Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê qua đời
vào khoảng hai giờ sáng 24/6 tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TP HCM. Trước đó,
ông trở bệnh nặng vào ngày 27/5 vì suy tim, viêm phổi nặng, thận hư. Ông bị suy
hô hấp khiến không thể tự thở và tim bị rối loạn nhịp chậm. Giáo sư được các
bác sĩ đặt nội khí quản cho thở máy và tiến hành đặt máy tạo nhịp tim từ khoảng
một tháng nay.
Theo đúng bản di nguyện do Giáo sư lập
ra, thi hài Giáo sư được quàn tại tư gia đường Huỳnh Đình Hai, Bình Thạnh. Lễ
nhập liệm diễn ra vào 10h ngày 26/6. Lễ viếng bắt đầu tư 12h trưa và kéo dài đến
hết ngày 28/6. 6h ngày 29/6, lễ động quan diễn ra và sau đó ông được mang về
nghĩa trang Hoa Viên, Bình Dương để hỏa táng.
Tang lễ của Giáo sư Trần Văn Khê do Mặt
Trận Tổ Quốc và gia đình cùng đứng ra tổ chức, do con trai trưởng của ông là
Giáo sư Trần Quang Hải làm chủ.

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê khai đàn
dịp Tết Ất Mùi 2015 tại tư gia.
Từ tháng tư, cảm nhận về việc mình sắp
ra đi, Giáo sư Khê liên lạc với bạn bè thân thiết, trong đó có nhà văn - nhà
báo Nguyễn Đắc Xuân ở Huế để gửi gắm về việc lo giúp mình hậu sự. Ngay khi nghe
tin Trần Văn Khê nhập viện nguy kịch, ông Nguyễn Đắc Xuân bay từ Huế vào TP HCM
và sát cánh bên gia đình giáo sư đến ngày ông mất.
Từ ngày 9/6, khi hay tin cha đang hấp hối,
Giáo sư Trần Quang Hải cũng bay từ Pháp về Việt Nam. Trong giai đoạn này, sức
khỏe Giáo sư Khê nhiều lúc rơi vào nguy kịch khiến gia đình, người thân lo lắng.
Ban tang lễ dự kiến được lập ra từ lúc này để Giáo sư Hải kịp họp bàn chuyện hậu
sự cho cha.
Trong một tháng nằm viện, có lúc tưởng
như Giáo sư Khê có dấu hiệu hồi tỉnh khi sau nhiều ngày hôn mê. Ngày 18/6, ông
mở mắt nhìn con trai và có phản ứng tỏ vẻ hiểu khi nghe trò chuyện. Ngày 21/6,
do bận việc, Giáo sư Hải bay về Pháp. Tuy vậy, chỉ ba ngày sau, Giáo sư Trần
Văn Khê tiếp tục rơi vào hôn mê và không vượt qua được thử thách về sức khỏe lần
này. Ông mất khi chỉ còn đúng một tháng nữa là đến ngày mừng thọ 94 tuổi. Giáo
sư Khê sinh ngày 24/7/1921.
Giáo sư muốn tang lễ thực hiện theo nghi
thức Phật giáo. Thượng tọa Thích Lệ Trang là người chủ tế cho các nghi thức.
Sau thời gian quàn tại tư gia để bạn bè, môn sinh và khán giả đến tưởng nhớ ông
lần cuối, Giáo sư Trần Văn Khê sẽ được hỏa táng. Di nguyện, tro cốt của Giáo sư
được đặt dưới bàn thờ ông bà ở tư gia đường Huỳnh Đình Hai. "Nếu vì một lý
do gì không cho để hũ tro ở tư gia của tôi được thì các con tôi cùng ban tang lễ
quyết định nơi nào lưu trữ thuận tiện nhất", Giáo sư bày tỏ mong ước cuối
đời.
Tại tang lễ, sẽ có một ban nhạc đờn ca
tài tử gồm những người bạn thân và môn sinh của ông hòa tấu một buổi đặc biệt.
Về khoản tiền phúng điếu cho tang lễ, giáo sư bày tỏ mong muốn dùng số tiền này
lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng mang tên ông để hàng năm trao cho người
được giải về nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Giáo sư bên các đĩa than ông từng thực
hiện, trong đó có đĩa than ông hòa đàn cùng nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (trái). Ảnh:
Nguyễn Á
Giáo
sư - Tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ ngành
âm nhạc học tại Pháp. Sau đó, ông trở thành giáo sư tại Đại học
Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế âm nhạc, UNESCO... Ông là
người có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công trong quảng bá
âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới.
