Tội xâm phạm hoạt động tư pháp là gì? Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp

Nội dung bài viết là khái niệm về tội xâm phạm hoạt động tư pháp và các tội xâm phạm hoạt động tư pháp.

Tội xâm phạm hoạt động tư pháp là gì? Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp

Tội xâm phạm hoạt động tư pháp là gì? Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp (Hình từ Internet)

1. Tội xâm phạm hoạt động tư pháp là gì?

Theo Điều 367 Bộ luật Hình sự 2015 về khái niệm tội xâm phạm hoạt động tư pháp thì các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án.

2. Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp

Theo Chương XXIV Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) thì sau đây là các tội xâm phạm hoạt động tư pháp:

- Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội (Điều 368)

- Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội (Điều 369)

- Tội ra bản án trái pháp luật (Điều 370)

- Tội ra quyết định trái pháp luật (Điều 371)

- Tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật (Điều 372)

- Tội dùng nhục hình (Điều 373)

- Tội bức cung (Điều 374)

- Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc (Điều 375)

- Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn (Điều 376)

- Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật (Điều 377)

- Tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù (Điều 378)

- Tội không thi hành án (Điều 379)

- Tội không chấp hành án (Điều 380)

- Tội cản trở việc thi hành án (Điều 381)

- Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối (Điều 382)

- Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu (Điều 383)

- Tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu (Điều 384)

- Tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản (Điều 385)

- Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử (Điều 386)

- Tội đánh tháo người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử, chấp hành án phạt tù (Điều 387)

- Tội vi phạm quy định về giam giữ (Điều 388)

- Tội che giấu tội phạm (Điều 389)

- Tội không tố giác tội phạm (Điều 390)

- Tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp (Điều 391).

3. Mức hình phạt của tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội

Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội theo Điều 369 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) như sau:

- Người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

+ Không truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng;

+ Đối với 02 người đến 05 người;

+  Người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự bỏ trốn hoặc thực hiện hành vi cản trở điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

+ Dẫn đến việc người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trả thù người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị hại, nhân chứng;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

+ Đối với 06 người trở lên;

+ Không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

+ Người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

+ Làm người bị hại tự sát.

- Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

77

tin noi bat
Tin mới
Các tin khác