Ảnh minh họa
|
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án
“Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương”.
Mục tiêu của Đề án là xây dựng và đưa
vào áp dụng quy trình biên soạn GRDP trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn nước ta nhằm
nâng cao chất lượng số liệu GRDP, đáp ứng nhu cầu thông tin của các cơ quan Đảng,
Nhà nước ở Trung ương và địa phương trong việc đánh giá và dự báo tình hình
kinh tế - xã hội; phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành xây dựng chiến lược, quy
hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương và trên phạm vi cả nước; đồng thời đáp ứng nhu cầu thông tin của
các tổ chức, cá nhân khác.
Đổi
mới nhiều nội dung
Theo Đề án này, sẽ đổi mới quy trình
biên soạn GRDP liên quan đến nhiều nội dung, từ việc chấp hành nghiêm túc Luật
Thống kê và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong thu thập, công bố
và phổ biến thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin thống
kê và các tổ chức, cá nhân sử dụng số liệu GRDP tới việc áp dụng thống nhất phương
pháp chuyên môn nghiệp vụ của người làm công tác thống kê. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Tổng cục Thống kê) trực tiếp biên soạn và công bố số liệu tổng sản phẩm trên địa
bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Đề án cũng sẽ xây dựng và chuẩn hóa đồng
bộ hệ thống thông tin thống kê phục vụ biên soạn tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể, hệ thống thông tin thống kê gồm 3 bộ
phận cấu thành: Thông tin thống kê đầu vào; thông tin thống kê trung gian như hệ
số chi phí trung gian, hệ thống giá và chỉ số giá; thông tin về kết quả đầu ra.
Phương pháp và kỳ biên soạn các chỉ tiêu
là những vấn đề cốt lõi trong nội dung đổi mới quy trình biên soạn GRDP. Số liệu
GRDP sẽ được biên soạn theo phương pháp sản xuất với các chỉ tiêu chủ yếu: Tổng
giá trị GRDP theo giá hiện hành và giá so sánh; cơ cấu giá trị tăng thêm theo
giá hiện hành; tốc độ tăng GRDP theo giá so sánh.
Về kỳ biên soạn và thời gian công bố
GRDP, số liệu GRDP ước tính 6 tháng theo ngành kinh tế cấp I được công bố và phổ
biến vào ngày 30/5 hàng năm; Số liệu GRDP sơ bộ 6 tháng và ước tính cả năm theo
ngành cấp I công bố và phổ biến vào ngày 30/11 hàng năm; Số liệu GRDP sơ bộ cả
năm theo ngành cấp I công bố và phổ biến vào 30/3 năm kế tiếp; Số liệu GRDP
chính thức cả năm theo ngành kinh tế cấp II và thành phần kinh tế (Nhà nước,
ngoài Nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài) công bố và phổ biến vào ngày
30/11 năm kế tiếp.
Khắc
phục tình trạng chênh lệch số liệu thống kê
Theo Quyết định, năm 2015, các địa phương
tiếp tục tính toán, công bố và sử dụng số liệu GRDP theo quy trình hiện hành để
đảm bảo tính thống nhất với các năm trước trong việc đánh giá kết quả thực hiện
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương thông qua.
Năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục
Thống kê) chủ trì, phối hợp với các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương biên soạn và công bố số liệu GRDP.
Từ năm 2017 trở đi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Tổng cục Thống kê) biên soạn và công bố số liệu GRDP; các Cục Thống kê tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thu thập thông tin đầu vào
trên địa bàn báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).
Hiện nay, tổng cộng tổng sản
phẩm trên địa bàn của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chênh lệch khá
lớn (gấp 1,7 lần) so với số liệu tổng sản phẩm trong nước cả nước (GDP). Sự
chênh lệch ngày càng lớn giữa tổng GDP của toàn bộ nền kinh tế và tổng GRDP của
địa phương làm giảm niềm tin của các đối tượng sử dụng thông tin thống kê nói
chung, số liệu GDP nói riêng. Việc giao Bộ Kế hoạch và Đầu
tư (Tổng cục Thống kê) trực tiếp biên soạn và công bố GRDP trên địa bàn tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương sẽ là giải pháp nhằm giảm tình trạng chênh lệch
ngày càng lớn giữa GDP và GRDP. |
Phương Nhi
Theo
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
2,439
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN