
Quy trình kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ (Hình từ Internet)
Quy trình kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ
Theo Quy trình tại Quyết định 467/QĐ-CHQ ngày 29/4/2025, quy trình kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ như sau:
(1) Kiểm tra C/O
(i) Tiếp nhận C/O trên Hệ thống
Căn cứ số tham chiếu, ngày cấp của C/O khai báo trên tờ khai hải quan, công chức truy cập vào Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan cơ quan có thẩm quyền cấp C/O để tra cứu thông tin C/O và cập nhật các thông tin theo các văn bản hướng dẫn từng loại C/O trên Hệ thống trong trường hợp C/O đã có trên hệ thống/trang thông tin điện tử. Việc kiểm tra được thực hiện theo Điều 3 Quy trình này.
(ii) Kiểm tra hình thức của C/O
** Đối với C/O được cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN hoặc được cấp trên trang thông tin điện tử theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu:
- Kiểm tra sự đầy đủ các trường thông tin trên C/O theo mẫu C/O tương ứng theo quy định của Hiệp định thương mại tự do;
- Kiểm tra tên mẫu C/O: dòng chữ FORM D/ FORM E/ FORM S/ FORM AK/ FORM AJ... để đảm bảo phù hợp với Hiệp định tương ứng;
** Đối với C/O được cấp bản giấy, được nộp cho cơ quan dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc chứng từ giấy chuyển đổi sang chứng từ điện tử (bản scan có xác nhận bằng chữ ký số) thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan:
- Kiểm tra thể thức C/O: dòng chữ FORM D/ FORM E/ FORM S/ FORM AK/ FORM AJ...;
- Kiểm tra các thông tin trên C/O để đảm bảo có đầy đủ các thông tin bắt buộc theo quy định;
- Ngôn ngữ và mặt sau của C/O (trường hợp C/O bản giấy) phải theo đúng quy định của Hiệp định thương mại tự do tương ứng và các văn bản pháp luật có liên quan (nếu có).
(iii) Kiểm tra nội dung của C/O
** Số tham chiếu và ngày cấp của C/O:
- Kiểm tra số tham chiếu ngày cấp của C/O với số tham chiếu và ngày cấp khai báo trên tờ khai hải quan.
- Trường hợp cơ quan cấp C/O thông báo về thể thức số tham chiếu của nước đó thì kiểm tra số tham chiếu C/O có phù hợp với thông báo của cơ quan cấp không.
- Mỗi C/O có một số tham chiếu riêng biệt. Trường hợp phát hiện tờ khai nhập khẩu cho các lô hàng khác nhau khai trùng số tham chiếu và ngày cấp của C/O đã khai trên tờ khai hải quan nhập khẩu trước đó thì thực hiện từ chối C/O theo quy định.
- Trường hợp Cục Hải quan đã có văn bản thông báo về cách khai báo thể thức số tham chiếu, ngày cấp của chứng từ chứng nhận xuất xứ, công chức hướng dẫn người khai hải quan khai báo theo quy định. Trường hợp chưa có thông báo của Cục Hải quan thì việc khai báo thực hiện theo khoản 1 Điều 11 Thông tư số 33/2023/TT-BTC.
** Chữ ký và con dấu của C/O đối với C/O không có đầy đủ dữ liệu điện tử để tra cứu: công chức kiểm tra chữ ký, mẫu dấu của người cấp C/O để đảm bảo chữ ký và con dấu đã được thông báo, nằm trong thời hạn hiệu lực và phù hợp với phòng cấp và mẫu được thông báo.
Các thông tin về mẫu con dấu của cơ quan và chữ ký cán bộ có thẩm quyền cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa sẽ được Cục Hải quan thông báo tới các đơn vị trên cơ sở quy định của Hiệp định thương mại tự do để phục vụ việc kiểm tra.
Trường hợp Hiệp định Thương mại tự do không yêu cầu kiểm tra chữ ký thì công chức hải quan chi kiểm tra tính hợp lệ của con dấu trên C/O.
** Ngày cấp C/O: C/O có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày cấp và công chức kiểm tra ngày cấp C/O để đảm bảo C/O được nộp cho cơ quan hải quan trong thời gian có hiệu lực, trừ các trường hợp đặc biệt được nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ theo quy định tại Điều 13 Thông tư 33/2023/TT-BTC.
** Tên người xuất khẩu: C/O phải thể hiện tên người xuất khẩu phù hợp với tên người xuất khẩu trên tờ khai hải quan nhập khẩu và các chứng từ khác trong bộ hồ sơ hải quan. Trường hợp tên người xuất khẩu khác với tên người xuất khẩu khai báo trên tờ khai do mua bán 03 bên, công chức kiểm tra thông tin về bên thứ 03 theo quy định.
** Tên người nhập khẩu: C/O phải thể hiện tên người nhập khẩu phù hợp với tên người nhập khẩu trên tờ khai hải quan. Tên người nhập khẩu trên C/O khác với tên người nhập khẩu trên tờ khai hải quan chỉ áp dụng trong trường hợp được thực hiện trừ lùi C/O.
** Cảng xếp hàng, tên phương tiện vận tải;
Thông tin về hành trình của lô hàng ghi trên C/O để đảm bảo hàng hóa nhập khẩu đáp ứng quy tắc vận chuyển trực tiếp theo quy định.
Trường hợp hàng hóa quá cảnh qua một nước/lãnh thổ thứ ba, công chức yêu cầu người khai hải quan nộp một trong các chứng từ chứng minh hàng hóa đáp ứng điều kiện về vận tải trực tiếp theo quy định tại Điều 18 Thông tư 33/2023/TT-BTC.
** Tên hàng: hàng hóa mô tả trên C/O phù hợp với hàng hóa khai trên tờ khai hải quan và chứng từ khác trong bộ hồ sơ hải quan. Trong trường hợp một C/O có nhiều mặt hàng, vướng mắc đối với một mặt hàng sẽ không ảnh hưởng đến việc áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt những mặt hàng còn lại trên C/O.
- Trường hợp hàng hóa nhập khẩu có cùng tên gọi, cùng mã số HS, cùng tiêu chí xuất xứ nhưng khác nhau về kích cỡ, công suất, model, ký mã hiệu...và tại ô số 7 trên C/O khai gộp chung các dòng hàng thì không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của C/O. Thực hiện kiểm tra, đối chiếu C/O và hồ sơ lô hàng (trường hợp cần thiết thì kiểm tra thực tế hàng hóa) để xác định tên hàng, số lượng, trọng lượng hàng hóa trên C/O phù hợp với các chứng từ hải quan và thực tế hàng hóa (nếu có) để xem xét, áp dụng mức thuế suất phù hợp theo quy định.
- Trường hợp hàng hóa khác nhau về tiêu chí xuất xứ thì phải khai báo cụ thể theo từng tên hàng, không được khai gộp tại ô số 7.
** Mã HS: trường hợp có sự khác biệt về phân loại mã số HS giữa nước thành viên xuất khẩu và nước thành viên nhập khẩu: công chức thực hiện như sau:
- Trường hợp công chức đủ cơ sở xác định tên hàng hóa nhập khẩu trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa không phù hợp với tên hàng hóa khai trên tờ khai hải quan nhập khẩu hoặc theo Thông báo kết quả phân tích phân loại hoặc hàng hóa thực tế nhập khẩu (nếu có): công chức hải quan đề xuất Lãnh đạo đơn vị hải quan nơi làm thủ tục hải quan thực hiện thủ tục từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
- Trường hợp công chức không đủ cơ sở xác định tên hàng hóa nhập khẩu trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phù hợp với tên hàng hóa nhập khẩu khai trên tờ khai hải quan nhập khẩu hoặc theo Thông báo kết quả phân tích phân loại hoặc hàng hóa thực tế nhập khẩu (nếu có): căn cứ quy định tại Điều 16 Thông tư số 33/2023/TT-BTC để thực hiện.
** Khối lượng/trọng lượng hàng: trường hợp lượng hàng nhập khẩu thực tế lớn hơn hoặc nhỏ hơn lượng hàng trên C/O thì thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 5 và khoản 6 Điều 15 Thông tư số 33/2023/TT-BTC.
** Hóa đơn thương mại: đối với chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa có hóa đơn thương mại do bên/nước thứ ba phát hành, công chức kiểm tra các thông tin về bên/nước thứ ba trên C/O theo quy định tại Hiệp định thương mại tự do và văn bản pháp luật liên quan.
** Tiêu chí xuất xứ
- Kiểm tra cách ghi tiêu chí xuất xứ của hàng hóa trên C/O (theo tiêu chí hàm lượng giá trị gia tăng, hoặc tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa, hoặc tiêu chí công đoạn gia công chế biến hàng hóa, tiêu chí xuất xứ thuần túy...) theo quy tắc xuất xứ hàng hóa theo từng Hiệp định thương mại tự do được quy định tại Thông tư hướng dẫn của Bộ Công Thương và phần hướng dẫn ở mặt sau C/O;
- Kiểm tra tiêu chí xuất xứ: công chức hải quan xác định quy tắc xuất xứ áp dụng cho hàng hóa theo mã HS quy định tại Hiệp định thương mại tự do có liên quan hoặc Nghị định số 31/2018/NĐ-CP theo trình tự tại Bước 2 Điều 5 quy trình này.
** C/O cấp sau:
- Kiểm tra việc ghi dòng chữ “ISSUED RETROACTIVELY/ ISSUED RETROSPECTIVELY” trên C/O hoặc việc đánh dấu vào ô thích hợp;
- Đối chiếu ngày xuất khẩu trên vận đơn/các chứng từ vận tải khác với ngày cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ để đảm bảo phù hợp với quy định về C/O cấp sau.
- Đối với hàng hóa được vận chuyển theo đường bộ, đường sông giữa Việt Nam với nước thành viên Hiệp định như Trung Quốc, Lào, Campuchia, ngày xuất khẩu là ngày giao hàng tại cửa khẩu xuất của nước xuất khẩu hoặc ngày phát hành chứng từ vận tải (nếu có).