Trong hơn nửa thế kỷ sống và nghiên cứu,
giảng dạy âm nhạc dân tộc ở Pháp, Giáo sư Khê luôn tranh thủ những chuyến về nước
ngắn ngủi để tìm hiểu và giao lưu với các nghệ nhân trong nước về nhạc truyền
thống.
Năm 2004, ông chuyển về nước hàng nghìn
cuốn sách, những công trình nghiên cứu, băng video... Tất cả tư liệu được ông
tích góp trong hàng chục năm nghiên cứu âm nhạc được đóng gói trong hơn 460 kiện
hàng đi theo đường biển chở từ Pháp về Việt Nam. Khối lượng tư liệu này được
lưu trữ tại Viện Bảo tàng TP HCM. Tháng 10/2005, Ủy Ban Nhân Dân TP HCM bàn
giao căn biệt thự nhỏ nằm trên đường Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh làm nơi
lưu trú cho Giáo sư Khê. Ngôi nhà này còn là nơi lưu trữ toàn bộ hiện vật liên
quan đến đời sống cá nhân và nghề nghiệp của ông.
Trong bài phỏng vấn với VnExpress vào
năm 2006 - thời điểm ông đón cái Tết đầu tiên ở ngôi nhà mới - Giáo sư Khê tâm
sự: "Tôi luôn mong ước được về Việt Nam, có một ngôi nhà không chỉ là nơi
để ở mà còn là nơi để làm việc. Đó là nơi tập trung và giữ gìn những tư liệu mà
cả đời tôi gom góp được, để sau này cho thế hệ trẻ Việt Nam đến xem, để các bạn
có thể đối thoại với các nền văn hóa âm nhạc trên thế giới".
Giáo sư Khê quay về nước định cư từ năm
2003 ở tuổi 82. Từ đó đến nay, ông nhiều lần phải vào ra bệnh viện cấp cứu vì sức
khỏe yếu. Từ trẻ, ông đã gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Nhưng lần nào ông cũng
kiên cường chiến đấu với bệnh tật và hồi phục sức khỏe ngay sau đó để trở lại với
công việc quảng bá, giảng dạy âm nhạc. Lần nhập viện cuối cũng là lần nằm viện
lâu nhất của ông. Ông chống chọi với bệnh tật cho đến phút cuối cùng.
Giáo
sư Trần Văn Khê đã nhận nhiều giải thưởng quốc tế về đĩa hát và hoạt động
nghiên cứu, quảng bá âm nhạc dân tộc. Các giải thưởng ông đạt được: - Năm 1949: Giải thưởng nhạc
cụ dân tộc tại Liên hoan Thanh niên Budapest. - Năm 1975: Tiến sĩ âm nhạc
danh dự (Docteur en musique, honoris causa) của Đại học Ottawa (Canada). - Năm 1981: Giải thưởng âm
nhạc của UNESCO ở Hội đồng Quốc tế Âm nhạc (Prix UNESCO - CIM de la Musique). - Năm 1991: Huy chương về
Nghệ thuật và Văn chương của Bộ Văn hóa Pháp (Officier de l'Ordre des Arts et
des Lettres, Ministère de la Culture et de l'Information du Gouvernement
français). - Năm 1993: được cử vào
Hàn lâm viện châu Âu về Khoa học, Văn chương, Nghệ thuật; viện sĩ thông tấn. - Năm 1995: Giải thưởng quốc
tế về Dân tộc nhạc học KOIZUMI Fumio (Nhật). - Năm 1998: Huy chương Vì
Văn hóa Dân tộc của Bộ Văn hóa Việt Nam. - Năm 1999: Huân chương
Lao động hạng nhất do Chủ tịch Trần Đức Lương trao. Cũng trong năm này ông được
Đại học Moncton (Canada) trao bằng Tiến sĩ danh dự nhờ học vị và công trình
nghiên cứu về âm nhạc học. - Năm 2011: Giáo sư Khê được
trao giải thưởng "Thành tựu trọn đời trong âm nhạc" do Ủy ban kết
nghĩa Việt - Mỹ của hai thành phố San Francisco và TP HCM trao tặng. Cùng năm
này ông được trao Giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu. - Năm 2005: Giải thưởng
Đào Tấn do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trao tặng. - Năm 2013: Ủy ban Nhân
Dân TP HCM trao tặng Huy hiệu TP HCM cho Giáo sư Khê. Ông là thành viên danh dự
suốt đời của hội đồng Quốc tế âm nhạc thuộc UNESCO. |
Thoại Hà
Theo VnExpress
3,100
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN