
Chính sách của Nhà nước đối với tổ hợp công nghiệp quốc phòng từ 01/7/2025 (Hình từ internet)
Ngày 06/05/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 99/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024.
Chính sách của Nhà nước đối với tổ hợp công nghiệp quốc phòng từ 01/7/2025
Chính sách của Nhà nước đối với tổ hợp công nghiệp quốc phòng được quy định tại Điều 14 Nghị định 99/2025/NĐ-CP như sau:
- Bộ Quốc phòng ban hành chiến lược phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng; giao nhiệm vụ, kế hoạch dài hạn sản xuất quốc phòng và quản lý việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ hợp công nghiệp quốc phòng thông qua hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng.
- Thúc đẩy liên doanh, liên kết giữa các thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng:
+ Ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, chiến thuật trong lĩnh vực quân sự đối với các sản phẩm của tổ hợp công nghiệp quốc phòng;
+ Các bộ, ngành theo chức năng quản lý có trách nhiệm hỗ trợ cung cấp cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp để xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng;
+ Tạo điều kiện cho các thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quân sự, chương trình đào tạo, chương trình khảo sát trong nước và nước ngoài liên quan đến nhóm, chuyên ngành sản phẩm vũ khí trang bị kỹ thuật của tổ hợp công nghiệp quốc phòng.
- Bộ Quốc phòng xây dựng đề án, chương trình phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ số, công nghệ nền, công nghệ lõi thuộc lĩnh vực quản lý trên cơ sở danh mục và chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia được phê duyệt để thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật, ưu tiên vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược và giao cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng triển khai thực hiện. Kinh phí triển khai đề án, chương trình được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước.
- Trên cơ sở chương trình phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược quốc gia, Bộ Quốc phòng xây dựng đề án, chương trình phát triển công nghệ chiến lược để nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật và giao tổ hợp công nghiệp quốc phòng triển khai thực hiện. Kinh phí triển khai thực hiện được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước.
- Ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, trang thiết bị cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng; đảm bảo kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị trọng điểm phục vụ nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật, nhất là vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược.
- Hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng và thành phần khác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng được sử dụng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị do Nhà nước đầu tư để thực hiện các nhiệm vụ của tổ hợp công nghiệp quốc phòng.
- Bộ Quốc phòng ưu tiên bố trí kinh phí triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong nước và nước ngoài để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu, phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược.
Thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng từ 01/7/2025
Thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng bao gồm:
- Hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng.
- Thành phần khác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng gồm một hoặc các loại hình cơ sở công nghiệp quốc phòng sau:
+ Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt không phải là hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng;
+ Cơ sở công nghiệp quốc phòng khác;
+ Cơ sở công nghiệp động viên;
+ Cơ sở huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.
- Việc công nhận, hủy công nhận hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng được thực hiện theo quy định tại Điều 11, 12 Nghị định 99/2025/NĐ-CP.
- Cơ chế phối hợp giữa hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng và thành phần khác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024.
(Điều 9 Nghị định 99/2025/NĐ-CP)
7
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN