
Chế độ, chính sách đối với công chứng viên của Phòng công chứng được chuyển đổi (Hình từ internet)
Ngày 15/05/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 104/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng 2024.
Chế độ, chính sách đối với công chứng viên của Phòng công chứng được chuyển đổi
Theo Điều 12 Nghị định 104/2025/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với công chứng viên, viên chức khác, người lao động của Phòng công chứng được chuyển đổi như sau:
- Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với công chứng viên, viên chức khác, người lao động của Phòng công chứng được chuyển đổi thực hiện theo quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động và pháp luật có liên quan.
- Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tại địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chế độ, chính sách quy định nêu trên.
Như vậy, việc giải quyết chế độ, chính sách đối với công chứng viên, viên chức khác, người lao động của Phòng công chứng được chuyển đổi thực hiện theo quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động và pháp luật có liên quan.
Lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi, giải thể các Phòng công chứng
Căn cứ mức tự chủ tài chính của Phòng công chứng, lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi, giải thể Phòng công chứng tại các địa phương được thực hiện như sau:
- Đối với các Phòng công chứng tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư: Chậm nhất là ngày 31/12/2026;
- Đối với các Phòng công chứng tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên: Chậm nhất là ngày 31/12/2027;
- Đối với các Phòng công chứng không thuộc quy định nêu trên: Chậm nhất là ngày 31/12/2028.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định của Luật Công chứng 2024, Nghị định 104/2025/NĐ-CP, pháp luật về tổ chức, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập và tình hình thực tế tại địa phương để quyết định việc chuyển đổi, giải thể các Phòng công chứng của địa phương phù hợp với lộ trình quy định.
(Điều 15 Nghị định 104/2025/NĐ-CP)
Phương thức chuyển đổi Phòng công chứng từ 01/7/2025
Theo Điều 10 Nghị định 104/2025/NĐ-CP quy định phương thức chuyển đổi Phòng công chứng như sau:
- Quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng được chuyển giao cho các công chứng viên đang là viên chức của Phòng công chứng dự kiến chuyển đổi. Giá quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng được xác định là số tiền nộp ngân sách và nộp thuế trung bình trong 03 năm gần nhất của Phòng công chứng dự kiến chuyển đổi.
- Trường hợp công chứng viên của Phòng công chứng không nhận chuyển đổi Phòng công chứng hoặc không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Công chứng 2024 thì quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng được tổ chức bán đấu giá.
Giá khởi điểm để đấu giá được xác định là số tiền nộp ngân sách và nộp thuế trung bình trong 03 năm gần nhất của Phòng công chứng. Việc bán đấu giá được thực hiện theo trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản công.
- Quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng không bao gồm giá trị trụ sở, trang thiết bị và tài sản khác thuộc sở hữu của Nhà nước mà Phòng công chứng đó đang quản lý, sử dụng.
Nghị định 104/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025, thay thế Nghị định 29/2015/NĐ-CP.
10
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN