Mở đầu họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho
biết, từ ngày 30/7 tới trưa 31/7, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ, tập trung
bàn về tình hình KH-XH tháng 7 và 7 tháng đầu năm, cho ý kiến về một số dự án
Luật và sẽ có Nghị quyết chuyên đề phục vụ chỉ đạo điều hành thời gian tới.
Chính phủ thống nhất nhận định tình hình kinh tế vĩ mô tiếp
tục xu hướng tích cực, lạm phát trong tầm kiểm soát. Công nghiệp trong tháng 7
phát triển khá; xuất nhập khẩu duy trì tăng trưởng, giữ được xuất siêu 1,26 tỷ
USD, thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng về xuất khẩu. Thu ngân sách đạt kết quả
tốt, vượt xa so với cùng kỳ. Văn hóa xã hội được giữ vững, trong tháng 7 có nhiều
hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7) để đền ơn đáp nghĩa, tri ân
những người có công, các ngành, đoàn thể tập trung vận động nhân dân thể hiện
tinh thần uống nước nhớ nguồn. An ninh quốc phòng, ngoại giao được giữ vững.
Tai nạn giao thông kéo giảm cả 3 chỉ số, tuy số người chết giảm chưa nhiều
nhưng cũng nói lên nỗ lực rất lớn. Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo,
xử lý những vướng mắc khó khăn, tiếp tục tinh thần như Quý II chúng ta đã xây dựng
những nghị quyết, chủ chương, chỉ thị tháo gỡ vướng mắc cụ thể về thuế, hải
quan và một số việc khác. Lần này Chính phủ họp cũng có một Nghị quyết để tăng
cường tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá nếu duy trì tăng trưởng với đà
này thì chưa vượt qua được sự trì trệ của nền kinh tế. Nếu không có đột phá nào
mới sẽ rất khó khăn để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 5,8%. Biểu hiện là tổng cầu
chưa có chuyển biến đáng kể, CPI tăng thấp. Hiện nay có tình trạng, một số lĩnh
vực cạn vốn, nhất vốn đối ứng ODA, một số dự án đang chờ vốn đối ứng, trong khi
nguồn tiền đang đọng lại trong kho bạc chưa giải ngân. Chuyện này không chỉ thấy
trong tháng 7 mà thấy từ những tháng trước nhưng chưa có động thái quyết liệt,
nên lần này Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt.
Về phương hướng sắp tới, Chính phủ quyết định không điều chỉnh
chỉ tiêu, mục tiêu, tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt bằng giải pháp cụ thể,
đem lại hiệu quả thiết thực. Theo các chuyên gia, phải nỗ lực cao độ thì GDP mới
đạt 5,8%. Nhưng với các cơ sở đã có, Thủ tướng kết luận, bắt đầu từ tháng 8 phải
tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, giải ngân các dự án đầu từ công,
huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, tập trung
tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Và cũng phải quan tâm tới tăng trưởng tín dụng,
gắn liền với kiểm soát. Hiện nay, trong lĩnh vực ngân hàng, nếu chúng ta không
kiểm soát chặt chẽ thì cũng có thể xảy ra vấn đề. Vừa qua đã khởi tố một số đối
tượng trong lĩnh vực này.
Đồng thời, chúng ta cần quan tâm tới cải cách hành chính. Muốn
làm các việc nêu trên có hiệu quả thì các thành viên Chính phủ, những người đứng
đầu các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường, nâng cao trách nhiệm, theo hướng
công khai minh bạch, có sự giám sát của quần chúng nhân dân. Chính phủ đã ban
hành quy định siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính. Đây không phải vấn đề mới
nhưng phải tăng cường hơn, buộc các thành viên Chính phủ phải nâng cao trách
nhiệm giải trình, thực hiện các hoạt động có giám sát. Trong tháng 8 này, sẽ
công bố chỉ số cải cách hành chính, tiến tới công bố chỉ số hài lòng trên một số
lĩnh vực phục vụ nhân dân. Trên tinh thần đó, chúng ta tiếp tục theo dõi, giám
sát để mỗi người có trách nhiệm đều phải làm tròn nhiệm vụ, nếu không làm tròn
thì có quy định nhận xét, đánh giá và có chế tài, mà trước mắt tập trung vào
lĩnh vực thuế, hải quan, để tạo chuyển biến mới. Trong các lĩnh vực này, chúng
ta đã làm nhưng so với các nước trong khu vực thì còn thấp, mà như Thủ tướng
nói, thấp là không thể chấp nhận được. Do vậy, từng ngành từng cấp phải nỗ lực
cao nhất, hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra.
