Chính phủ nhận định dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi)
và dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương là 2 dự án Luật rất quan trọng, tạo
cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, tiếp tục
đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ
trung ương đến địa phương, đáp yêu cầu quản lý điều hành đất nước trong giai đoạn
phát triển mới.
Việc nghiên cứu, soạn thảo 2 dự án Luật này phải trên cơ sở
quán triệt và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng Nhà nước
pháp quyền, đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính
nhà nước; bám sát và cụ thể hóa tinh thần và nội dung các quy định có liên quan
của Hiến pháp năm 2013; tổng kết thực tiễn thi hành, kế thừa các quy định của
Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức HĐND và UBND hiện hành đã được kiểm nghiệm.
Hai dự án Luật phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với
nhau và với các dự án: Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật tổ chức Tòa án
nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật ban hành văn bản quy phạm
pháp luật, Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) và các dự án luật khác.
Cụ thể hóa 3 chức năng và các nhiệm vụ, quyền hạn của
Chính phủ
Đối với một số vấn đề cụ thể về dự án Luật tổ chức
Chính phủ (sửa đổi), Chính phủ thống nhất định hướng quy định như sau: Về vị
trí, chức năng của Chính phủ, cần nghiên cứu, làm rõ nguyên tắc kiểm soát
quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trên cơ sở đó, xác định
cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong mối quan hệ kiểm soát quyền
lực đối với Quốc hội và Tòa án nhân dân để thể hiện đúng vị trí, chức năng cơ
quan thực hiện quyền hành pháp.
Cụ thể hóa 3 chức năng và các nhiệm vụ, quyền hạn đã được Hiến
pháp quy định thành các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Chính phủ theo hướng nhiệm
vụ, quyền hạn của Chính phủ được quy định khái quát, bao quát các lĩnh vực đời
sống kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như trong các mối quan hệ với các thiết
chế nhà nước khác, trong đó có nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ quản lý đối với
tài sản thuộc sở hữu toàn dân.
Quán triệt quan điểm đẩy mạnh phân cấp, phân định thẩm quyền
trung ương – địa phương trong quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Những
quy định này chỉ mang tính nguyên tắc.
Về đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với tài sản của nhà nước
đầu tư vào doanh nghiệp, cần quy định về nguyên tắc theo hướng Chính phủ chịu
trách nhiệm quản lý, sử dụng có hiệu quả đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân,
trong đó có tài sản của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; những nội dung giao
cho Bộ ngành thực hiện vai trò chủ sở hữu sẽ do Chính phủ quy định để bảo đảm
linh hoạt.
Trên cơ sở cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và kế thừa
Luật hiện hành, cần quy định cụ thể hơn các nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng
Chính phủ với tư cách là người đứng đầu Chính phủ. Đồng thời, cụ thể hóa nhiệm
vụ của Thủ tướng đã được Hiến pháp quy định là lãnh đạo và chịu trách nhiệm về
hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm
tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia.
Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và đề cao trách nhiệm của Bộ
trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là thành viên Chính phủ, chủ động
tham gia có hiệu quả vào hoạt động của Tập thể Chính phủ; đồng thời, kế thừa và
sửa đổi, bổ sung những nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm Bộ trưởng là người đứng
đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ, quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trong phạm
vi cả nước. Làm rõ tính chất, nội dung và quy định đầy đủ mối quan hệ giữa các
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong quản lý nhà nước. Phân định rõ
trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với trách nhiệm của
chính quyền địa phương trong việc quản lý những công việc thuộc ngành, lĩnh vực
đã được phân cấp, phân định thẩm quyền cho địa phương.
2 phương án tổ chức chính quyền địa phương tại đô thị
Chính phủ cũng thống nhất định hướng việc xây dựng dự
án Luật tổ chức chính quyền địa phương phải quán triệt và thể hiện được tinh thần
quy định của Hiến pháp là, đổi mới căn bản mô hình tổ chức chính quyền địa
phương phù hợp với đặc điểm của nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính
kinh tế - đặc biệt.
Bảo đảm sự gắn kết thống nhất chặt chẽ giữa HĐND và UBND
trong một thực thể chính quyền địa phương. Đẩy mạnh phân cấp, phân định thẩm
quyền, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả
quản lý của chính quyền địa phương và của từng cấp chính quyền địa phương trong
việc quyết định các vấn đề của địa phương, bảo đảm sự quản lý thống nhất của
trung ương, tính thông suốt của nền hành chính quốc gia.
Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại đô thị, cần
xây dựng 2 phương án để tiếp tục thảo luận, lấy ý kiến: một phương án theo hướng
quận, phường không tổ chức HĐND, chỉ có UBND là cơ quan đại diện của cơ quan
hành chính nhà nước cấp trên trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quản
lý hành chính nhà nước trên địa bàn; phương án khác giữ nguyên như hiện nay.
Nghiên cứu kỹ lưỡng về vị trí, vai trò, mô hình tổ chức của
đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và việc hình thành các đặc khu kinh tế. Dự
án Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc, các luật khác sẽ quy định cụ thể
về các mô hình này.
Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư
pháp, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp thu, lấy ý kiến
tham gia của các cơ quan, tổ chức liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học,
khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng 2 dự án Luật, trình Chính
phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội tại Phiên họp Chính phủ tháng
8/2014.
Đổi mới căn bản quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy
phạm pháp luật
Chính phủ thống nhất nhận định, việc xây dựng, ban hành Luật
ban hành văn bản quy phạm pháp luật lần này có ý nghĩa rất quan trọng, tạo
khuôn khổ pháp lý để khắc phục những bất cập, hạn chế trong việc ban hành và tổ
chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, thúc đẩy cải cách, đơn giản hóa hệ thống
pháp luật, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa,
tạo động lực cho công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước.
Để bảo đảm chất lượng, tính khả thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới,
Chính phủ thống nhất yêu cầu chỉnh lý, tiếp tục hoàn thiện dự án Luật theo hướng
cần thiết phải mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, bao gồm cả vấn đề tổ
chức thi hành pháp luật. Theo đó, có một chương riêng về tổ chức thi hành pháp
luật trong dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, đổi mới căn bản quy trình xây dựng, ban hành
văn bản quy phạm pháp luật để vừa bảo đảm chất lượng, khắc phục những bất cập,
yếu kém của hệ thống pháp luật, nhất là tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, rườm
rà, cồng kềnh, phức tạp, khó tiếp cận, vừa phù hợp với thực tiễn năng động của
cơ chế thị trường ở nước ta, bảo đảm tính khả thi và tính kịp thời trong ban
hành văn bản.
Dự án Luật phải thể được tính độc lập, chủ động, chịu trách
nhiệm đến cùng của Chính phủ trong xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh; đồng
thời có sự kiểm soát đối với cơ quan thực hiện quyền lập pháp và cơ quan thực
hiện quyền tư pháp.
Phân định thẩm quyền trung ương – địa phương cần quy định rõ
hơn trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở quy định của Hiến
pháp năm 2013, cần phân biệt và thể hiện rõ vai trò của Chính phủ và của Thủ tướng
trong đề xuất, phê duyệt chính sách trong các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo
nghị định.
Hoàng Diên
Theo Báo điện tử Chính phủ
3,622