
Thủ tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ (Hình từ internet)
Thủ tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ
Tại Danh mục thủ tục hành chính được chuẩn hóa thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong đó, có kèm theo Quyết định 753/QĐ-BKHCN năm 2025 quy định cụ thể về thủ tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ cụ thể như sau:
Trình tự thực hiện
Bước 1: Tác giả công trình hoặc người đại diện hợp pháp của tác giả công trình gửi hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ tại cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý tác giả công trình hoặc Sở Khoa học và Công nghệ nơi tác giả cư trú (Trường hợp tác giả công trình không có cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý).
Đối với tác giả là người nước ngoài có công trình nghiên cứu về Việt Nam, hồ sơ công trình được nộp ở một tổ chức khoa học và công nghệ. Tổ chức khoa học và công nghệ có trách nhiệm hướng dẫn tác giả công trình và tổ chức xét tặng Giải thưởng theo quy định.
Hồ sơ được xem xét, đánh giá tại Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp cơ sở do Thủ trưởng cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý tác giả công trình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nơi tác giả hoặc đại diện hợp pháp của tác giả cư trú, người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ quyết định thành lập.
Việc xét tặng Giải thưởng được hoàn thành trong thời hạn 30 ngày tính từ thời điểm kết thúc nhận hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng.
Thủ trưởng cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý tác giả công trình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ thành lập Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp cơ sở; gửi hồ sơ các công trình đạt ít nhất 80% tổng số thành viên Hội đồng cấp cơ sở bỏ phiếu đồng ý đến Thủ trưởng cơ quan thành lập Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp bộ, ngành, địa phương để thực hiện các thủ tục tiếp theo.
Bước 2: Hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ được xem xét, đánh giá tại Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp bộ, ngành, địa phương do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập.
Việc xét tặng Giải thưởng được hoàn thành trong thời hạn 30 ngày tính từ thời điểm kết thúc nhận hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng từ cấp cơ sở.
Thủ trưởng cơ quan thành lập Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp bộ, ngành, địa phương gửi hồ sơ các công trình đạt ít nhất 80% tổng số thành viên Hội đồng cấp bộ, ngành, địa phương bỏ phiếu đồng ý đến Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện các thủ tục tiếp theo.
Bước 3: Xem xét, đánh giá Hồ sơ công trình tại cấp Nhà nước thực hiện qua hai bước:
- Bước 3.1: Hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ được xem xét, đánh giá tại Hội đồng xét tặng Giải thưởng chuyên ngành cấp Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập.
Việc tổ chức xét tặng Giải thưởng được hoàn thành trong thời hạn 90 ngày tính từ thời điểm kết thúc nhận hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng từ cấp bộ, ngành, địa phương.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ gửi hồ sơ các công trình đạt ít nhất 90% tổng số thành viên Hội đồng bỏ phiếu đồng ý đến Hội đồng cấp Nhà nước để xem xét, lựa chọn.
- Bước 3.2: Hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ được xem xét, đánh giá tại Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Hội đồng có Tổ công tác giúp việc do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập.
Việc tổ chức xét tặng Giải thưởng được hoàn thành trong thời hạn 30 ngày tính từ thời điểm Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp Nhà nước nhận được hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng.
Các công trình đạt ít nhất 80% tổng số thành viên Hội đồng dự họp bỏ phiếu đồng ý được gửi đến Bộ Nội vụ để tổng hợp hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch Nước và trao tặng Bằng chứng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.
Cách thức thực hiện
Hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng được tác giả công trình hoặc đại diện hợp pháp của tác giả công trình nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính.
Thành phần
- Bản đăng ký đề nghị xét tặng Giải thưởng (bản chính);
- Báo cáo tóm tắt công trình (bản chính);
- Tài liệu liên quan đến việc công bố hoặc bản chính Văn bản xác nhận kết quả ứng dụng công trình;
- Bản sao các văn bản, tư liệu khoa học và công nghệ, tài liệu khác có liên quan đến công trình (nếu có).
Đối với công trình nghiên cứu về Việt Nam của tác giả là người nước ngoài mà hồ sơ sử dụng ngôn ngữ nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch tiếng Việt được công chứng theo quy định của pháp luật (bản chính).
Số lượng hồ sơ
- 01 bộ hồ sơ (bản giấy)
- 01 bản điện tử (dạng PDF) được lưu trong USB
Thời hạn giải quyết
Theo quy định tại Kế hoạch xét tặng Giải thưởng được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành trước mỗi đợt xét tặng Giải thưởng (Giải thưởng được xét tặng và công bố 05 năm một lần, vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 02/9).
Việc xét tặng Giải thưởng cấp cơ sở được hoàn thành trong thời hạn 30 ngày tính từ thời điểm kết thúc nhận hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng.
Việc xét tặng Giải thưởng được hoàn thành trong thời hạn 30 ngày tính từ thời điểm kết thúc nhận hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng từ cấp cơ sở.
Việc tổ chức xét tặng Giải thưởng chuyên ngành cấp Nhà nước được hoàn thành trong thời hạn 90 ngày tính từ thời điểm kết thúc nhận hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng từ cấp bộ, ngành, địa phương.
Việc tổ chức xét tặng Giải thưởng cấp Nhà nước được hoàn thành trong thời hạn 30 ngày tính từ thời điểm Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp Nhà nước nhận được hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng.
Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính
Tác giả công trình hoặc đại diện hợp pháp của tác giả công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.
Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính
Người có thẩm quyền quyết định: Chủ tịch nước.
Cơ quan trực tiếp thực hiện: Cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng xét tặng Giải thưởng các cấp.