Bây giờ tôi xin trả lời câu hỏi của các bạn.
PV Chính Trung (Báo An ninh Thủ đô): Thời
gian qua, thế giới đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn hàng không thảm khốc. Rất
đáng tiếc, tại Việt Nam cũng đã xảy ra một vụ tai nạn máy bay quân sự khiến 19
chiến sĩ hy sinh, 2 đồng chí vẫn đang điều trị trong Viện Bỏng Quốc gia. Bên cạnh
đó, thời gian qua cũng đã ghi nhận nhiều vụ việc nghiêm trọng vi phạm an toàn
bay theo đánh giá của Bộ GTVT như vụ máy bay hạ cánh nhầm sân bay hay vụ máy
bay phải bay lòng vòng trên trời vì nhân viên kiểm soát không lưu có lỗi. Tôi
xin hỏi phiên họp Chính phủ vừa rồi có đề cập đến nội dung này không? Chính phủ
đã và sẽ có những biện pháp thế nào để chỉ đạo giải quyết ngay những tình trạng
này để các chuyến bay của chúng ta an toàn tuyệt đối 100%?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Vừa qua, Phó Thủ tướng
Hoàng Trung Hải đã có cuộc họp chỉ đạo về an ninh an toàn hàng không. Những vụ
việc này được Chính phủ đặc biệt coi trọng. Đã có những tín hiệu chỉ đạo rất
quyết liệt từ Bộ Giao thông vận tải. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã phân
công 1 Thứ trưởng của Bộ trực tiếp kiểm tra tình hình cụ thể, có những giải
pháp chấn chỉnh ngay, không để xảy ra những điều đáng tiếc như thời gian qua.
Tinh thần chung là Chính phủ rất quan tâm và có chỉ đạo ngay từ những vụ việc đầu
tiên xảy ra.
Phóng viên Vietnamnet: Trong cuộc họp này,
Chính phủ có bàn thảo vấn đề về thuế. Mức trần của quảng cáo thì vẫn được giữ
nguyên và lần này được mở rộng hơn, tức là không áp mức trần quảng cáo 15% cho
các chi phí khuyến mại. Xin Bộ trưởng làm rõ việc này?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Lĩnh vực cụ thể này
thì tôi đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến. Xin mời Bộ Tài chính.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Để sửa
nội dung này là thẩm quyền của Quốc hội vì trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp,
mức khống chế 15% không chỉ áp với quảng cáo, mà còn bao gồm cả thiết bị, khánh
tiết, khuyến mại, hội nghị, hỗ trợ chi khác... Do vậy để minh bạch chính sách,
để đảm bảo đúng với tình hình thực tế hiện nay và trong các quy định, trong hội
nhập đàm phán của chúng ta, Bộ Tài chính đã trình để Chính phủ có một nghị quyết,
trong đó có nội dung là giao cho Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Quốc hội quy định
chỉ khống chế 15% đối với chi quảng cáo thay vì một loạt các cái khoản chi
khác.
PV Thế Dũng (Báo Người Lao động): Tại cuộc họp
báo Chính phủ thường kỳ tháng trước, trong thông cáo có đề cập việc đã trình
lãnh đạo cấp cao việc chuẩn bị hồ sơ pháp lý khởi kiện Trung Quốc đối với vụ việc
Giàn khoan Hải Dương 981. Vừa rồi, Trung Quốc đã rút giàn khoan. Giới chuyên
gia đánh giá đây chỉ là bước chiến thuật nằm trong kế hoạch của họ. Vậy, với
tình thế mới thì việc khởi kiện Trung Quốc có được đề cập trong cuộc họp lần
này không? Giới chuyên gia cho rằng chúng ta không khởi kiện Trung Quốc khi họ
rút đi cũng là mất đi một cơ hội rất lớn trong việc khẳng định chủ quyền của
mình.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Chúng ta đều biết sự
kiện Trung Quốc đặt và rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Bạn hỏi
hôm nay Chính phủ có bàn về việc này không, tôi xin trả lời là không. Còn những
công việc mà chúng ta đã và đang làm vẫn được tiếp tục. Kỳ họp lần trước có
thông tin rằng Chính phủ chỉ đạo các lực lượng chức năng chuẩn bị những gì cần
thiết có liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Hiện nay, chúng ta vẫn
tiếp tục nghiên cứu các biện pháp pháp lý. Chúng ta sẽ chọn thời điểm và cách
thức phù hợp. Vấn đề này do cấp lãnh đạo quyết định.
PV Vũ Hạnh (Báo điện tử VOV): Liên quan đến
việc triển khai giai đoạn hai của Dự án đường ống nước sạch Sông Đà, hôm nay
(31/7) Thành phố Hà Nội đã có văn bản xin cơ chế đặc thù cho Dự án này. Quan điểm
của Chính phủ về văn bản của thành phố Hà Nội là như thế nào? Dư luận cũng đã đặt
câu hỏi vì sao Dự án đã có quá nhiều lỗi như thế mà Vinaconex vẫn được chỉ định
thực hiện giai đoạn hai của Dự án? Nếu như không có chuyện khởi tố thì liệu
chuyện gì sẽ xảy ra tiếp và Chính phủ sẽ xử lí việc lựa chọn đơn vị thi công
như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Đường ống nước Sông Đà
bị vỡ thời gian qua ở Hà Nội là điều rất đáng tiếc, làm ảnh hưởng tới cuộc sống
hàng vạn người. Chính phủ rất quan tâm và đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng
tiến hành xem xét những công việc theo chức năng được giao. Hiện nay thẩm quyền
xử lý vấn đề này là của Bộ Xây dựng và thành phố Hà Nội. Có những dấu hiệu vi
phạm pháp luật nên Cơ quan điều tra đã vào cuộc. Đề nghị chúng ta tiếp tục theo
dõi, khi có những thông tin cần thiết, chúng tôi sẽ thông báo với các bạn. Xin
cảm ơn!
Phóng viên Anh Vũ (Báo Thanh Niên): Theo
thông tin chúng tôi biết, tại dự án Formosa Hà Tĩnh có hàng nghìn công nhân
Trung Quốc chưa trở lại làm việc. Vậy xin Bộ trưởng cho biết số phận các dự án
liên quan dến nhà thầu Trung Quốc đến nay ra sao? Câu hỏi thứ hai, cơ quan Công
an đã khởi tố 3 lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng. Xin cho biết NHNN có biết hoạt động
yếu kém của ngân hàng này hay khi Công an khởi tố mới biết? Và hoạt động hỗ trợ
thanh khoản như thế nào vì có một số người gửi tiền đã rút tiền khỏi ngân hàng
này?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Về dự án Formosa, Thủ
tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng phối hợp với Hà Tĩnh kiểm tra, soát
xét lại toàn bộ hoạt động của dự án. Khi nào có thông tin chính thức sẽ thông
báo với các bạn. Còn câu hỏi thứ hai, xin mời đại diện NHNN.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến: Quá trình
cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, trong đó có giám sát các ngân hàng yếu kém thực
hiện theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đã đạt được kết quả
tương đối tích cực. Như thông báo của NHNN về việc một số cá nhân từng tham gia
Ngân hàng Xây dựng bị bắt giam, NHNN đã và đang giám sát để bảo đảm rằng hoạt động
của Ngân hàng không bị ảnh hưởng bất lợi bởi sự kiện này; những dấu hiệu vi phạm
pháp luật, qua quá trình giám sát thanh tra thì NHNN đã có phát hiện và có biện
pháp xử lý. Vừa qua cơ quan pháp luật đã vào cuộc, NHNN đã phối hợp với các địa
phương thông tin để người gửi tiền yên tâm. Hai là dự phòng các biện pháp,
trong đó có hỗ trợ thanh khoản với ngân hàng này. Trong 2 ngày qua, đã có người
gửi tiền tại Ngân hàng Xây dựng đến rút tiền, tuy nhiên theo số liệu chúng tôi
nắm được, chỉ sang ngày thứ hai, tức là ngày hôm nay, thì hầu như không còn.
Trong quá trình giám sát hệ thống ngân hàng cũng như cơ cấu
các ngân hàng yếu kém, tất cả tiền gửi của người gửi tiền đều được bảo đảm. Chỉ
có một số ít người thiếu tin tưởng, nôn nóng rút tiền trước thời hạn, từ đó
không được hưởng lãi thì chịu thiệt thòi. Chúng tôi khuyến cáo người gửi tiền
tin tưởng vào các biện pháp của Chính phủ, của NHNN, không nên vội vàng rút tiền
sớm, ảnh hưởng đến quyền lợi của chính người gửi tiền. Các biện pháp của NHNN sẽ
bảo đảm hoạt động của ngân hàng luôn được duy trì an toàn, khắc phục tất cả những
tồn tại, hạn chế và tiếp tục phát triển, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền.
Qua báo chí, chúng tôi xin chuyển thông điệp này đến người dân.
PV Tố Như (Báo Nông nghiệp Việt Nam): Tôi xin
hỏi về kỳ thi chung quốc gia. Cách đây 3-4 ngày, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã
trình 3 phương án thi chung. Tuy nhiên, trong văn bản của Thủ tướng Chính phủ lại
đưa ra câu chuyện là sẽ sớm có phương án cuối cùng, phương án chính thức để áp
dụng vào năm 2015. Tuy nhiên, tôi thấy có nhiều ý kiến chưa đồng nhất về việc
có thể thực hiện được kỳ thi năm 2015 vì nhiều lý do, ví dụ như các trường chưa
kịp chuẩn bị. Tôi có thể hiểu là Chính phủ vẫn muốn chọn năm 2015 để “ép” các địa
phương, các trường thực hiện mà có thể là chưa có sự đồng thuận của nhân dân?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Như thông tin đã công
bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, kỳ thi năm nay Bộ Giáo dục và Đào
tạo đã đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức, đem lại một số kết quả. Bên cạnh
việc đổi mới toàn diện hơn, sâu sắc hơn, chất lượng, hiệu quả hơn, Chính phủ đã
chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo hết sức cẩn trọng các bước đưa ra, làm thế nào để
phát huy hết năng lực cá nhân của học sinh, tạo không khí học tập chung. Trên
tinh thần đó, cố gắng làm thế nào theo đúng lộ trình năm 2015 phải có kỳ thi
chung. Nhưng đây là vấn đề khó, vấn đề lớn, cần lắng nghe nhiều chiều, nhiều hướng.
Đến giờ này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang mở những diễn đàn thu thập thông
tin, lắng nghe và chọn lựa, báo cáo Thủ tướng để thực hiện.
PV Vũ Như Huyền (Trung tâm tin tức VTV): Hiện
nay, tại Kho bạc nhà nước đang tồn 90.000 tỷ đồng trong khi rất nhiều dự án chậm
tiến độ vì không thể giải ngân được vốn. Vậy xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân
của tình trạng dồn ứ vốn này và hướng giải quyết trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Xin cảm ơn câu hỏi của
bạn. Như tôi nói phần đầu, đây là vấn đề mà Thủ tướng đã quan tâm chỉ đạo các
ngành chức năng cần tính toán phương án để làm thế nào giải ngân số tiền này.
Nhưng mỗi nguồn tiền có những quy định riêng, cho nên lĩnh vực này đến giờ này
dù muốn hay không cũng là chậm. Sự tồn đọng này chúng ta cần xử lý sớm. Đề nghị
Bộ Tài chính giải thích thêm để báo chí có thông tin thông báo rộng rãi cho
nhân dân hiểu. Xin mời Thứ trưởng Bộ Tài chính.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Qua
số liệu của 6 tháng cũng như 7 tháng, chúng ta đang có sự tồn ngân cao hơn mức
bình thường khoảng 15-16%. Nguyên nhân chính là đà dự toán thu khá, 63,3% so với
dự toán nhưng dự toán chi đạt 59%, trong đó chi đầu tư cũng đạt khoảng 57%.
Đúng là có tồn ngân. Nguyên nhân là các dự án đầu tư hiện nay giải ngân chậm.
Qua thực hiện công tác giám sát, quản lý giải ngân, chúng tôi cho rằng vẫn còn
một số nguyên nhân. Nguyên nhân chính là công tác giải phóng mặt bằng chậm.
Nguyên nhân thứ 2 là thủ tục hành chính của chúng ta trong lĩnh vực xây dựng, dự
án, đấu thầu vẫn còn kéo dài so với thời gian quy định cũng như so với yêu cầu
cải cách. Nguyên nhân thứ 3 là do các sự kiện ngày 12-14/5 (công nhân một số địa
phương biểu tình phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương
981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam– BT) ảnh hưởng tới
14-15 dự án. Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ
Tài chính đang phối hợp với các bộ, địa phương để khắc phục, đẩy nhanh giải
ngân, đạt được dự toán năm, đưa tồn ngân về mức chấp nhận được.
