Quy trình công chứng điện tử trực tiếp từ ngày 01/7/2025

Nội dung bài viết là quy trình công chứng điện tử trực tiếp có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.

Quy trình công chứng điện tử trực tiếp từ ngày 01/7/2025

Quy trình công chứng điện tử trực tiếp từ ngày 01/7/2025 (Hình từ Internet)

Ngày 15/5/2025, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 104/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng.

Quy trình công chứng điện tử trực tiếp từ ngày 01/7/2025

Theo Điều 52 Nghị định 104/2025/NĐ-CP quy định về quy trình công chứng điện tử trực tiếp như sau:

- Người yêu cầu công chứng, công chứng viên thực hiện các công việc theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 43 Luật Công chứng 2024.

- Giao dịch công chứng điện tử trực tiếp được khởi tạo bởi công chứng viên phải bao gồm tài khoản của công chứng viên và tài khoản của những người tham gia giao dịch công chứng (nếu có).

- Công chứng viên tải lên nền tảng công chứng điện tử văn bản giao dịch đã được soạn thảo ở dạng thông điệp dữ liệu hoặc văn bản giao dịch đã được ký số bởi người có thẩm quyền giao kết giao dịch theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Công chứng 2024.

- Người yêu cầu công chứng tự đọc lại văn bản giao dịch trên nền tảng công chứng điện tử hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe theo đề nghị của người yêu cầu công chứng.

- Người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo giao dịch thì xuất trình giấy tờ theo quy định tại khoản 7 Điều 42 Luật Công chứng 2024 để công chứng viên đối chiếu.

Công chứng viên kiểm tra giấy tờ do người yêu cầu công chứng xuất trình, đối chiếu thông tin giấy tờ với cơ sở dữ liệu (nếu có). Sau khi đối chiếu, nếu giấy tờ bảo đảm tính xác thực, công chứng viên chuyển đổi toàn bộ giấy tờ do người yêu cầu công chứng xuất trình thành thông điệp dữ liệu và tải lên nền tảng công chứng điện tử để thực hiện lưu trữ.

- Công chứng viên nhận diện và xác thực nhân thân người tham gia giao dịch, sau đó chứng kiến người tham gia giao dịch ký số vào văn bản giao dịch.

- Công chứng viên kiểm tra tính hợp lệ của chữ ký số mà người tham gia giao dịch đã ký, sau đó ký số, gắn dấu thời gian vào lời chứng.

- Tổ chức hành nghề công chứng ghi số văn bản công chứng, ký số, gắn dấu thời gian, thực hiện thu phí công chứng, thu giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng (sau đây gọi là giá dịch vụ) và các chi phí khác có liên quan, sau đó gửi văn bản công chứng điện tử cho người yêu cầu công chứng theo địa chỉ email hoặc phương thức lưu trữ mà người yêu cầu công chứng đăng ký.

- Tổ chức hành nghề công chứng thực hiện vào sổ công chứng, lập và lưu trữ hồ sơ công chứng điện tử.

Quy định về nền tảng công chứng điện tử và cổng tham chiếu dữ liệu công chứng

Theo Điều 51 Nghị định 104/2025/NĐ-CP quy định về nền tảng công chứng điện tử và cổng tham chiếu dữ liệu công chứng như sau:

- Nền tảng công chứng điện tử là hệ thống thông tin được tạo lập trên môi trường điện tử cho phép các bên cung cấp, sử dụng và thực hiện dịch vụ công chứng điện tử theo quy định của pháp luật về công chứng và giao dịch điện tử, đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Có giải pháp, công nghệ sử dụng tài khoản định danh điện tử tối thiểu là mức độ 2 của cá nhân, tài khoản định danh điện tử của tổ chức theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử;

+ Khi cung cấp dịch vụ công chứng điện tử trực tuyến, phải có giải pháp, công nghệ xác thực tài khoản định danh điện tử đáp ứng mức độ 02 trở lên theo pháp luật về định danh và xác thực điện tử;

+ Có giải pháp, công nghệ để thu thập, hỗ trợ kiểm tra và đối chiếu, bảo đảm bản sao điện tử trong hồ sơ công chứng điện tử có nội dung đầy đủ, chính xác và khớp đúng so với bản chính theo quy định của pháp luật;

+ Có giải pháp, công nghệ video call để hỗ trợ công chứng viên tương tác với người tham gia giao dịch và hỗ trợ chụp, lưu hình ảnh người tham gia giao dịch ký văn bản công chứng;

+ Phải kết nối với cơ sở dữ liệu công chứng của địa phương nơi tổ chức hành nghề công chứng hoạt động để cung cấp thông tin cập nhật vào cơ sở dữ liệu công chứng theo thời gian thực;

+ Sử dụng phần mềm ký số đáp ứng yêu cầu của pháp luật về chữ ký số và dịch vụ tin cậy.

- Cổng tham chiếu dữ liệu công chứng là điểm truy cập chính thức để tham chiếu thông tin văn bản công chứng và các dữ liệu công chứng khác theo quy định của pháp luật.

- Cơ sở dữ liệu công chứng, nền tảng công chứng điện tử và cổng tham chiếu dữ liệu công chứng phải đáp ứng tiêu chuẩn an toàn hệ thống thông tin tối thiểu là cấp độ 3 theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng.

- Tổ chức hành nghề công chứng sử dụng nền tảng công chứng điện tử và khai thác cơ sở dữ liệu công chứng phải trả chi phí theo quy định của pháp luật.

Xem thêm tại Nghị định 104/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, thay thế Nghị định 29/2015/NĐ-CP.

 

74

tin noi bat
Tin mới
Các tin khác