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính
Quyết định của Chủ tịch nước về việc tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ; Bằng chứng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.
Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai
- Bản đăng ký đề nghị xét tặng Giải thưởng (Mẫu số 01);
- Báo cáo tóm tắt công trình (Mẫu số 02a, Mẫu số 02b, Mẫu số 02c);
- Văn bản xác nhận kết quả ứng dụng công trình (Mẫu số 03);
Điều kiện xét tặng Giải thưởng
Đối với tác giả:
- Trực tiếp sáng tạo, đóng góp vào giá trị khoa học và công nghệ của công trình; không vi phạm quy định tại Điều 8 Luật Khoa học và công nghệ và đáp ứng điều kiện sau đây:
+ Đối với người Việt Nam: Chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
+ Đối với người nước ngoài: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, pháp luật và phong tục, tập quán tốt đẹp của Việt Nam.
Đối với công trình
- Công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng phải có Hồ sơ hợp lệ, được công bố theo quy định (trừ các công trình có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước), hoặc được ứng dụng tại Việt Nam.
- Thời gian công trình được công bố hoặc ứng dụng trong thực tiễn ít nhất là 03 năm hoặc công trình được ứng dụng đổi mới sáng tạo có hiệu quả ít nhất 01 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.
Tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng
Đối với công trình nghiên cứu khoa học
- Công trình đặc biệt xuất sắc
Kết quả nghiên cứu của công trình có phát minh mới hoặc là thành tựu khoa học nổi trội, tiêu biểu, dẫn tới những thay đổi đặc biệt quan trọng trong nhận thức, sản xuất, quốc phòng, an ninh và đời sống xã hội.
- Công trình có giá trị rất cao về khoa học
+ Tìm ra bản chất, quy luật phát triển của sự vật, hiện tượng hoặc đạt một trong các tiêu chí sau: Hình thành hướng nghiên cứu mới; tư tưởng, quan niệm mới; nhận thức mới; cách tiếp cận mới; lý thuyết mới; phương pháp mới; tri thức mới; phát hiện mới về khoa học và công nghệ;
+ Được công bố, trích dẫn trên các tạp chí khoa học có uy tín trong nước hoặc quốc tế.
- Công trình có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ của đất nước hoặc ứng dụng trong thực tiễn có một trong các tác dụng sau:
+ Mang lại hiệu quả kinh tế lớn hoặc làm thay đổi hợp lý cơ cấu ngành nghề; tiết kiệm chi phí sản xuất; nâng cao năng suất lao động; giảm thiểu tác động xấu đến môi trường;
+ Đóng góp đặc biệt quan trọng cho việc dự báo xu hướng tương lai, hoạch định và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
+ Làm chuyển biến nhận thức của xã hội hoặc tác động đặc biệt quan trọng đến đời sống xã hội; nâng cao dân trí; thay đổi tích cực hành vi ứng xử của nhóm, tầng lớp trong xã hội;
+ Có tác dụng lớn trong giáo dục, được sử dụng cho công tác nghiên cứu và đào tạo đại học, sau đại học.
Đối với công trình nghiên cứu phát triển công nghệ
- Công trình đặc biệt xuất sắc
Kết quả nghiên cứu của công trình là thành tựu khoa học, công nghệ nổi trội, tiêu biểu, có tính sáng tạo và đổi mới đặc biệt quan trọng về công nghệ hoặc tạo ra được công nghệ mới đạt trình độ tiên tiến quốc tế hoặc khu vực.
- Công trình có giá trị rất cao về khoa học, công nghệ
+ Giải quyết được những vấn đề then chốt để cải tiến, đổi mới công nghệ, tạo sản phẩm mới hoặc được cấp bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc được công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín;
+ Góp phần đặc biệt quan trọng thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tạo điều kiện hình thành và phát triển ngành nghề mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của ngành kinh tế.
- Công trình có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ của đất nước hoặc ứng dụng trong thực tiễn có một trong các tác dụng sau:
+ Mang lại hiệu quả kinh tế lớn hoặc tạo ra sản phẩm quốc gia, sản phẩm có thương hiệu xuất khẩu, thay thế hàng nhập khẩu;
+ Làm thay đổi phương thức lao động, sản xuất truyền thống hoặc cải thiện điều kiện và môi trường lao động, sản xuất hoặc góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân;
+ Phát triển công nghệ đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới đối với ngành, lĩnh vực, địa phương.
Đối với công trình ứng dụng công nghệ
- Công trình đặc biệt xuất sắc
Kết quả ứng dụng công nghệ là thành tựu ứng dụng công nghệ nổi trội, tiêu biểu, có sáng tạo đặc biệt, góp phần sản xuất hàng hóa ở quy mô công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
- Công trình có giá trị rất cao về công nghệ, được ứng dụng thành công và có hiệu quả trong các công trình trọng điểm quốc gia, thuộc một trong các loại trường hợp sau:
+ Sáng tạo ra công nghệ đặc biệt mang tính đột phá;
+ Có những cải tiến kỹ thuật, công nghệ đặc biệt quan trọng mang lại hiệu quả cao;
- Xây dựng được phương án tổng thể với các giải pháp kỹ thuật đồng bộ kèm theo.
- Công trình có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ của đất nước hoặc ứng dụng trong thực tiễn có một trong các tác dụng sau:
+ Tạo ra hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn, đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội hoặc quốc phòng - an ninh hoặc tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, thay thế hàng nhập khẩu;
+ Có đóng góp quan trọng trong phát triển khoa học và công nghệ của lĩnh vực.
Nguyễn Tùng Lâm
8