PV Nhật Minh (Báo điện tử Vnexpress): Xin hỏi
về vụ việc bắt giữ một số lãnh đạo của Tập đoàn Thiên Thanh. Trong những ngày
qua, dư luận rất quan tâm đến vụ việc này nhưng thông tin chính thức cho biết
lý do bắt là cố ý làm trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ việc này liên
quan đến vấn đề giám sát ngân hàng. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết thêm thông
tin ban đầu về việc các cựu lãnh đạo doanh nghiệp này đã làm trái những vấn đề
gì, gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Thủ tướng Chính phủ đã
chỉ đạo chặt chẽ, khi chúng ta hoạt động ở lĩnh vực nào thì phải gắn với giám
sát, kiểm tra. Vụ án mà bạn hỏi mới được khởi tố và bắt giam, chưa có thông tin
gì, mọi việc còn nằm trong vòng điều tra. Vì vậy, khi đưa tin, chúng ta phải
thông tin để không gây ra ngộ nhận và không để nhân dân ảnh hưởng tâm lý, băn
khoăn, lo lắng không cần thiết.
PV Báo Nông thôn ngày nay: Thưa Bộ trưởng,
tái cơ cấu nền nông nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 6/2013,
nhưng đến nay rất ít tỉnh triển khai thực hiện theo Đề án này. Theo số liệu của
báo chúng tôi thì có 23/63 tỉnh thực hiện Đề án này, trong khi đây là ngành
kinh tế chủ lực của đất nước vào thời điểm hiện này. Xin Chính phủ cho biết
quan điểm của mình trong việc tìm ra giải pháp để thực hiện quyết liệt hơn vấn
đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Lĩnh vực này thì chúng
ta đã trao đổi với nhau rất nhiều. Hiện nay cả nước quan tâm; lãnh đạo cũng rất
quan tâm, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ kỳ họp nào cũng bàn về
lĩnh vực tái cơ cấu chung, trong đó có tái cơ cấu nông nghiệp. Bộ trưởng NNPTNT
cũng rất quyết tâm đưa ra những giải pháp cụ thể để chỉ đạo điều hành trên từng
lĩnh vực. Đây là một mảng rộng, lớn, nên nếu bạn hỏi cụ thể vấn đề gì, ở đâu
thì có Thứ trưởng Bộ NNPTNT ở đây trả lời cụ thể. Tinh thần chung là chúng ta
đang thực hiện có hiệu quả, đến giờ chúng ta đã và đang thực hiện tương đối tốt.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Chúng ta đã thực hiện quyết
định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đến
ngày 10/6 thì được hơn một năm. Sau đó thì Bộ Nông nghiệp đã triển khai rất quyết
liệt. Bộ trưởng đã ký một kế hoạch thực hiện tái cơ cấu theo Đề án mà Thủ tướng
phê duyệt. Như bạn vừa nêu, đến ngày hôm nay khoảng 25 địa phương đã phê duyệt
Đề án tái cơ cấu của địa phương mình.
Tuy nhiên, đây là vấn đề chúng ta phải làm lâu dài, căn cơ
cho nên các địa phương cần phải nghiên cứu tất cả những điều kiện, lợi thế, khó
khăn và nguồn lực để tính toán sát, căn cơ, hiệu quả hơn. Và ở đây chúng ta
cũng hiểu rằng, tái cơ cấu đối với các địa phương thì chúng ta làm với các địa
phương; nhưng đối với ngành thì phải làm từng lĩnh vực. Hiện nay, Bộ trưởng đã
phê duyệt tái cơ cấu tất cả các lĩnh vực, từng lĩnh vực như trồng trọt, chăn
nuôi, lâm nghiệp, thủy sản... Từng lĩnh vực đang triển khai rất quyết liệt, như
chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vấn đề phát triển chăn nuôi nông hộ,
thực hiện những nghị định trong lĩnh vực thủy sản mà Bộ trình Thủ tướng Chính
phủ mới phê duyệt để hỗ trợ ngành thủy sản… Cách đây hơn 1 tháng, Bộ đã sơ kết,
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến chủ trì và chỉ đạo tiếp.
PV Chí Tùng (Báo Lao động): Trong thông cáo
báo chí hôm nay phát đi, có thông tin Thủ tướng chỉ đạo sát sao việc quan tâm đến
1.500 người lao động ở Libya. Xin hỏi Bộ trưởng chúng ta có lập tổ hàng không để
có thể vận chuyển người Việt Nam về trong tình huống khẩn cấp không?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Đến giờ này, Thủ tướng
Chính phủ và Chính phủ rất quan tâm đến người lao động của chúng ta hiện nay ở
Libya. Sau khi chúng ta thống nhất chương trình hợp tác đưa người lao động sang
Libya lúc đó thì tình hình hoạt động của chúng ta ở đó tương đối ổn. Nhưng hiện
nay, khi chiến sự xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bảo đảm tuyệt đối an
toàn cho người lao động. Có một số nơi, chúng ta đã chuẩn bị để đưa người lao động
về và một số nơi chưa có chiến sự thì chúng ta đã tính toán sẵn phương án. Hiện
nay chúng ta đã kết nối đường dây nóng sang Libya 24/24 giờ. Trong mọi tình huống,
chúng ta không để xảy ra thiệt hại đối với người lao động, chúng ta tạo mọi điều
kiện có thể để thực hiện nhiệm vụ này.
PV Công Thành (Báo Tiền Phong): Tôi còn nhớ,
sau buổi họp đầu tiên của Bộ trưởng với báo chí, Bộ trưởng đã nói rằng có thể
chúng ta sẽ thay đổi phương thức họp báo VPCP thường kỳ. Có thể chúng ta sẽ họp
báo theo chuyên đề, có các chủ đề cụ thể trong phiên họp báo để phóng viên tập
trung khai thác sâu vào các vấn đề cụ thể, tránh lan man. Tôi xin hỏi, sau nhiều
tháng chúng ta tiến hành họp báo, VPCP đã có những phương án gì để thay đổi,
nâng cao chất lượng họp báo?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Thủ tướng Chính phủ đã
có chỉ đạo về những phương pháp chuyển tải thông tin đến nhân dân qua kênh báo
chí. Chúng ta phải thường xuyên đổi mới. Một trong những phương thức đổi mới Thủ
tướng Chính phủ đã gợi ý là nghiên cứu họp chuyên đề và không nhất thiết là phải
cuối tháng mới họp. Nghĩa là chúng ta có thể họp báo bất cứ lúc nào khi có tình
huống cần.
Vấn đề này hiện nay đang làm, nhưng làm ở các bộ. Các bộ khi
xuất hiện vấn đề gì là tổ chức họp báo ngay. Như sự kiện biển đảo vừa qua, Bộ
Ngoại giao đã làm rất nhiều lần, liên tục, khi xuất hiện tình huống mới là
chúng ta họp báo. Các bộ khác cũng vậy.
Còn ở diễn đàn này, hiện chúng ta đang vừa làm, vừa cải tiến
chất lượng để đảm bảo chúng ta ngày càng gần gũi hơn, gắn kết chặt chẽ hơn nhằm
chuyển tải những thông tin của Chính phủ để người dân chia sẻ, qua đó có những
giám sát, công khai.
PV Nguyên Long (VOV): Vừa rồi Phó Thủ tướng
Hoàng Trung Hải có yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải điện.
Tuy nhiên, hiện nay đang gặp một khó khăn rất lớn là việc quy định những hàng
siêu trường, siêu trọng, quá khổ quá tải của Bộ Giao thông vận tải khiến cho các
thiết bị điện không được chở đi. Vậy xin được hỏi Bộ Giao thông vận tải đã có
giải pháp như thế nào đối với không chỉ các thiết bị điện mà thiết bị siêu trường,
siêu trọng nói chung?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: Hôm trước
có 6, 7 báo nêu vấn đề này. Sau khi Bộ trưởng Giao thông vận tải họp và có kiểm
tra cụ thể, đến giờ phút này chưa có một xe nào bị dừng do chở thiết bị điện lực
cho các nhà máy thủy điện cũng như nhà máy nhiệt điện. Chỉ có điều, cũng có vấn
đề liên quan là theo quy định, tất cả xe quá khổ, quá tải được cấp phép thì trước
khi vận tải, phải kiểm tra phù hợp với đơn vị quản lý đường bộ ở đấy để kiểm
tra tình trạng cầu đường. Nếu cầu đường nào chịu được thì thôi, còn những cầu
nào yếu thì bản thân đơn vị vận tải đó phải phối hợp với đơn vị quản lý để tăng
cường cầu đường. Vừa rồi Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã làm việc với Bộ, tất cả
những đơn vị cần tăng cường thì Bộ Giao thông vận tải đã tăng cường xong. Hiện
nay không có xe quá khổ, quá tải bị dừng. Tuy nhiên, hiện Bộ Giao thông vận tải
đang làm rất chặt những xe vượt tải quy định. Những xe không đáp ứng được tải
trọng trục, có nghĩa là vượt quá tải trọng trục cho phép, thì Bộ kiên quyết bắt
hạ thùng xe, cũng như không đăng kiểm xe quá tải để bảo đảm giữ tải trọng cầu
đường hiện nay.
Nhóm PV
2,769