Tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật Năng lượng nguyên tử, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Chính phủ quyết nghị một số nội dung về xây dựng pháp luật. Trong đó có nội dung tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật Năng lượng nguyên tử, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Dự kiến dự án Luật Năng lượng nguyên tử tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Dự kiến dự án Luật Năng lượng nguyên tử tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV(Hình từ Internet)

Tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật Năng lượng nguyên tử

Theo Nghị quyết 69/NQ-CP năm 2025, Chính phủ quyết nghị tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật Năng lượng nguyên tử, giao Bộ Khoa học và Công nghệ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Cụ thể nội dung như sau:

Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và đánh giá cao việc Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực, chủ động phối hợp các Bộ, cơ quan, địa phương trong việc xây dựng dự án Luật. Yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ, ý kiến các cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật đáp ứng các yêu cầu sau:

(1) Rà soát để thể chế hóa tại dự thảo Luật này các cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đã được nêu tại Nghị quyết 57-NQ/TW năm 2024, Nghị quyết 193/2025/QH15.

(2) Nội dung dự thảo Luật phải đúng thẩm quyền của Quốc hội, đúng với chủ trương về đổi mới công tác xây dựng pháp luật, phù hợp thực tiễn; bổ sung nội dung về trường hợp có các quy định pháp luật khác nhau về cùng một vấn đề liên quan đến lĩnh vực năng lượng nguyên tử thì ưu tiên áp dụng Luật này để tạo điều kiện triển khai nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam; các quy định phải ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát; bảo đảm tính ổn định, lâu dài, thông thoáng và khả thi trong tổ chức thực hiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm áp dụng.

(3) Tiếp tục rà soát, nghiên cứu một số vấn đề cụ thể: (i) Các khoản, điều, chương, mục dự thảo Luật, bảo đảm tính logic, không mâu thuẫn, quy định rõ trong Luật các điều khoản nào sẽ có hiệu lực ngay; bổ sung quy định về bảo đảm an toàn, an ninh các cơ sở hạt nhân như nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng nghiên cứu, quy định về cơ quan pháp quy hạt nhân và giải trình cụ thể về sự cần thiết; (ii) các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân để quy định rõ trong dự thảo Luật; (iii) kinh nghiệm, pháp luật của các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, các khuyến cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) để luật hóa các nội dung phù hợp với nhu cầu phát triển và đặc thù của Việt Nam, bảo đảm tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

(4) Tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh mạnh phân cấp, phân quyền nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong việc thực thi pháp luật, về phân cấp thẩm quyền cấp phép nhà máy hạt nhân, hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng Quốc hội quy định về nguyên tắc cơ bản, tiêu chí chung việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, giao Bộ quản lý ngành hoặc cơ quan kỹ thuật chuyên ngành trực thuộc thực hiện cấp phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu đầy đủ chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, ý kiến các Thành viên Chính phủ, bảo đảm các quy định được diễn đạt cụ thể, dễ hiểu, tránh trường hợp nội dung dự thảo Luật quá dài và chi tiết hoặc quá ngắn, sơ lược; phối hợp với Bộ Tư pháp khẩn trương rà soát ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật bảo đảm chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định, lưu ý báo cáo, phân tích rõ các nội dung được sửa đổi và bổ sung mới.

Giao Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội để xem xét, thông qua đối với dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Xem thêm tại Nghị quyết 69/NQ-CP năm 2025.

Lê Quang Nhật Minh

15



tin noi bat
Tin mới
Các tin khác