
Tại sao không sáp nhập tỉnh Cao Bằng (Hình từ Internet)
Tại sao không sáp nhập tỉnh Cao Bằng?
Theo Quyết định 759/QĐ-TTg năm 2025, nội dung về vấn đề không sáp nhập tỉnh Cao Bằng như sau:
Riêng đối với tỉnh Cao Bằng có diện tích tự nhiên chưa đạt theo quy định (6.700,4 km2 chỉ đạt 83,8% tiêu chuẩn) nhưng không thực hiện sắp xếp vì các lý do:
(1) Tỉnh có đường biên giới quốc gia rất dài giáp với nước Trung Quốc, địa hình đồi núi cao chia cắt phức tạp, hiểm trở, có gần 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số;
(2) Các tỉnh giáp ranh đều không phù hợp để sắp xếp, sáp nhập: Phía Tây giáp ranh tỉnh Hà Giang đã dự kiến sáp nhập với tỉnh Tuyên Quang thành một tỉnh mới có diện tích tự nhiên lớn. Phía Nam giáp ranh với tỉnh Bắc Kạn nhưng đã dự kiến sáp nhập với tỉnh Thái Nguyên. Phía Đông giáp ranh với tỉnh Lạng Sơn có diện tích lớn và đã bảo đảm đạt 100% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích và quy mô dân số, nếu sáp nhập tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn sẽ thành một tỉnh mới có chiều dài đường biên giới lớn, khó khăn trong công tác bảo đảm quốc phòng an ninh.
Xem thêm Quyết định 759/QĐ-TTg năm 2025.
Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương về biên phòng
Theo Điều 33 Luật Biên phòng Việt Nam 2020. trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp về vấn đề biên phòng được quy định như sau:
- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Hội đồng nhân dân các cấp nơi có biên giới quốc gia có trách nhiệm sau đây:
+ Quyết định chủ trương, biện pháp, huy động các nguồn lực bảo đảm thực thi nhiệm vụ biên phòng phù hợp với Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh;
+ Quyết định ngân sách bảo đảm thực thi nhiệm vụ biên phòng và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách ở địa phương; chính sách ưu tiên bảo đảm nhà ở, đất ở và các chính sách khác cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng công tác lâu dài ở khu vực biên giới;
+ Giám sát thực hiện pháp luật về biên phòng ở địa phương.
- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ủy ban nhân dân các cấp nơi có biên giới quốc gia thực hiện quản lý nhà nước về biên phòng và có trách nhiệm sau đây:
+ Lập dự toán ngân sách trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bảo đảm thực thi nhiệm vụ biên phòng và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách ở địa phương;
+ Tập trung và huy động các nguồn lực xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh ở địa phương; thực hiện Ngày biên phòng toàn dân; thực hiện chính sách hậu phương quân đội;
+ Sắp xếp, bố trí dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng; kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới;
+ Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức phong trào quần chúng nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở biên giới;
+ Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp nơi không có biên giới quốc gia có trách nhiệm sau đây:
+ Hội đồng nhân dân các cấp quyết định chủ trương, biện pháp, ngân sách, giám sát, huy động các nguồn lực bảo đảm thực thi nhiệm vụ biên phòng;
+ Ủy ban nhân dân các cấp tham gia, phối hợp với cơ quan, tổ chức để thực thi nhiệm vụ biên phòng, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biên phòng; tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đối ngoại ở biên giới; thực hiện Ngày biên phòng toàn dân; thực hiện chính sách hậu phương quân đội.
Lê Quang Nhật Minh
59
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN