
Đề xuất cơ cấu lại các Tòa án nhân dân huyện thành Tòa án nhân dân khu vực (Hình ảnh từ Internet)
Ngày 08/5/2025, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Sẽ cơ cấu các Tòa án nhân dân huyện thành Tòa án nhân dân khu vực
Tại Kỳ họp thứ 9, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án nhân dân, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các quy định có liên quan.
Ngoài ra, trên cơ sở mô hình tổ chức hệ thống Tòa án 03 cấp, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tòa án nhân dân khu vực.
Trong đó, về Tòa án nhân dân khu vực, cơ cấu lại các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thành Tòa án nhân dân khu vực; Sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân khu vực, trong đó quy định tại các Tòa án nhân dân khu vực có các Tòa chuyên trách gồm: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Gia đình và người chưa thành niên.
Nêu quan điểm thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND với các lý do nêu tại Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC). Nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất với hệ thống pháp luật. Phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào các quy định có liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn của TAND theo mô hình tổ chức 03 cấp. Hồ sơ dự án Luật đầy đủ, đúng quy định, bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành quy định về tổ chức TAND gồm TANDTC, TAND cấp tỉnh, TAND khu vực. (Các Tòa án quân sự được giữ nguyên theo Luật hiện hành). Kết thúc hoạt động của TAND cấp cao và TAND cấp huyện. Đồng thời, Ủy ban cơ bản nhất trí việc phân định lại nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp Tòa án, các nội dung sửa đổi, điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của các TAND là thực hiện đúng chủ trương về tăng cường phân cấp, phân quyền; phù hợp với tổ chức bộ máy, nguồn lực hiện có và khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao; bảo đảm TAND 03 cấp hoạt động bình thường, không gián đoạn.
Như vậy, tại Kỳ họp thứ 9, Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân,dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án nhân dân, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các quy định có liên quan đã đề xuất cơ cấu lại các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thành Tòa án nhân dân khu vực.
Kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao và cấp huyện
Trước đó, ngày 12/4/2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.
Theo đó, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII cơ bản thống nhất với các nội dung đề xuất của Bộ Chính trị và Đề án về phương án sắp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; xây dựng hệ thống tổ chức đảng ở địa phương; chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.
Thông qua một số nội dung cụ thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thiện và nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị như sau:
Trong đó, về hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp: Đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân có 3 cấp: Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cấp tỉnh, cấp khu vực. Kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện.
Như vậy, Nghị quyết 60-NQ/TW năm 2025 chốt kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân cấp cao và cấp huyện, chỉ giữ lại Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cấp tỉnh, cấp khu vực.
Xem chi tiết nội dung Kỳ họp thứ 9.
20
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN