoặc thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Hàng dạng trụ phải được chằng buộc chắc chắn vào thành của phương tiện và phải sử dụng thùng hàng chuyên dụng hoặc sử dụng giá kê, giá đỡ có các thiết bị chêm, đế chêm hoặc máng, thiết bị chèn, lót, chằng buộc để cố định trên sàn thùng xe, đảm bảo chắc chắn, tránh dịch chuyển hàng hóa theo phương ngang, phương dọc và phương thẳng đứng trong quá trình vận chuyển.

- Hàng dạng trụ có bề mặt trơn nhẵn, khi xếp chồng lên nhau phải sử dụng vật liệu đệm lót giữa các lớp hàng để chống trơn trượt.

- Việc xếp và cố định hàng dạng trụ được hướng dẫn tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư 12/2025/TT-BXD.

* Quy định về xếp hàng vào công te nơ và xếp công te nơ trên phương tiện

- Việc xếp hàng vào công te nơ phải đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Công te nơ phù hợp với loại hàng hóa và đặc tính của hàng hóa;

+ Chèn, lót để hàng hóa trong công te nơ không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển;

+ Khối lượng sử dụng lớn nhất và hàng hóa xếp trong công te nơ thực hiện theo quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7553:2005 (ISO 668:1995) về công te nơ vận chuyển loại 1 - Phân loại, kích thước và khối lượng danh định;

+ Việc xếp hàng vào công te nơ được hướng dẫn tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư 12/2025/TT-BXD.

- Khi vận chuyển công te nơ phải sử dụng tổ hợp xe ô tô đầu kéo với rơ moóc, sơ mi rơ moóc hoặc xe ô tô tải vận chuyển công te nơ phù hợp với loại công te nơ.

- Công te nơ được thiết kế và sản xuất theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kiểm tra và chế tạo công te nơ vận chuyển trên các phương tiện vận tải. Công te nơ phải được cố định chắc chắn với phương tiện vận chuyển thông qua các cơ cấu khóa hãm đảm bảo không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển.

Xem thêm tại Thông tư 12/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 thay thế Thông tư 39/2024/TT-BGTVT.

 

20



tin noi bat
Tin mới
Các tin khác