Trường hợp không có căn cứ để xác định thông tin về ngày xuất khẩu như trên thì ngày hàng đến cửa khẩu nhập đầu tiên của Việt Nam được coi là ngày xuất khẩu.
- Đối với các trường hợp C/O được cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN hoặc được cấp trên trang thông tin điện tử theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu: việc không đánh dấu hoặc đánh dấu không đúng theo quy định đối với C/O cấp sau không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của C/O.
** Đối với C/O giáp lưng:
- Kiểm tra, đối chiếu về hình thức và nội dung C/O như hướng dẫn nêu trên;
- Kiểm tra thông tin C/O gốc được thể hiện trên C/O giáp lưng, thời hạn hiệu lực của C/O giáp lưng.
** C/O cấp thay thế:
- Kiểm tra thông tin xác nhận của cơ quan cấp (trên C/O hoặc theo văn bản thông báo của Cục Hải quan) về việc chứng từ chứng nhận xuất xứ được cấp thay thế theo quy định của Hiệp định;
- Trường hợp C/O được cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN hoặc được cấp trên trang thông tin điện tử theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu: sơ suất trong việc không thể hiện việc cấp thay thế trên C/O không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của C/O.
** C/O sửa lỗi: Kiểm tra thông tin được sửa và xác nhận của cơ quan có thẩm quyền cấp C/O với nội dung được sửa.
(2) Kiểm tra chứng từ tự chứng nhận xuất xứ
** Kiểm tra hình thức chứng từ tự chứng nhận xuất xứ: công chức kiểm tra hình thức của chứng từ tự chứng nhận xuất xứ áp dụng cho Hiệp định thương mại tự do tương ứng.
-Hiệp định ATIGA:
+ Hóa đơn thương mại;
+ Bản tuyên bố thanh toán/Thông báo công nợ (billing statement);
+ Phiếu/Lệnh giao hàng (delivery order);
+ Phiếu đóng gói hàng hóa (packing list).
- Hiệp định RCEP và CPTPP: Không quy định cụ thể hình thức chứng từ tự chứng nhận xuất xứ. Công chức hải quan kiểm tra nội dung của chứng từ tự chứng nhận xuất xứ theo quy định về các thông tin tối thiểu.
- Hiệp định EVFTA và UKVFTA:
+ Hóa đơn thương mại, phiếu giao hàng hoặc chứng từ thương mại khác có đủ thông tin về hàng hóa;
+ Chứng từ thương mại khác có thể là phiếu gửi hàng, hóa đơn chiếu lệ hoặc phiếu đóng gói. Chứng từ vận tải như vận tải đơn hoặc vận đơn hàng không không được coi là chứng từ thương mại khác.
** Kiểm tra nội dung của chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa
- Kiểm tra sự đầy đủ của các tiêu chí bắt buộc, các thông tin tối thiểu trên chứng từ tự chứng nhận xuất xứ theo quy định tại Hiệp định thương mại tự do tương ứng.
- Kiểm tra mẫu lời văn tự chứng nhận xuất xứ theo các quy định tại các Thông tư hướng dẫn thực hiện các Hiệp định thương mại tự do có quy định tự chứng nhận xuất xứ.
- Kiểm tra giá trị hiệu lực của mã CE đối với tự chứng nhận trong Hiệp định ATIGA, RCEP; mã REX trong Hiệp định EVFTA và mã EORI trong Hiệp định UKVFTA.
- Trường hợp có cơ sở dữ liệu tra cứu về thông tin doanh nghiệp, mặt hàng được tự chứng nhận, công chức hải quan kiểm tra sự phù hợp các thông tin này trên chứng từ tự chứng nhận xuất xứ so với cơ sở dữ liệu.
- Cách thức kiểm tra các chỉ tiêu thông tin trên chứng từ tự chứng nhận tương tự cách kiểm tra thông tin này trên C/O được hướng dẫn tại điểm a Điều này.
(3) Kiểm tra văn bản thông báo kết quả xác định trước xuất xứ hàng hóa
- Tra cứu văn bản thông báo kết quả xác định trước xuất xứ hàng hóa tại cơ sở dữ liệu của cơ quan hải quan và trên trang điện tử của Cục Hải quan;
- Kiểm tra thời hạn hiệu lực của văn bản thông báo kết quả xác định trước xuất xứ hàng hóa.
- Công chức hải quan kiểm tra, đối chiếu đảm bảo sự phù hợp, thống nhất giữa các thông tin trên văn bản thông báo kết quả xác định trước xuất xứ hàng hóa với thông tin tại các chứng từ khác thuộc hồ sơ hải quan. Lưu ý các nội dung kiểm tra như thông tin nước, cơ sở sản xuất, xuất khẩu... được hướng dẫn tại (1).
Xem thêm tại Quyết định 467/QĐ-CHQ ngày 29/4/2025.
Lê Quang Nhật Minh
8